Kinh tế tư nhân: Chủ thể xương sống của nền kinh tế

13/03/2019 16:19 PM | Xã hội

Với sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân qua thời gian không thể không nhìn nhận vai trò của họ trong nền kinh tế...

Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế một quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang chịu nhiều rủi ro và gặp nhiều khó khăn do thể chế. Đây là nội dung được đề cập tại "Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019" với chủ đề "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 12/3, tại Tp.HCM.

Các chuyên gia đánh giá cao về vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Bởi thực tế, sự đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế là rất rõ rệt. Không những sẽ là đối tượng đóng góp lớn cho GDP mà còn tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Là chủ thể xương sống của nền kinh tế

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đưa ra dẫn chứng, năm 2000, khu vực ngoài nhà nước chỉ tạo việc làm cho xã hội chiếm 26,1% nhưng đến nay đã là 60%. Trong khi ấy, theo cách tính toán hiện nay thì đóng góp của kinh tế tư nhân (không tính hộ gia đình và cá thể) vào GDP chỉ chiếm 10%, rất nhỏ. Cũng vì chưa đặt đúng vị trí nên sự đóng góp chưa như kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đã đến lúc có thể nói khu vực tư nhân không chỉ bao gồm gói gọn trong 700.000 doanh nghiệp mà còn bao gồm cả khu vực kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể và doanh nghiệp FDI, như vậy con số kinh tế tư nhân đã chiếm đến 61% GDP chứ không phải là con số 10% khiêm tốn như cách tính hiện nay. Đồng thời, nếu nói khu vực kinh tế tư nhân theo nghĩa rộng như vậy thì khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò quan trọng, chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.

Thêm vào đó, bà Lê Thị Nam Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, nếu phân định riêng ra hộ kinh doanh, cá thể nhỏ thì vô tình bị mất đi một lực lượng đóng góp vào GDP và cũng khuyết đi một đối tượng cần bệ đỡ. Không phân biệt rạch ròi thì sẽ khó có thể phù hợp. Cho nên giờ đây, Chính phủ đặt kinh tế tư nhân làm lực lượng trụ cột của nền kinh tế là xác đáng.

Bởi vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, dù ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, hay châu Âu thì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đều được xem là hệ xương sống của nền kinh tế, Việt Nam không thể ngoại lệ, đi ngược lại xu hướng này.

Với sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân qua thời gian không thể không nhìn nhận vai trò của họ trong nền kinh tế. Theo ông Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng, kinh tế Việt Nam từ 2016 đến nay đang đổi chiều tăng trưởng, đặt ra mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Việc này song hành cùng với sự tăng trưởng về quy mô của khu vực tư nhân.

Bởi, trước kia, Nhà nước cho phép tư nhân mới được làm, chỉ tới năm 2013 khi có Hiến pháp mới và từ 2015 khi có Luật Doanh nghiệp mới thì tư nhân mới được tự do làm ăn, nhưng vẫn lại đi kèm với các điều kiện. Cho nên có thể nói là ngay tư duy tự do vẫn chưa có, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn bị kìm kẹp trong thời gian dài như vậy thì làm sao phát triển hơn được.

Sớm cải cách thể chế để tư nhân phát huy

Theo các chuyên gia, câu chuyện giờ đây cần bàn là làm thế nào để kinh tế tư nhân thuận lợi kinh doanh và phát huy được vai trò trụ cột. Các doanh nghiệp phản ảnh rằng, thời gian qua, dù Chính phủ đang nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy đâu là lý do cho những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt?

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của một doanh nghiệp tư nhân, bà Nam Phương cho rằng, nếu giải quyết được dần những khó khăn là làm sao để luật pháp đến với mọi cấp ở địa phương mà họ hiểu như nhau, như vậy là đã giảm áp lực cho doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp tiếp cận với các cấp ở địa phương hàng ngày, hàng giờ, từ việc cách hiểu luật của mỗi địa phương, cấp ngành quản lý khác nhau thì xử lý vấn đề cũng khác nhau.

Vậy nên, Chính phủ cũng cần chú ý đến câu chuyện minh bạch trong phân chia quyền lực của Trung ương và địa phương, cần làm rõ hơn và thống nhất cách hiểu xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương.

Theo ý kiến của ông Trần Du Lịch, "Cần sớm sửa những cái mình đang sai. Cái nào sai là phải sửa". Thể chế phải đồng bộ; phải giải quyết được những mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Cứ sửa đầu này lại vênh đầu kia thì không ổn. Vì sao thế? Do tư duy quản lý kinh tế của Việt Nam vẫn là tư duy quản lý của nền kinh tế xưa, sửa mỗi ngày một chút rồi chụp vào thị trường bắt tuân thủ, chứ không phải là tư duy thị trường. Thế cho nên, việc cần làm là phân biệt rõ cái gì Nhà nước làm, còn lại cái gì hãy để thị trường quyết định.

Nói về câu chuyện thể chế, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong cải cách thể chế có hai việc cần làm. Một là, hoàn thiện hệ thống thể chế; hai là, kỷ luật thực thi. Còn theo ông Trần Du Lịch thì thể chế đang có vấn đề. Luật định chồng chéo, rồi mỗi bộ, mỗi địa phương lại hiểu một kiểu. Chính hệ thống luật chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất như vậy đã tạo ra những khó khăn và rủi ro cho doanh nghiệp. Và vì vậy, điều quan trọng phải làm là xây dựng tư duy nền kinh tế thị trường.

Theo Ái Vân

Cùng chuyên mục
XEM