Kinh nghiệm 10 năm chưa bao giờ thất nghiệp: Tôi chưa bao giờ chê việc, chê lương thấp hay ngại đi phỏng vấn

02/04/2020 07:14 AM | Sống

Đối với sinh viên mới ra trường hoặc các bạn có ít hơn 2 năm kinh nghiệm, những trải nghiệm của tôi trong 10 năm qua sẽ giúp ích cho các bạn nhiều hơn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng như hiện nay.

Bản thân tôi, tôi phụ nữ 31 tuổi - tốt nghiệp đại học Ngoại Thương - có thể nói là chưa có được chút gì thành công nhưng may mắn là từ hồi ra trường tôi chưa thất nghiệp ngày nào! Tôi chẳng có bí quyết gì hết, cũng chẳng phải nhờ bằng Ngoại Thương, mà đơn giản vì tôi CHƯA BAO GIỜ CHÊ VIỆC CẢ.

1. Không bao giờ chê việc

Việc gì làm được mà không phạm pháp, được trả lương là tôi làm hết.

Các bạn phải luôn có tinh thần này trong người, việc gì cũng làm, chỉ cần trúng tuyển là lập tức đi nhận việc ngay còn hơn là ngồi nhà chơi.

Ví dụ đơn giản: Tôi thấy nhiều bạn không thích làm nhân viên kinh doanh hoặc nhân viên nhắc nợ nên thà thất nghiệp còn hơn đi làm. Đó chính là sai lầm của các bạn. Tất cả các công việc đều sẽ giúp bạn học được một điều gì đó. Đặc biệt, bạn nào thất nghiệp trên 15 ngày thì càng phải cố gắng đi làm ngay bất cứ việc gì!

2. Không bao giờ chê lương thấp

Thất nghiệp lương = 0, thậm chí là - (âm) luôn. Vậy cớ sao chê lương thấp không đi làm?

Ok, bạn nghĩ là bạn có thể kiếm được công việc mức lương cao hơn? Vậy bạn hãy cứ đi làm, khi nào tìm được công việc lương cao hơn thì nghỉ cũng được mà.

Kinh nghiệm 10 năm chưa bao giờ thất nghiệp: Tôi chưa bao giờ chê việc, chê lương thấp hay ngại đi phỏng vấn - Ảnh 1.

3. Không ngại đi phỏng vấn

Khi tôi nói không được chê việc, nhiều bạn sẽ kêu là tôi cũng đã làm như vậy nhưng không công ty nào tuyển dụng.

Vậy trước đó, bạn phải tích cực gửi CV và đi phỏng vấn. Tôi từng làm trong một công ty tuyển dụng, và thật kì cục, có những job bên tôi hẹn được hơn 10 bạn đồng ý đi phỏng vấn, nhưng chỉ có 1 bạn đến? Tôi không thể hiểu nổi, bởi vì trong 10 năm nay, chắc tôi chỉ hủy không quá 5 lần phỏng vấn và đều báo qua điện thoại, email trước ngày phỏng vấn.

Hồi xin việc, tôi đặt chỉ tiêu mỗi ngày gửi ít nhất 10 thư xin việc (thậm chí hơn), đi phỏng vấn ít nhất 5 công ty.

Việc đi phỏng vấn nhiều cực kỳ có ích luôn, đầu tiên là cải thiện được kỹ năng trả lời phỏng vấn của bạn, sau đó bạn sẽ hiểu được nhà tuyển dụng thực sự quan tâm đến điều gì ở bạn, để từ đó biết chỉnh sửa CV cho phù hợp hơn, và cũng có thể tự bổ sung kỹ năng, kiến thức cho bản thân.

Với một số công việc mình thực sự yêu thích, sau khi bị từ chối, tôi thậm chí còn email lại hỏi nhà tuyển dụng xem lí do mình bị từ chối là gì.

4. Tự nâng cao kiến thức và kĩ năng

Bạn nên liên tục tham khảo các bài viết chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước, tự học thêm các kỹ năng mà khi đi phỏng vấn các công ty yêu cầu, trên mạng bây giờ vô vàn tài liệu cho bạn học hoặc tâm sự, hỏi han các anh chị đi trước.

Nếu có kinh phí, hãy tham gia những khóa đào tạo từ các trung tâm có tiếng vì có rất nhiều thứ đại học không dạy. Ví dụ như công việc liên quan đến digital marketing như nhân viên SEO, nhân viên chạy Facebook ads....

Nhiều bạn có thể tạm thất nghiệp để đi học, đầu tư cho tương lai có công việc tốt hơn. 

Kinh nghiệm 10 năm chưa bao giờ thất nghiệp: Tôi chưa bao giờ chê việc, chê lương thấp hay ngại đi phỏng vấn - Ảnh 2.

5. Nhất định phải học tiếng Anh

10 năm nay, tôi chưa gặp ai giỏi tiếng Anh (thông thạo 4 kỹ năng) mà thất nghiệp cả.

Cái này là kinh nghiệm để đời của bản thân tôi vì suốt mười mấy năm nay, tôi vẫn học tiếng Anh mà vẫn không giỏi, và vì thế đã mất rất nhiều cơ hội. Chính vì thế, tôi mong các bạn trẻ hãy cố gắng học nhé, thậm chí thất nghiệp hẳn 6 tháng, 1 năm nhưng sau đó có cái chứng chỉ Ielts 6.0 cũng được.

Tôi thấy trừ việc học tiếng Anh ra thì các việc còn lại rất đơn giản. Để thành công thì khó chứ để không thất nghiệp thì có gì đâu. Cố gắng lên!


Kinh nghiệm 10 năm chưa bao giờ thất nghiệp: Tôi chưa bao giờ chê việc, chê lương thấp hay ngại đi phỏng vấn - Ảnh 3.

Đào Thuỷ

Cùng chuyên mục
XEM