KTS. Phạm Thanh Tùng: Việt Nam có đầy đủ tiềm năng về thiên nhiên và con người để trở thành một quốc gia farmstay

29/09/2020 07:28 AM | Kinh doanh

Do đang trong giai đoạn sơ khai, nên ngành farmstay của Việt Nam cũng có điểm yếu giống nhiều nước Đông Nam Á khác: trải nghiệm của khách hàng trong farmstay hay trong hệ sinh thái các farmstay chưa có chất lượng. Ngoài ra, ngành farmstay Việt Nam vẫn chưa truyền thông tốt ở tầm quốc tế như Bali (Indonesia) hay Chiangmai (Thái Lan). Chỉ cần khắc phục 2 điểm yếu đó, cộng với tiềm năng về thiên nhiên và con người, Việt Nam có thể trở thành quốc gia farmstay.

Việt Nam có tiềm năng để trở thành một quốc gia farmstay hay quốc gia du lịch nông nghiệp

Hiện nay, ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia hay Thái Lan, farmstay được chia thành hai loại: một loại là nông trại rộng lớn, canh tác nhiều (chất lượng nông sản chưa cao), có nơi nghỉ lại cho du khách (stay sơ sài); một loại khác có phần stay được chăm chút tốt nhưng phần trải nghiệm nông nghiệp lại rất nghèo nàn, nếu không muốn nói là không có gì.

Điều đó có nghĩa rằng các farmstay tại các quốc gia này vẫn chưa có tiêu chuẩn hay hành lang pháp lý rõ ràng về mô hình farmstay. Điều này dẫn đến việc xây dựng, phát triển farmstay không đúng mô hình farmstay. Việt Nam đang xuất phát sau trong cuộc đua này, đây có thể xem là một lợi thế về việc chuẩn hóa và định vị mô hình farmstay trên trường quốc tế.

Trải qua hàng tỷ năm kiến tạo của vỏ trái đất và phát triển của hệ sinh thái. Trải qua nhiều cuộc binh biến để phân chia lãnh thổ mà bản chất là phân chia bằng ranh giới tự nhiên; phía Bắc chúng ta có dãy núi cao, phía Tây có dãy Trường Sơn. Gió mùa xích đạo mang hơi ẩm từ biển vào đất liền, ngưng đọng ở bờ phía Đông của dãy Trường Sơn và phía Nam của núi cao phía Bắc, tạo ra hệ sinh thái tự nhiên đa dạng mà không nơi nào khác trên thế giới có được.

Chính vì thế, Việt Nam mới có một hệ sinh thái dược liệu, nông sản, cây trái đa dạng. Điều này giúp du lịch nông nghiệp ở Việt Nam có cơ sở vững chắc để phát triển.

Theo cảm nhận của tôi thì mô hình farmstay ở khu vực Đông Nam Á vẫn còn khá sơ khai. Các nhà chuyên môn tham gia trong chuỗi giá trị này chưa có đủ nhiều hàm lượng chất xám nên chuỗi trải nghiệm của khách hàng trong farmstay hay trong hệ sinh thái các farmstay chưa có chất lượng. Một khi Việt Nam khắc phục được những hạn chế kể trên thì Việt Nam mới định được vị mình trở thành quốc gia farmstay hay quốc gia du lịch nông nghiệp.

Khả năng chế biến sau thu hoạch và đóng gói thương phẩm của tầng lớp nông dân ở các quốc gia Đông Nam Á chưa tốt - vẫn còn khá sơ khai, nhưng về dịch vụ du lịch, các quốc gia này có khả năng triển khai tốt hơn Việt Nam. Tuy vậy, điều này không phải là một điều khó khăn với năng lực trí tuệ của người Việt. Những ai đã từng trải nghiệm ở các địa điểm này sẽ nhận ra rằng: giá trị trải nghiệm trong chuỗi farmstay của họ vẫn còn khá nghèo nàn và giá tiền chưa tương xứng với những gì du khách nhận được.

KTS. Phạm Thanh Tùng: Việt Nam có đầy đủ tiềm năng về thiên nhiên và con người để trở thành một quốc gia farmstay - Ảnh 1.

Một khu vực có ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Sapa. Ảnh: Ngọc Bằng

Cụ thể, điều mà các farmstay ở Bali (Indonesia) hay Chiangmai (Thái Lan) đang làm tốt là truyền thông ở tầm khu vực và quốc tế nên chúng ta biết đến họ nhiều hơn. Bên cạnh đó, năng lực truyền thông của những đơn vị truyền thông Việt Nam trong môi trường nội bộ rất tốt nhưng tầm nhìn vẫn còn khá ngắn và hẹp.

