Kỳ họp thứ 8 chính thức được "số hóa", phần mềm phục vụ các đại biểu thông minh như Google

18/10/2019 19:01 PM | Công nghệ

Phần mềm mới Quốc hội chính thức đưa vào sử dụng trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV được thiết kế tối ưu nhu cầu của các đại biểu và xóa bỏ "núi tài liệu" được phát tới các đại biểu trong kỳ họp.

Trao đổi với các phóng viên trước thềm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ chính thức áp dụng các công nghệ thông tin vào kỳ họp này thay vì thí điểm áp dụng như kỳ họp trước.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, mỗi đại biểu quốc hội sẽ được phát một máy tính bảng iPad, trong đó có cài sẵn phần mềm để phục vụ công tác của đại biểu. Với phần mềm mới, đại biểu quốc hội có thể xem tài liệu ở bất cứ đâu. Thậm chí, việc cài phần mềm trên điện thoại di động cho phép đại biểu linh hoạt hơn trong việc tiếp cận tài liệu.

"Phần mềm dành cho các đại biểu trong kỳ họp thứ 8 được nâng cấp hơn so với kỳ họp thứ 7. Sự thay đổi đến từ việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tạo ra những tùy chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu. Không chỉ cung cấp tài liệu cho đại biểu một cách nhanh chóng, phần mềm còn giúp tương tác giữa các đại biểu tốt hơn và tiếp nhận thông tin từ báo chí linh hoạt hơn", ông Phúc nhấn mạnh.

Một trong những ví dụ được Phó Tổng thư ký Quốc hội nêu ra là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phần mềm phục vụ các đại biểu quốc hội. Theo đó, chức năng chuyển giọng nói thành văn bẳn giúp việc tiếp cận và chia sẻ thông tin trở nên linh hoạt hơn. Chức năng tìm kiếm cũng được cải thiện một cách rõ rệt.

"Trong việc tra cứu luật, trước đây, đại biểu phải gõ đầy đủ ngày, tháng, năm ban hành văn bản để có kết quả. Bây giờ, đại biểu chỉ cần đánh từ khóa là có thể tìm được ngay tài liệu. Chứng năng tìm kiếm trong phần mềm thông minh như khả năng của Google. Ví dụ, tìm kiếm từ khóa luật đất đai, các đại biểu sẽ được cung cấp tất cả thông tin", ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, phần mềm còn có thể cung cấp cho các đại biểu về các dự án luật tương tự ở nước ngoài. Thư viện số giúp tra cứu tài liệu tức thời từ hệ thống thư viện điện tử của quốc hội. Thậm chí, đại biểu có thể yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu để phục vụ nghiên cứu.

"Hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin là rõ rệt. Thay vì một chồng tài liệu cao quá đầu, giờ đây, các đại biểu có thể đi họp chỉ với một chiếc iPad", ông Phúc nhấn mạnh. Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết công nghệ mới giúp giảm thời gian chờ đợi, giảm áp lực cho đội ngũ văn thư, hành chính của Quốc hội trong việc sao, in tài liệu hay gửi qua đường bưu điện.

Ông Phúc cũng cho biết Quốc hội Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Quốc hội điện tử để đảm bảo hoạt động của các đại biểu.

Trước những băn khoăn về tính bảo mật của tài liệu khi các thiết bị đều có xuất xứ nước ngoài, ông Phúc nhấn mạnh phần lớn tài liệu của các đại biểu quốc hội đều công khai. Trong trường hợp Quốc hội họp riêng về nhân sự hay các vấn đề bí mật quốc gia, tài liệu mật được phát hành dưới dạng giấy để được bảo mật.

Tuy nhiên, Quốc hội cũng nhấn mạnh tất cả các thiết bị đều được kiểm tra, kiểm duyệt và nhân dân hoàn toàn có thể yên tâm.

"An ninh mạng được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề này", ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM