“Kỳ lân” sa cơ WeWork làm đủ mọi cách để sinh tồn: Ra mắt thêm 2 dịch vụ ở ĐNÁ, bỏ ngỏ kế hoạch mở rộng thị trường Việt Nam
Dù có tài giỏi cỡ nào, thì tình hình kinh doanh của WeWork vẫn không thể tốt xuyên suốt mùa Covid-19 và từng đợt lock-down. Trước những khốn khó bủa vây, ‘kỳ lân’ này vẫn đang kiên cường làm hết sức mình để sinh tồn – đặc biệt ở những thị trường ít bị Covid-19 tàn phá như Đông Nam Á và Việt Nam.
Sau đợt bê bối ở thượng tầng WeWork, khiến kế hoạch IPO bị đổ bể vào năm 2019, năm 2020 doanh nghiệp này đã gặp thêm một biến cố khác thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước đó - Covid-19. Sau khi không thể IPO, thay vì co cụm phòng thủ, WeWork đã liên tục mở rộng địa điểm ra khắp thế giới.
Vào tháng 11/2020, Bloomberg đưa tin, từ email của một nhân viên WeWork rò rỉ cho thấy, doanh thu của họ giảm nhẹ 8% và số thành viên giảm 11% so với quý trước đó.
Trong quý IV/2020, WeWork đạt doanh thu 811 triệu USD, lỗ 517 triệu USD, song đây vẫn là một sự cải thiện so với quý III/2019, lúc nỗ lực IPO của họ thất bại và công ty đã ‘đốt’ 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, họ cũng cắt 66 địa điểm kinh doanh, để còn 859 địa điểm và 542.000 thành viên. Số liệu gần nhất mà WeWork công bố vào tháng 1/2021, vẫn giữ nguyên con số về địa điểm và thành viên.
Sở dĩ, WeWork có thể từ 1 startup nhỏ sinh lớn mạnh thành một ‘Kỳ lân nhiều sừng’ như ngày hôm nay là nhờ chính sách cho thuê chỗ làm vừa tiện lợi, vừa linh hoạt, giúp doanh nghiệp có thể tùy biến thời gian thuê và không gian tùy theo nhu cầu cụ thể trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, cũng chính điểm mạnh này lại trở thành điểm yếu chết người của WeWork trong giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp cũng dễ dàng rời bỏ họ đi, bởi những cam kết trước đó khá lỏng lẻo và với triết lý kinh doanh của mình, WeWork không thể làm gì khác hơn là phải chúc họ may mắn tiếp theo.
Đứng trước thực trạng buồn này, WeWork tất nhiên không khoanh tay chịu trói, khi họ đang làm đủ mọi cách để lôi kéo người lao động quay trở lại văn phòng, đặc biệt là ở các khu vực – thị trươngf ít bị Covid-19 tàn phá như Đông Nam Á và Việt Nam.
Theo đó, mới đây, WeWork đã tiến hành tổ chức Hội thảo online dành cho các phóng viên toàn khu vực Đông Nam Á, với chủ đề "Nhạy bén trong chuyển đổi không gian làm việc cùng WeWork".
WeWork sắp triển khai 2 gói dịch vụ mới ở khu vực Đông Nam Á
Theo bà Elizabeth Laws Fuller – Giám đốc Tăng trưởng của WeWork Đông Nam Á, khả năng hồi phục kinh tế ở khu vực Đông Nam Á đang rất tốt.
Bà Elizabeth Laws Fuller – Giám đốc Tăng trưởng của WeWork Đông Nam Á. Ảnh: WeWork
Cụ thể theo dự báo, GDP trên toàn Đông Nam Á sẽ đạt mức phục hồi 6,2% vào năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 4,2%, 53% doanh nghiệp châu Âu nhận thấy Đông Nam Á là khu vực có triển vọng kinh tế tốt nhất trong 5 năm tới, 48% giám đốc điều hành ở Đông Nam Á (cao hơn mức trung bình toàn cầu là 39%) đang hoạch định kế hoạch vượt qua khủng hoảng trong tương lai của họ bằng cách quản lý lực lượng lao động.
"Khi đại dịch ập đến, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức như sau: thiếu sự trang bị đầy đủ về các nguồn lực cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh liêntục, thiếu không gian bổ sung để tiến hành giãn cách mật độ nhằm hỗ trợ phân phối lực lượng lao động tốt hơn.
Hoặc, cơ sở hạ tầng không đảm bảo như internet yếu và các hợp đồng thuê không linh hoạt, các văn phòng truyền thống không có khả năng hỗ trợ liên tục 24/7 ví dụ như điều hòa không khí… Ngoài ra, còn rất khó tìm được một đối tác phù hợp trong chuyển đổi chiến lược không gian làm việc mới của họ", bà Elizabeth Laws Fuller bình luận.
