Kinh tế Trung Quốc không hề bật mạnh như kỳ vọng – Lời cảnh báo cho thế giới

16/05/2020 08:27 AM | Xã hội

Việc nguồn cung phục hồi nhanh sẽ tạo ra tình trạng thừa mứa và lạm phát suy giảm.

Trung Quốc có một bài học cho thế giới: Một nền kinh tế khó vực dậy hơn so với đóng cửa.

Theo các số liệu kinh tế mới công bố trong tháng 4/2020, khoảng thời gian chính phủ Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế sau khi đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm bởi người tiêu dùng ngại đi ăn nhà hàng và hạn chế chi tiêu cho những loại mặt hàng không cần thiết.

Dù rằng sản lượng các nhà máy tăng lần đầu tiên tính từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đầu tư nhà nước cải thiện, đầu tư tư nhân vẫn vô cùng hạn chế.

Những diễn biến kinh tế này thực sự đáng lo với những nhà sản xuất hiện đang lo lắng về rủi ro giảm phát và khả năng nhu cầu toàn cầu suy giảm, hàng tồn kho tăng cao hơn bởi nguồn cung vượt quá cầu.

Các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ diễn ra dần dần, không có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế sẽ sớm bật lại như nhiều người đã kỳ vọng khi mà cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Nó cũng cho thấy việc nguồn cung phục hồi nhanh sẽ tạo ra tình trạng thừa mứa và lạm phát suy giảm. Kịch bản trên sẽ vẫn diễn ra trừ khi nhu cầu với hàng hóa Trung Quốc tại cả nội địa và nước ngoài tăng nhanh, đuổi kịp nguồn cung.

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng Maybank Kim Eng ở Singapore, ông Hak Bin, nhận xét: "Việc giải tỏa sức bật của nền kinh tế phức tạp hơn rất nhiều so với việc đóng cửa nó".

Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc thực sự đáng lưu tâm với những chính phủ cố gắng nới lỏng biện pháp kiểm soát sau dịch Covid-19 với hy vọng sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng bù lại cho đợt suy giảm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ trong đó có bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell và giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng quá trình phục hồi sẽ vẫn còn xa.

Sản xuất Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng trở lại. Sản lượng công nghiệp tháng 4/2020 tăng trưởng đột biến 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược hoàn toàn với mức sụt giảm 1,1% vào tháng 3/2020 và việc suy giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm nay.

Đầu tư vào tài sản cố định giảm 1,3% trong 4 tháng đầu năm, mức suy giảm thấp hơn rất nhiều nếu so với con số 16,1% của khoảng thời gian quý 1/2020.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM