Kinh tế Việt Nam 2020 thoát đáy, tạo đà cho 2021

01/01/2021 13:41 PM | Xã hội

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự ổn định kinh tế vĩ mô và những kết quả tăng trưởng trong bối cảnh năm 2020 sẽ là nền tảng tốt tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Một năm nỗ lực thoát đáy

Năm 2020 đi qua đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với kinh tế thế giới và Việt Nam. Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới là một cú sốc lớn, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu. Bên cạnh đó, các xung đột thương mại giữa các nước, các khu vực; thiên tai, dịch bệnh cũng liên tiếp tác động tới Việt Nam. Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

GDP đạt 2,91% tuy là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, thì đây là thành công lớn của Việt Nam. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Riêng GDP quý 4/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước.

"Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Việt Nam và bắt đầu tác động tiêu cực tới nền kinh tế, hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành đã kịp thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân vào sự điều hành, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; hỗ trợ trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự ảnh hưởng của chuỗi đứt gẫy cung ứng.

Cụ thể như: Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền khoảng 62.000 tỷ đồng; Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19...

Giữa đại dịch, người đứng đầu Chính phủ đã kêu gọi củng cố 5 mũi giáp công để khôi phục nền kinh tế gồm: thu hút đầu tư tư nhân trong nước, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần hỗ trợ DN kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế. Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng DN, nhiều ngành kinh tế sau khi sụt giảm đã có sự phục hồi và có đóng góp lớn giúp nền kinh tế tăng trưởng dương, cùng với đó, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được sự ổn định. Đây được xem là "thắng lợi kép" của kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Trái ngược với lo ngại xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sẽ sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, động lực chính để nền kinh tế có sức chống chịu và đạt kết quả tốt như vừa qua xuất phát từ nền tảng là niềm tin và một tầm nhìn chung về phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh.

"Covid-19 đã gây ra những xáo trộn lớn của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được những cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ đã kiên định trong điều hành chính sách vĩ mô trước những sức ép mở rộng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... điều này quay trở lại củng cố niềm tin của DN, người dân. Đây là một thành tựu rất đáng ghi nhận", TS. Lê Duy Bình đánh giá.

Tăng tốc trong năm mới

Với những nỗ lực của Việt Nam đạt được trong năm 2020, nhiều tổ chức quốc tế, định chế tài chính đã dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021 khá tích cực.

Trong báo cáo "Điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam", Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% và ổn định ở mức 6,5% trong các năm tiếp theo. Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định khủng hoảng Covid-19 dần được kiểm soát, khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.

Còn báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại nhận định, nhờ kiểm soát chặt chẽ đại dịch, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định với dự báo do IMF đưa ra là tăng 1,6% trong năm 2020 và tăng 6,7% trong năm 2021.

Theo TS. Lê Duy Bình, sự ổn định kinh tế vĩ mô và những kết quả tăng trưởng trong bối cảnh năm 2020 sẽ là nền tảng tốt và tạo đà tốt cho tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Trong ngắn hạn năm 2021, đồ thị hình chữ V khả năng sẽ được tiếp nối, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã có sự phục hồi, khi vaccine phòng chống Covid-19 đã được sản xuất thành công sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế trên diện rộng. Đồ thị tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu hiện vẫn còn nhiều yếu tố biến động.

"Với nỗ lực của Việt Nam hiện nay, với tốc độ tăng trưởng của năm 2020, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kịch bản tăng trưởng theo hình chữ V trong những năm sau. Tuy nhiên, góc rộng hay hẹp của chữ V này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà chúng ta rất khó đoán định trong thời điểm hiện nay. Song, dựa trên những chứng cứ đang có và xu thế hiện tại, có thể tin tưởng rằng năm 2021 tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2020", TS. Lê Duy Bình nhận định.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2021 sẽ là một năm đầy khó khăn, không có gì kỳ vọng lớn đối với nền kinh tế, chúng ta nên đặt ra mục tiêu kinh tế khiêm tốn với mức tăng trưởng khoảng 5%.

Để đạt được những mục tiêu cao hơn đối với kinh tế, ông Nghĩa cho rằng, cần thay đổi nhận thức trong phát triển công nghệ số để phát triển nền kinh tế.

"Chúng ta cần phục hồi các công ty số hóa Việt Nam, vì công nghệ số có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất kinh doanh, bán hàng. Được biết, có 1 số ngân hàng thực hiện chuyển đối số nhưng lại đều hợp tác với DN số của nước ngoài. Tuy nhiên, rất may vì dịch Covid-19 các DN số này không vào được Việt Nam nên các ngân hàng phải hợp tác với các DN nội. Ví dụ: Công ty Viettel, PFT… Các DN nội phải liên kết với nhau, kết nối với nhà sản xuất và người tiêu dùng để cùng vực dậy nền kinh tế", TS Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị./.

Cẩm Tú

Cùng chuyên mục
XEM