Nếu có một đơn vị nào đó đứng ra chịu trách nhiệm leader để truyền thông về farmstay Việt Nam vươn xa khu vực và quốc tế thì tôi tin rằng Việt Nam sẽ được định vị thành quốc gia có nhiều farmstay độc đáo là chuyện rất dễ dàng.

Hiện nay, trên thế giới đang có một cuốn sách dưới 100 trang nói về mô hình farmstay do Học viện nông nghiệp bền vững Minnesota thực hiện. Ở Việt Nam, tôi là người đã viết hơn 70 bài viết về mô hình farmstay. Theo nhận định chủ quan của mình, tôi nhận thấy tri thức farmstay ở Việt Nam và cả trên thế giới vẫn còn chưa hoàn thiện. Trên góc nhìn tổng thể thì Việt Nam hoàn toàn có thể định vị bản thân trở thành quốc gia farmstay với thế giới.

Có thể một số người sẽ lý do rằng chính sách của Việt Nam chưa tốt hoặc sẽ đổ lỗi cho các bộ, ban ngành, nhưng họ không nhận ra rằng, mỗi người cần hành động vì một tương lai chung thay vì ngồi viện cớ!

4 cách để tham gia xây dựng và phát triển ngành farmstay

Thời gian gần đây, tôi nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ từ các cá nhân muốn tham gia vào mô hình farmstay. Tôi cũng đã gặp trực tiếp và nghe một số bạn khác chia sẻ về mong muốn này của họ. Có nhiều bạn đã chia sẻ trong các nhóm "Bỏ phố về rừng", "Kinh doanh farmstay", qua đó, tôi nhận ra rằng họ đang bấn loạn trong việc xác định những giá trị mà farmstay sẽ mang lại cho cuộc sống của mình.

Mô hình farmstay trên thế giới còn đang khá mới mẻ và ở Việt Nam - mô hình này cũng chỉ xuất hiện về lý luận hay ý tưởng trên những nhóm facebook còn ngoài thực tế lại có rất ít farmstay đúng nghĩa. Do đó, việc mọi người hiểu và hình dung rõ "Farmstay là gì?" có lẽ cũng khó khăn. Vậy farmstay là gì?! Chỉ khi bạn hiểu đúng giá trị nhận được khi làm một farmstay sẽ giúp các bạn quyết định được rằng: "Có nên tham gia vào mô hình này không?".

Farmstay là kết hợp giữa việc canh tác nông nghiệp và nhà nghỉ dành cho khách lưu trú nên một farmstay có thể chỉ nhỏ vài nghìn mét vuông hoặc có thể rộng lớn đến vài chục héc ta. Nhưng điều quan trọng là bạn phải xác định được: "Mình muốn gì?" và "Mình muốn nhận được gì?" từ mô hình farmstay.

KTS. Phạm Thanh Tùng: Việt Nam có đầy đủ tiềm năng về thiên nhiên và con người để trở thành một quốc gia farmstay - Ảnh 2.

Greenfield ở Bà Rịa - Vũng Tàu, một farmstay được giới kiến trúc sư Việt Nam đánh giá cao. Ảnh: FB Greenfield Farmstay

Nếu bạn là người có nhiều tiền và chỉ muốn làm đầu tư mà thôi thì hãy tập trung vào phần lợi nhuận. Nếu bạn là người muốn kinh doanh về farmstay thì hãy tập trung vào việc quản trị tốt. Nếu bạn là người đam mê một cuộc sống "bỏ phố về rừng" thì đừng quan tâm đến lợi nhuận mà hãy tập trung vào phong cách sống của chính bản thân mình.

Còn nếu bạn chỉ muốn trải nghiệm xem farmstay là gì thì đừng quan tâm đến bất kể điều gì mà hãy tập trung vào việc làm nông dân, trải nghiệm cuộc sống tại những farmstay có sẵn.

Đầu tư

Nếu bạn muốn trở thành nhà đầu tư để nhận được lợi nhuận – tiền từ mô hình kinh doanh farmstay, thì bạn cần có tư duy của nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này. Và điều quan trọng nhất của tư duy nhà đầu tư là: bỏ ra tiền để sinh ra tiền, không cần quá quan tâm đến chi tiết, vì tiền sẽ làm việc cho bạn.

Muốn làm nhà đầu tư, bạn cần phải có năng lực nhận định rằng: mô hình kinh doanh, năng lực vận hành, thị trường, con người... mà bạn có khi tham gia vào lĩnh vực này có tạo ra điểm lợi nhuận kỳ vọng hay không? Điều quan trọng nhất của nhà đầu tư là khả năng cảm nhận thị trường và nhận định được mô hình farmstay sẽ mang lại lợi nhuận như thế nào.

Bởi, tất cả mọi thứ đều chưa có tiền lệ, nên sự thành công hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận và phán đoán của bạn. Chỉ khi có năng lực cảm nhận thị trường tốt thì bạn mới nên làm nhà đầu tư farmstay.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần có năng lực làm việc với con người và sự ảnh hưởng của bạn đến một cá nhân phải đủ lớn để người đó đồng hành cùng bạn trong việc đầu tư, xây dựng, phát triển các doanh nghiệp farmstay. Một nhân sự phù hợp sẽ quyết định thành công của dự án, bởi vì chính người đó sẽ định hướng đúng mô hình kinh doanh hoặc xử lý các tác vụ chuyên môn trong quá trình vận hành, phát triển farmstay. Vì thế, muốn trở thành một nhà đầu tư thì bạn phải trở thành một người có sức ảnh hưởng.

Làm chủ nhân của farmstay

Bạn xác định farmstay là niềm đam mê, là một mô hình kinh doanh sinh ra tiền cùng niềm vui cho mình, bạn sẽ mong muốn được trải nghiệm, giải quyết tất cả những vấn đề xảy ra trong việc phát triển, vận hành farmstay. Hoặc bạn rất hứng thú khi trở thành người vận hành, khởi nghiệp và điều hướng về mặt quản trị với ý tưởng farmstay mà bạn đang theo đuổi.

KTS. Phạm Thanh Tùng: Việt Nam có đầy đủ tiềm năng về thiên nhiên và con người để trở thành một quốc gia farmstay - Ảnh 3.

Một góc Hana Land - Lâm Đồng, farmstay có trải nghiệm văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên rất thú vị. Ảnh: Facebook Hana Land.

Nếu bạn có 1 trong 2 mục tiêu khi đến với farmstay tức bạn muốn làm chủ một farmstay. Muốn làm chủ bạn cần có kỹ năng quản trị, khả năng lập chiến lược, làm truyền thông, marketing và rất nhiều kỹ năng khác để có thể nhận định năng lực của con người và đặt họ vào đúng vị trí của bộ máy, mô hình vận hành farmstay. Tức là, nếu bạn xác định sẽ trở thành chủ nhân của một farmstay, sinh sống tại trang trại để tạo ra lợi nhuận, bạn cần có những kỹ năng tôi vừa nêu ở trên.

Tập trung vào đam mê

Nếu bạn là một người đang tìm kiếm một phong cách sống "bỏ phố về rừng", tự cung tự cấp, tạo ra một nơi đón tiếp những người bạn của mình; tôi nghĩ bạn đừng quá quan tâm đến lợi nhuận mà hãy tập trung nhiều hơn vào đam mê, nhiệt huyết để tạo ra những giá trị cho chính cuộc sống của bạn trước, rồi sau đó hãy đón tiếp những người bạn đến trải nghiệm.

Những giá trị về mặt kinh tế sẽ không xuất hiện ngay lập tức mà sẽ tăng dần theo thời gian. Những cá nhân làm farmstay theo hướng này cần tập trung vào việc gia tăng về tri thức, các kỹ năng về cuộc sống, nông nghiệp, dược liệu, tâm linh, sức khỏe... chứ không phải tập trung vào mục tiêu tài chính.

Thử trải nghiệm trước

Nếu bạn là một người thích thú với mô hình farmstay, thấy mô hình này hay hay và đang còn tìm hiểu về mô hình này thì bạn nên thử trải nghiệm mô hình này trước. Bạn có thể làm công, làm thuê tại một vị trí nào đó của farmstay để trải nghiệm cuộc sống tại đây, nhằm hiểu rõ phong cách sống này như thế nào.

Bạn sẽ sáng tỏ những điều mà mình đang tìm kiếm trong mô hình farmstay có phải là đích đến của mình hay không. Lúc đó, bạn sẽ có đủ dữ liệu để ra quyết định: có nên tham gia vào mô hình này hay không, bạn sẽ tham gia vào với vai trò gì, tham gia để thực hiện mục tiêu gì của mình…

Tuy nhiên, đôi khi, bạn có thể tham gia trong nhiều vai trò khác nhau chứ không chỉ cố định trong một vai trò mà tôi vừa nêu trên.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng hiện đang là Giám đốc thương hiệu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đại Nam Pharma, làm việc tại DeZicor, founder của fanpage Thiết kế Farmstay, từng là người đồng sáng lập Milimet Vuông.

KTS. Phạm Thanh Tùng

Cùng chuyên mục
XEM