Đủ chiêu độn hàng để tăng trọng lượng thực phẩm
17/01/2014 20:00 PM
|
Tết đến cũng là lúc thị trường thực phẩm trở nên bát nháo với hàng lậu, hàng gian, kém chất lượng.
Nội dung nổi bật:
Tết đến, nhiều hàng giả, hàng nhái đòi hỏi các bà nội trợ giờ cũng bị buộc phải “thông minh”.
Thậm chí, nhiều loại thực phẩm bán trên thị trường thường xuyên bị độn thêm tạp chất nhằm gian lận về trọng lượng như bơm rau câu cho tôm, nhồi bánh đúc cho gà, gạch cua giả, thực phẩm để ngăn đá, ...
Trước khi các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này thì người dân nên tự bảo vệ chính sức khỏe của bản thân và gia đình.
Bơm rau câu cho tôm
Các thương lái dùng thạch rau câu (Agar) để bơm vào từng con tôm nhằm tăng trọng lượng. Loại tôm bị bơm nhiều nhất là tôm càng xanh. Từng con tôm sau khi được phun độn thân sẽ phì ra, tròn vo múp míp. 1 kg tôm sau khi độn sẽ thành 1,2 – 1,3kg mà cỡ tôm cũng được nâng lên, ví dụ từ loại 30 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 23 - 24 con/kg, do đó giá cũng tăng lên.
Agar đùng để bơm thường khá bẩn, mất vệ sinh nên chẳng khác nào nào đưa ký sinh trùng, vi sinh vật độc hại vào thân con tôm khiến giảm chất lượng và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Những địa phương đã phát hiện ra tôm bị bơm rau cầu gồm Nam Định, Kiên Giang, Vĩnh Long…
Nhồi bánh đúc cho gà
Theo Dân Trí, mỗi buổi sáng trước khi đem gà đi bán người buôn sẽ dùng những miếng bánh đúc dài đã được cắt vát một đầu nhét vào miệng gà sau đó dùng tay vuốt mạnh để bánh trôi xuống diều, cứ như vậy cho đến khi diều mỗi con gà no căng (khoảng 2 lạng bánh). Việc này sẽ được thực hiện với tất cả những con gà sẽ được đem bán.
Tại chợ Hữu Văn, Trương Mỹ, Hà Nội, những gian hàng bán bánh đúc khá phổ biến với giá chỉ khoảng 6.000 đồng/kg. Một phép tính đơn giản khi giá gà đang được bán với giá 75.000-80.000/kg thì việc nhồi bánh đúc có thể giúp người bán kiếm thêm vài chục nghìn mỗi con. Và không chỉ gà mà ngan, vịt cũng bị nhồi diều tương tự nhằm gian lận cân nặng.
Làm giả gạch cua
Nhưng con cua biển cũng bị “vật ngửa” ra để bơm gạch giả vào mai cua. Chất liệu làm giả gạch cua giả gồm lòng đỏ trứng vịt, pha bột mỳ, trộn với chất bảo quản có thành phần phoócmôn có thể giữ được một số ngày trong mai mà không chảy, không phân hủy, không biến màu và con cua không chết.
Theo những người có kinh nghiệm thì để phân biệt cua không bị “làm hàng” khi chọn nên cầm con cua lên, khẽ nạy diềm mai phía cuối, nếu là gạch thật màu son tươi, còn gạch giả thì màu đỏ nhạt hơi thiên xanh. Gạch thật khi chế biến có màu đỏ như son, càng nhai càng thơm mùi đặc hữu của gạch cua bể, có vị bùi khé cổ.
Không chỉ làm giả gạch cua nhiều thương lái tăng trọng lượng cua bằng cách “trói” cua với chùm dây nilon hoặc bẹ dừa thậm chí có nơi còn nhồi đất sét vào các sợi dây. Mỗi kg cua biển lượng dây buộc có thể chiếm tới 200-300g (1/3-1/4 trọng lượng mỗi con cua). Nhờ đó, người bán có thể thu về số tiền khá lớn, đồng thời gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ăn gian trọng lượng bằng… nước đá
Việc ăn gian khối lượng của nhiều loại thực phẩm, rau củ… đông lạnh đang diễn ra khá phổ biến. Thực phẩm khi đông lạnh thì luôn đủ khối lượng nhưng sau khi rã đông thì khối lượng chỉ còn 2/3 thậm chí là 1 nửa do đã bị mạ băng để tăng khối lượng.
Tỉ lệ mạ băng theo đúng quy trình bảo quản chỉ khoảng 5% - 10% (trọng lượng sản phẩm sẽ tăng thêm 5% - 10%). Nhưng người mua cùng lắm cũng chỉ có thể kiểm tra được khối lượng của hàng hóa khi đang còn đông lạnh, chứ khi đã rã đông để chế biến thì cũng không mấy ai để ý. Cách thức gian lận này đang được khá nhiều điểm bán đồ đông lạnh áp dùng để “móc túi hợp pháp” với người tiêu dùng.
Đó là cách thức của nhiều mặt hàng đông lạnh, còn với những hàng đóng gói, đóng chai thì việc gian lận thể tích, khối lượng cũng không thiếu.
Hàng thiếu khối lượng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam công bố vào tháng 12/2013 thì cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm không đảm bảo về khối lượng ghi trên bao bì. Ví dụ: những gói kẹo, bánh bao bì ghi 300g nhưng thực tế chỉ có khoảng 280-290g, nước tương, nước mắm ghi 500ml nhưng thể tích thực lại chỉ được khoảng 480ml…
Mua hàng hóa đóng gói không nhiều người tiêu dùng kiểm tra khối lượng và nếu có phát hiện thì mức độ thiếu cũng khá nhỏ với 1 sản phẩm. Tuy nhiên nếu tính trên quy mô doanh nghiệp nếu họ sản xuất được cả chục tấn hàng và tỷ lệ gian lận khoảng từ 3-5% thì số tiền “móc túi” người tiêu dùng là không nhỏ. Tuy vậy, hiện tại cũng có rất ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất bị phạt bởi hành vi gian lận này.
Với đủ các cách thức móc túi nêu trên thì Tết đến xuân về, người tiêu dùng không chỉ đau đầu tìm kiếm hàng hóa sạch, đảm bảo chất lượng mà còn phải sáng suốt để đối phó với các chiêu gian lận của người bán hàng.
Theo Vĩ Thanh
Theo Sống mới
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!