Kinh doanh xăng dầu: Bất cập phát lộ sau thanh tra

04/01/2023 07:45 AM | Kinh doanh

Ðể được cấp phép kinh doanh xăng dầu đầu mối, theo quy định của Nghị định 83, Nghị định 08 và mới nhất là Nghị định 95, doanh nghiệp phải đáp ứng về cầu cảng, kho bãi, hệ thống vận chuyển và hệ thống đại lý, tổng đại lý. Tuy nhiên, việc giám sát sau cấp phép là cả câu chuyện dài và chỉ được phát lộ sau các cuộc thanh tra.

Kinh doanh xăng dầu: Bất cập phát lộ sau thanh tra - Ảnh 1.

Nhiều lỗ hổng

Trao đổi với PV Tiền Phong , một chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng, các quy định về quản lý xăng dầu hiện nay đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc cấp phép ồ ạt trong thời gian ngắn đồng thời không có chế tài thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục là lỗ hổng rất lớn để một số DN xăng dầu đầu mối trục lợi.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp (DN) đầu mối để được cấp phép cần có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ 5 năm trở lên. Doanh nghiệp cũng phải có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000 m3 thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê từ 5 năm trở lên.

Ngoài ra, sau 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, DN phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với hệ thống kho, đủ đáp ứng tối thiểu 1/3 nhu cầu dự trữ của DN.

Đặc biệt, DN phải có hệ thống phân phối xăng dầu với tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu, có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối. Mỗi năm, kể từ khi được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, DN phải sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu tối thiểu 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, khi Nghị định 08/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 15/1/2018, các điều khoản về kinh doanh xăng dầu đã được các DN trong ngành đánh giá là được nới khá nhiều. Và quy định cũng mở hơn cho DN khi tham gia thị trường. Nghị định 95, tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 7 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung và điều kiện cũng được nới ra nhiều hơn, cho phép DN đầu mối có thể đi thuê cửa hàng trong 5 năm trở lên chứ không nhất thiết phải sở hữu hoặc đồng sở hữu như ở Nghị định 83.

“Đến giờ DN chỉ cần đáp ứng điều kiện có tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối. DN cũng không phải thực hiện việc phát triển cứng 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu như trước đây sau khi cấp phép”, đại diện một DN cho hay.

Lòng vòng đầu mối

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sự buông lỏng quản lý, giám sát của Vụ Thị trường trong nước cũng kéo theo tình trạng bát nháo, mua bán lòng vòng xăng dầu, thuê mượn kho bãi, đại lý để che mắt cơ quan chức năng khi đến kì kiểm tra.

Điển hình trong số này là trường hợp của Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (gọi tắt là Cty Hòa Khánh) do ông Nguyễn Văn Phúc là đại diện pháp luật. Cty Hòa Khánh được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu số 30/GPXD-BCT ngày 31/5/2019 và có hiệu lực đến hết ngày 31/5/2024.

Thực tế, sau khi được cấp phép, dù là DN đầu mối nhưng Cty Hòa Khánh bị phát hiện, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 11/2/2022, không thực hiện hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu. Thay vào đó, Cty thực hiện mua xăng dầu từ nguồn trong nước từ Cty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Cty thương mại XNK Thanh Lễ - CTCP, Cty TNHH MTV Xăng dầu Quảng Ngãi, Cty Xăng dầu Quân đội Khu vực 2. Cùng với đó, Cty này còn bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác, thương nhân phân phối xăng dầu và các đơn vị sản xuất, tiêu dùng trực tiếp.

Kinh doanh xăng dầu: Bất cập phát lộ sau thanh tra - Ảnh 2.

Ngoài việc nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hằng năm, Cty Hòa Khánh còn không thực hiện đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương theo quy định. Đặc biệt, Cty cũng bị phát hiện không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Cty Cổ phần Phúc Lộc Ninh (Hà Tĩnh) do ông Trần Văn Hoa làm Tổng giám đốc. Dù mới được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu ngày 26/1/2021, nhưng cũng bị phát hiện không nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất... Thay vào đó, Cty Phúc Lộc Ninh chỉ mua xăng dầu từ nguồn trong nước thông qua 8 DN đầu mối (Cty TNHH MTV Dương Đông - Quảng Nam; Cty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà; Chi nhánh Đà Nẵng - Cty Cổ phần Hóa dầu Quân đội, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Cty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh; Cty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Cty Xăng dầu Nghệ An; Cty Xăng dầu Thừa Thiên Huế).

Đáng chú ý, hồi tháng 11/2021, Cty Phúc Lộc Ninh là đơn vị có liên quan công tác điều tra của Công an tỉnh Nghệ An. Qua kiểm tra, Cty Phúc Lộc Ninh cũng bị phát hiện không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.

Theo các DN trong ngành, những năm qua, nhiều DN đầu mối dù không đáp ứng được các điều khoản về hệ thống đại lý, tổng đại lý nhưng vẫn qua trót lọt khâu cấp hồ sơ. Theo lý giải của các doanh nghiệp, có thể do cơ quan cấp phép là Bộ Công Thương đã bỏ lọt việc kiểm tra thực địa mới có tình trạng DN sau này bị phát hiện không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp phép.

Trong một văn bản mới đây được Cục Hải quan TPHCM gửi Tổng cục Hải quan cho thấy, trong thời gian giám sát, một số DN đầu mối không hề có hoạt động nhập xăng dầu, một số tổng kho cũng hầu như không xuất xăng RON95, E5 RON92, dầu diesel.

Như Cty TNHH thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil (Người đại diện theo pháp luật là bà Mai Thị Hồng Hạnh) trong 3 tháng đầu năm 2022 được phân giao nhập khẩu là 30.000 m 3 xăng; 400.000 m 3 /tấn dầu nhưng chỉ nhập khẩu thực tế 26.950 m 3 xăng và 282.320 m 3 /tấn dầu, thấp hơn nhiều so với hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao. Cùng với đó, Cty Xuyên Việt Oil chỉ đáp ứng dự trữ 1 ngày với xăng và không có dự trữ với dầu. Còn Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh tổng khối lượng thực tế nhập khẩu cả xăng và dầu đều bằng 0, trong khi hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 6.000m 3 /tấn với xăng dầu các loại.

Trong cuộc kiểm tra mới đây, lực lượng chức năng phát hiện Cty Hưng Phát là DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng không thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu. Cty Hưng Phát cũng ký hợp đồng mua xăng dầu từ nguồn trong nước. Cụ thể là từ Chi nhánh Cty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí PV Oil Miền Trung tại Thừa Thiên Huế; Cty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng và Cty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế.

Phạm Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM