Kinh tế trưởng Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam: VN-Index khó bứt phá trong ngắn hạn, nhưng triển vọng 1-3 năm tới sẽ vượt qua các mốc cao của quá khứ
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng VN-Index có thể hướng tới các mốc 1.300-1.400 điểm trong nửa sau 2025.
BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, Fed cũng tuyên bố giảm dần lãi suất…các áp lực dường như đã giảm bớt nhưng giới đầu tư toàn cầu có vẻ như vẫn chưa có cái nhìn thực sự tích cực về các thị trường chứng khoán, các ông lý giải như thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Kinh tế trưởng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS)
Theo tôi, hiện tại áp lực ngắn hạn đã có phần giảm bớt, nhưng rủi ro về dài hạn lại có vẻ đang gia tăng. Cụ thể, chúng ta thấy Fed dự kiến vẫn giảm lãi suất, nhưng tốc độ giảm lãi suất có thể chậm hơn so với kỳ vọng thị trường. Tuần trước chủ tịch Fed Powell cũng có phát biểu là cơ quan này sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất và xác suất Fed không cắt giảm trong tháng 12 tăng vọt từ 20% trước đó lên gần 50% là một minh chứng.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị trên thế giới gia tăng...khị trường chứng khoán thế giới giảm điểm. Ngoài ra, tại Mỹ, ông Trump chính thức đắc cử và có những chính sách có khả năng làm tăng lạm phát đáng kể, khiến cho lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm tiệm cận mức 4,5%, mức cao nhất từ 2006, trước giai đoạn Đại suy thoái.
Như vậy, trong bối cảnh về trung hạn sẽ có những biến động khó lường, giới đầu tư thế giới nhìn chung sẽ thận trọng và dù có những dịch chuyển tích cực ngắn hạn thì họ cũng hạn chế giải ngân vào các thị trường cận biên, thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá nếu Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về kinh tế chính trị, tôi nghĩ việc các nhà đầu tư quay trở lại sẽ sớm diễn ra.
Thực tế cũng như những phân tích ở trên mà tỷ giá USD so với các đồng tiền khác vẫn còn khá mạnh, rồi nhà đầu tư toàn cầu cũng đang lo lắng rằng lạm phát sẽ khó giảm, từ đó lãi suất cũng khó giảm theo, như vậy dòng tiền toàn cầu sẽ vẫn theo xu hướng cũ phải không, thưa ông?
Đối với nhiều nhóm nhà đầu tư ngoại, tôi thấy họ có lo ngại về rủi ro biến động gia tăng và các nền kinh tế lớn đang có xu hướng phân cực, nên nhà đầu tư có xu hướng tìm tới các tài sản an toàn như vàng và USD, dẫn tới đồng USD tăng giá mạnh. Họ cũng đang chờ đợi các thông tin tiếp theo khi tại Mỹ, ông Trump chính thức nhậm chức thì các yếu tố bất định mới có thể được đánh giá đầy đủ.
Thực tế, chúng ta cũng phải xác định rằng, ông Trump không ở vị thế như 8 năm trước nữa. Giờ đây, ông Trump vẫn là con người quyết liệt như xưa, nhưng thế giới đã có 8 năm nghiên cứu kỹ về ông bao gồm 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông, các ưu và khuyết điểm của ông đã được tìm hiểu. Vì vậy tôi nghĩ sẽ có ít biến động mạnh hơn trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông.
Còn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, chúng tôi thấy vẫn có nhu cầu nhất định, chính vì vậy, hiện nay Guotai Junan đang trong quá trình nâng cao năng lực tài chính để phục vụ nhóm khách hàng này tốt nhất, giúp mở ra cơ hội cho cả thị trường Việt Nam và nhà đầu tư nói chung
Tại Việt Nam, đang có nhiều yếu tố tích cực như lạm phát ở mức kiểm soát, lãi suất thấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tỷ giá vẫn đang giữ ở ngưỡng ổn định…… Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn có vẻ băn khoăn về các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến thị trường? Quan điểm của ông như thế nào?
Tôi nhớ tôi đã từng chia sẻ hồi tháng 8, VN Index sẽ quay lại mốc 1.300 và về dài hạn có thể quay lại mốc 1.500 nếu vượt qua được các khó khăn, cụ thể là việc thiếu hụt dòng tiền thanh khoản. Thực tế, VN Index vào tháng 9 đã chạm lại mốc 1.300 trước khi quay đầu và phần lớn thời gian giao động trong mức 1.200-1.300 và vấn đề thanh khoản hiện giờ rõ ràng đang là yếu tố dẫn dắt thị trường và thanh khoản chưa đủ mạnh.
Đối với nhà đầu tư ngoại, những gia tăng bất ổn toàn cầu, kỳ vọng lãi suất tăng theo lạm phát và thực tế lãi suất dài hạn phi rủi ro đã tăng mạnh làm họ gia tăng dịch chuyển vốn về các thị trường an toàn là điều dễ hiểu.
Còn đối với nhà đầu tư nội có hiện tượng thiếu hụt dòng tiền khi tăng trưởng huy động vốn có phần chậm chạp so với tín dụng. Điều này phản ánh việc dòng tiền được điều hướng khỏi các kênh truyền thống, có thể là cho việc duy trì hoạt động kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất khi kinh tế đang phục hồi trở lại. Dù lý do là gì, thanh khoản trên các thị trường thứ cấp như thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều.
Và như vậy, cho đến khi thanh khoản được cải thiện, tôi nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam khó có thể bứt phá trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn các yếu tố về tăng trưởng, lãi suất, lạm phát mới là yếu tố quan trọng. Như vậy tôi vẫn hoàn toàn tự tin về triển vọng thị trường Việt Nam trong 1-3 năm tới sẽ đạt lại và vượt qua các mốc cao trong quá khứ.
Vậy theo dự báo của ông bộ ba lãi suất, tỷ giá và lạm phát trên toàn cầu trong thời gian tới được dự kiến sẽ ra sao?
Đây là câu hỏi khó, nhìn chung nếu quan sát thị trường thế giới ta có thể thấy lạm phát nhiều khả năng sẽ gia tăng, khi xu hướng các quốc gia gia tăng rào cản và bảo hộ thị trường trong nước của họ, cũng như có những hạn chế về lưu chuyển vốn, lưu chuyển nhân lực đến các nơi có chi phí thấp hơn.
Thực tế là lãi suất kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng mạnh lên mốc 4,3%-4,5%. Tôi xin nhấn mạnh lại là lãi suất ngắn hạn (Fed rate) của Mỹ gần đây có dấu hiệu đi sau thị trường. Lãi suất 10 năm đã chạm đáy vào năm 2020 và tăng liên tục, cho thấy dấu hiệu của gia tăng lạm phát nhưng phải mãi tới 2022 Fed mới vào cuộc để nâng lãi suất ngắn hạn nhằm kìm đà lạm phát. Và gần đây đang có những dấu hiệu cho thấy lạm phát Mỹ có thể tăng trở lại, trong khi lãi suất trái phiếu dài 10 năm đã bật tăng rồi. Ngược lại Fed lại giảm lãi suất trong 2 cuộc họp gần đây và có thể điều này sẽ khiến họ gặp một số khó khăn trong thời gian tới.
Nếu các quốc gia khác duy trì nới lỏng quá mức, nhiều khả năng USD vẫn sẽ tăng giá do lợi suất dài hạn tại Mỹ gia tăng khiến các nhà đầu tư và dòng tiền quay lại thị trường này. Và ta đang nói đến lãi suất dài hạn có nghĩa là dòng tiền rời đi có thể sẽ mất nhiều thời gian để quay trở lại hơn.
Còn tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi các yếu tố này trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiến gần hơn với việc nâng hạng?
Nhìn chung Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất, và chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ về tự chủ lương thực đã giúp chúng ta đứng vững qua Covid-19, và nhiều khả năng vẫn giúp ổn định lạm phát trong thời gian tới. Do lương thực thực phẩm chiếm 30% rổ chỉ số CPI, đồng thời giá xăng dầu cũng trong xu thế ổn định giảm, tôi cho rằng lạm phát ở Việt Nam không phải vấn đề quá đáng lo.
Trong khi đó, tỷ giá và lãi suất là yếu tố tôi lo ngại nhiều hơn. Đối với tỷ giá, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công trong việc điều phối thị trường, ổn định sức mạnh VND và chống đô la hóa, vàng hóa. Tuy nhiên đang có những áp lực để có thể duy trì được thành công vừa qua, cụ thể dự trữ ngoại hối của chúng ta hiện nay ước tính khoảng 90 tỷ USD, mấp mé ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức quốc tế là khoảng 3 tháng nhập khẩu.
Như vậy, NHNN đang có ít dư địa hơn, dù tôi nghĩ vẫn không có khó khăn quá lớn trong vài năm tới. Ngoài ra, áp lực nhiều hơn lên tỷ giá đi kèm với lợi suất dài hạn của các thị trường phát triển và được coi là “safe haven” như Mỹ ở mức cao có thể gây áp lực lên chính sách tiền tệ và lãi suất của Việt Nam. Đề duy trì ổn định cả tỷ giá và lãi suất ở mức phù hợp, hỗ trợ cho nền kinh tế như thời gian qua sẽ là nhiệm vụ nhiều thách thức hơn của NHNN.
Nhìn chung tôi cho rằng, triển vọng Việt Nam vẫn tích cực do các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và giải ngân đầu tư công đang được triển khai mạnh mẽ gần đây. Dự kiến dòng tiền có thể được cởi trói khi vòng quay tiền tăng tốc, được bổ trợ bởi dòng tiền mồi từ đầu tư công. Bên cạnh đó các nhà đầu tư quốc tế cũng có thể trở lại Việt Nam khi các chính sách của ông Trump được công bố vào đầu sang năm. Dự kiến VN Index có thể hướng tới các mốc 1.300-1.400 điểm trong nửa sau 2025.