Trong thời kỳ đại dịch, tính linh hoạt là điều mà các doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Hơn nữa, sự phát triển của nhu cầu trong các lĩnh vực như giáo dục và dược phẩm đã tăng lên mạnh mẽ do tình hình phức tạp của dịch Covid-19 và do đó, các daonh nghiệp trong ngành cần mở rộng không gian vận hành bổ sung.
Ví dụ: Globish Academia, một nền tảng tiếng Anh trực tuyến từ Thái Lan, đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng siêu tốc trong thời kỳ đại dịch. Sự hỗ trợ đầy đủ về mặt hậu cần của WeWork cho phép họ tập trung vào vận hành và lập chiến lược mở rộng quy mô nhân sự của mình, và từ đó công ty này đã mở rộng sang Việt Nam với sự hỗ trợ của WeWork.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp quyết định tái cấu trúc: một số lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn dịch, ví dụ như một công ty đặt vé du lịch trong khu vực đã phải cắt giảm khoảng 20% lực lượng lao động do tác động của Covid-19.
"Sau một năm đại dịch, chúng ta có thể xem hình thức làm việc tại nhà là một phương án thay thế đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng không phải giải pháp mang tính lâu dài. Tại nơi làm việc, sự đổi mới, sáng tạo và việc đảm bảo “sức khỏe” của tổ chức là những nhân tố chính tạo nên sự hợp tác thành công. Việc mất những nhân tố này sẽ cản trở hiệu suất kinh doanh, sự phối hợp làm việc của nhân viên và ‘sức khỏe doanh nghiệp’ về lâu dài.
Nơi làm việc mới sẽ là sự kết hợp giữa các phương án sắp xếp không gian làm việc linh hoạt, khi các công ty cần sự linh hoạt trong việc mở rộng cũng như thu hẹp quy mô kinh doanh trong khi vẫn quản lý dòng tiền hiệu quả. Ví dụ: Hai công ty trong danh sách Fortune 500 đã mở rộng quy mô của họ tại một số tòa nhà của WeWork, bằng cách thiết lập trụ sở tại một địa điểm WeWork và hỗ trợ các chi nhánh/đơn vị kinh doanh ở các địa điểm WeWork khác.
Họ đã tận dụng sự hiện diện ở khu vực trung tâm với các địa điểm gần nhau của WeWork. Điều này cho phép họ mở rộng quy mô phù hợp mà không cần phải thương lượng lại với các cam kết thuê văn phòng hiện có, thực hiện phân bổ lực lượng lao động như một biện pháp an toàn nhưng vẫn đảm bảo sự tương tác với nhau", Giám đốc Tăng trưởng của WeWork Đông Nam Á nêu cụ thể.
Trong bối cảnh đó, WeWork tin rằng, họ có thể giúp được doanh nghiệp – nhất là tại khu vực Đông Nam Á, với các giải pháp như: giảm chi phí cam kết (committed costs) lên đến 50%, đảm bảo tính linh hoạt với các thỏa thuận cho thuê.
Linh hoạt về thời gian và không gian - các công ty có thể chia văn phòng của họ thành nhiều địa điểm khác nhau để hỗ trợ các nhóm lực lượng lao động phân tán; ác công ty cũng có thể tái cấu trúc và chuyển đổi không gian làm việc khi họ cần mở rộng hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh của mình. Phát triển dịch vụ không gian: các tòa nhà hiện có của WeWork có thể được sử dụng như một kiểu khuôn viên hoặc Trung tâm hợp tác cho các công ty, nơi có môi trường rộng rãi, đầy cảm hứng và sáng tạo.
Chưa hết, WeWork sắp ra mắt 2 gói dịch vụ mới để phục vụ thị trường: là gói ‘Không giới hạn" và "Theo yêu cầu"
Gói ‘Không giới hạn’ (ra mắt tại Đông Nam Á vào quý I): với số lượng lớn các địa điểm tại 151 thành phố trên khắp thế giới, WeWork Không giới hạn cho phép các thành viên WeWork tận dụng tối đa quy mô của chúng tôi bằng cách cung cấp quyền sử dụng tại bất kỳ địa điểm nào của WeWork, với tính năng đặt chỗ trước.
Gói "Theo yêu cầu" (ra mắt tại Đông Nam Á – quý I): với hơn 800 địa điểm trên khắp thế giới, chương trình này hướng đến những khách hàng không phải là thành viên sử dụng không gian làm việc hoặc phòng hội nghị theo giờ hoặc ngày. WeWork hiện đã triển khai mô hình này tại Mỹ.
WeWork đã được trao Chứng chỉ Thích ứng Toàn cầu dựa trên cuộc đánh giá độc lập về các biện pháp an toàn và sức khỏe trong bối cảnh Covid-19 của WeWork, cũng như các kế hoạch ứng phó và điều chỉnh không gian.
WeWork sẽ không mở rộng thị trường ở Đông Nam Á đến nửa đầu năm 2021, tại Việt Nam vẫn đang xem xét mức độ phù hợp với danh mục đầu tư của mình
Kể từ khi gia nhập thị trường Đông Nam Á vào 2017, hiện WeWork đã có 31 địa điểm trong khu vực; trải dài trong 6 nước Singapore, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Chiến lược phát triển của "Kỳ lân nhiều sừng" này tại Đông Nam Á bao gồm: đảm bảo độ phủ trong khu vực và toàn cầu, hỗ trợ các công ty Đông Nam Á mở rộng quy mô ra nước ngoài, cung cấp kho vận, thiết kế và nhiều giá trị cho các đơn vị trung gian.
Tại Singapore, gần đây Wework đã ra mắt bộ ba địa điểm khu vực trung tâm (CBD location) của mình. Chiến lược của WeWork vào năm 2021 taị khu vực Đông Nam Á là tập trung vào việc tối ưu hóa sự tăng trưởng của WeWork và sáng suốt trong danh mục đầu tư bất động sản thực tế, phù hợp với mô hình kinh doanh của chúng tôi. Tính đến nửa đầu năm 2021, Wework không có kế hoạch mở rộng và đợi cơ hội tăng trưởng khi thị trường dần phục hồi trở lại.
Giống như trên thế giới, đối tượng khách hàng mà WeWork nhắm đến ở khu vực Đông Nam Á chủ yếu là các doanh nghiệp lớn hoặc các startup "Kỳ lân", chứ không phải SMEs hoặc các startup đang trong giai đoạn đầu. Các doanh nghiệp lớn (ít nhất 1.000 nhân viên trên khắp thế giới) chiếm 54% tổng số thành viên trên toàn cầu của WeWork trong quý III/2020.
WeWork đã chọn không trả lời chính xác về tỷ lệ lấp đầy tại thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Trong tour tham quan văn địa điểm LIM Tower 3 ở cuối tháng 1/2021, chúng tôi thấy vài tầng của WeWork vẫn đang còn trống. Còn WeWork tiết lộ rằng, các tầng trong LIM Tower sẽ được lấp đầy trong quý I/2021 – tức vào khoảng tháng 3.
Vào tháng 4/2020, WeWork đã thông báo họ có 3 địa điểm ở TP. HCM là E-Town Center – quận 4, Sonatus và LIM Tower (chiếm tầng 2 đến tầng 7) đều ở quận 1. Hiện tại trên website WeWork cập nhật chỉ còn 2 là E-Tower Center và Lim Tower. Lúc mới vào Việt Nam, WeWork cũng có ý định nhanh chóng mở rộng ra Hà Nội, song do thời cuộc, hiện tại ‘Wework vẫn đang xem xét mức độ phù hợp đối với danh mục đầu tư của mình’.
WeWork không còn kinh doanh ở địa điểm Sonatus. Ảnh: FB Lic AK
Phần mình, ở thị trường Việt Nam, WeWork muốn nói về tương lai hơn là thực tại.
"WeWork vẫn đang trên đà đạt được lợi nhuận vào quý IV/2021, và chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin mạnh mẽ. Chúng tôi cũng đang có những thành viên bắt đầu kéo dài thời hạn làm việc tại WeWork gấp 2 -3 lần (từ 2 năm lên 5 năm).
Thị trường Việt Nam gần đây cho thấy sự hoạt động sôi nổi, nhiều doanh nghiệp quốc tế cũng đã đầu tư và mở rộng doanh nghiệp của họ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này đã tạo ra nhu cầu cho các công ty tiếp tục đẩy mạnh phát triển - thích ứng nhanh nhẹn, để duy trì lợi thế cạnh tranh của họ và không gian làm việc linh hoạt thường là giải pháp các doanh nghiệp tìm đến.
Nhằm đáp ứng xu hướng làm việc của một thế hệ trẻ, chúng tôi nhận thấy các công ty Việt Nam đang hướng tới việc cung cấp một môi trường làm việc đầy cảm hứng nhằm nuôi dưỡng nhân tài, từ đó tăng năng suất và khả năng hợp tác.
Không gian làm việc chung rõ ràng đang trở thành chiến lược triển vọng để giữ chân nhân viên. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2020 mà chúng tôi đã thực hiện với sự hợp tác của IDC: 80% các công ty tại Việt Nam đang có kế hoạch sử dụng không gian làm việc chung trong 1-3 năm tới; 86% các công ty nhận ra rằng điều quan trọng là phải có một không gian làm việc sáng tạo và hợp tác để thu hút và giữ chân thành công nhân tài", bà Elizabeth Laws Fuller khẳng định.
Trong năm 2020, tại Việt Nam, chiến lược của WeWork là tập trung vào việc củng cố các nền tảng cần thiết trong việc đặt mục tiêu hướng tới lợi nhuận. WeWork cũng sẽ tập trung vào việc định vị các giải pháp của mình để nhắm đến danh sách công ty thuộc Fortune 500 để mở rộng quy mô từ nước ngoài đến Đông Nam Á.