Kinh tế học cũng phải tiến hóa sau Covid-19

27/07/2021 07:59 AM | Xã hội

Đây là lần thứ hai trong trong thế kỷ này, khủng hoảng kinh tế ở quy mô toàn cầu đã diễn ra và lần này là một cách không ngờ nhất.

Khủng hoảng rồi cũng sẽ qua, tín hiệu phục hồi đã hình thành, đặc biệt là ở các nền kinh tế đầu tầu thế giới. Quy luật biện chứng của sự vận động và phát triển là "bình thường mới" sẽ thay thế "bình thường cũ" và lịch sử là sự phát triển của các "trạng thái cân bằng ngắt quãng". Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn về một thế giới an toàn hơn, về phương thức sản xuất, kinh doanh mới và thói quen tiêu dùng, và tổng quát hơn là làm thay đổi các nguồn tăng trưởng mới cũng như các mô hình tăng trưởng dựa trên các nguồn lực này.

Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và hoạt động kinh tế là hoạt động trung tâm trong xã hội. Để "tiến hóa", kinh tế học cần tìm cách giải thích các hiện tượng trong thế giới thực như là kết quả của một quá trình thay đổi liên tục. Trên thực tế, kinh tế học đã có sự phát triển mạnh mẽ, chẳng hạn có thể lấy ví dụ là các mô hình tăng trưởng kinh tế - một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất và dai dẳng nhất làm ví dụ.

Theo dòng thời gian, các lý thuyết và mô hình tăng trưởng đã có những "tiến hóa" nhảy vọt: lý thuyết tăng trưởng cổ điển, lý thuyết tăng trưởng của Karl Marx, mô hình tăng trưởng trường phái Keynes, mô hình tăng trưởng tân cổ điển, rồi mô hình tăng trưởng nội sinh vào cuối những năm 1980.

Các mô hình này đã ngày càng tiến dần đến mô tả thế giới thực và do đó tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc đưa ra các dự báo là cơ sở cho các hoạch định chính sách của chính phủ. Milton Friedman cho rằng sẽ không thành vấn đề nếu các mô hình đưa ra các giả định không thực tế về hành vi của con người và thể chế, miễn là nền kinh tế được nhìn tổng thể trên cơ sở các cá nhân đưa ra quyết định hợp lý và đưa ra các dự đoán phù hợp.

Tuy nhiên, cho đến nay ít nhất là có hai thực tế đã và đang diễn ra cho thấy sự không theo kịp của các phân tích và mô hình kinh tế hiện tại. Thứ nhất, các thách thức của biến đổi khí hậu đối với kinh tế học truyền thống. Lý do là biến đổi khí hậu là thất bại thị trường lớn nhất và rộng nhất với những điểm khác biệt liên quan đến đặc tính toàn cầu, công bằng, tác động dài hạn, đặc điểm không chắc chắn, khả năng của những thay đổi lớn, không cận biên của các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Stern cho rằng thách thức lớn nhất đối với phân tích kinh tế về biến đổi khí hậu là phải xem xét trên quan điểm toàn cầu, khía cạnh đạo đức, rủi ro và không chắc chắn, phải có tầm nhìn dài hạn và nhìn trước được khả năng của những thay đổi lớn và không cận biên. Do vậy, kinh tế học biến đổi khí hậu phải có sự "tiến hóa" về ý tưởng và kỹ thuật phân tích từ bản thân những nguyên lý truyền thống kinh tế học và những lĩnh vực khác.

Thứ hai, kinh tế số đang trở thành một thành phần kinh tế đóng góp tỷ trọng đáng kể với xu thế ngày càng tăng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhưng cũng phát sinh không ít các thách thức. Ngoài thách thức về khái niệm và đo lường, kinh tế số đang đặt ra bài toán mới đối với các mô hình và phân tích kinh tế truyền thống khi các nhà kinh tế đang tìm cách cải tiến thông qua việc đưa các "đầu vào mới", như biến số "phản ánh tác động của kinh tế số" là "tỷ lệ máy tính nối mạng".

Ngoài ra, các mô hình kinh tế đương đại cũng chưa có ý tưởng thật rõ ràng trong việc đo lường tác động và vai trò của dữ liệu khi trong phần lớn mô hình kinh doanh hiện nay và tương lai, phần cứng có thể được khấu hao và thay thế, phần mềm được nâng cấp, nhưng dữ liệu là nơi lưu trữ giá trị, là yếu tố ngày càng quan trọng trong sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch vai trò quan trọng của phần cứng sang phần mềm và hiện tại là dữ liệu.

Joseph Schumpeter có lẽ là người nổi tiếng nhất trên quan điểm thế giới quan về tiến hóa trong kinh doanh khi ông quan sát về hoạt động này và đã mô tả sự "phá hủy sáng tạo", theo thuật ngữ sinh học – đó là một "đột biến công nghiệp" trong quá trình liên tục cách mạng hóa cấu trúc kinh doanh từ bên trong.

Lý thuyết và mô hình kinh tế luôn là bức tranh đơn giản của thế giới hiện thực, với nhiều giả định khá đơn giản ở những lớp mô hình đầu tiên cách đây một thế kỷ. Những thập niên vừa qua, các mô hình và phân tích kinh tế này đã cố gắng hiểu thế giới luôn biến động một cách sâu sắc hơn để có những dự đoán tốt hơn. Nhưng các thách thức từ các cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ trong thập niên vừa qua, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang xảy ra, cùng với biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển kinh tế số đang thay đổi mọi thứ.

Nhiều mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện, vô số sản phẩm và dịch vụ mà hôm nay mà hôm nay chúng ta chưa biết đến sẽ xuất hiện và phổ biến khắp mọi nơi. Giống như tiến hóa trong sinh học, sẽ có nhiều doanh nghiệp biến mất như thời kỳ tuyệt chủng khi đương đầu với mối đe dọa sinh tồn, nhưng cơ hội mới cũng sẽ ngập tràn và được trao cho những tổ chức có khả năng tự điều chỉnh và biết tận dụng nguồn tài nguyên mới, khai phá những giá trị kinh tế vượt trội.

Thời kỳ hậu Covid-19 và những thập niên tới sẽ mang lại nhiều đổi mới và sáng tạo hơn hơn so với những gì đạt được trong thế kỷ qua. Và dĩ nhiên, tương lai này đòi hỏi kinh tế học phải có những bước "tiến hóa" mang tính căn bản sang một lớp mô hình và phân tích kinh tế hoàn toàn mới. Theo thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin, đó là sự phát triển mang tính "ngắt quãng" trong quy luật tiến hóa của kinh tế học, được bắt nguồn từ những thay đổi mang tính đột phá trong sự phát triển của xã hội.

GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Từ khóa:  kinh tế học
Cùng chuyên mục
XEM