'Chui' vào chợ trời ở Ulaanbaatar
Nói là chui thì cũng hơi quá, vì bây giờ ở bức tường bao quanh “chợ” người ta đã đập thủng một lỗ cao hơn 1,5m, hai đến ba người ra vô cũng vừa.
Nội dung nổi bật:
- Chợ trời (chợ đen) Narantuul Zakh là dấu tích của thời bao cấp ở thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ từ trước những năm 1990.
- Narantuul Zakh là một trong những ngôi chợ lớn nhất châu Á với số người mua bán, chơi chợ đến 60.000 lượt/ngày. Dân số của cả đất nước này chỉ khoảng 3 triệu người.
- Chợ bán đủ mặt hàng: Từ hàng Tàu đến các mặt hàng đặc trưng của thảo nguyên, từ hàng mới cho đến hàng “đồng nát”, từ đồng hồ xưa, tiền cũ, mắt kính, radio, hầm bà lằng các thứ… hầu như tất cả các hàng hoá lớn nhỏ cần thiết cho đời sống thường nhật đều được bày bán, đặc biệt bán cả những chiếc lều, túi ngủ… cho dân du lịch.
- Giá bán ở chợ trời này là cố định, không nói thách – không kể khách nội ngoại.
Nói là chui thì cũng hơi quá, vì bây giờ ở bức tường bao quanh “chợ” người ta đã đập thủng một lỗ cao hơn 1,5m, hai đến ba người ra vô cũng vừa. Còn trèo qua tường, qua mái nhà để ra vô chợ trời Ulaanbaatar thì tôi vẫn thấy hà rầm sáng hôm đó.
Đi cái chợ trời này không chỉ để tìm về hoài niệm một thời chưa xa lắm, mà còn gặp nhiều điều thú vị khác.
Chợ trời (chợ đen) Narantuul Zakh là dấu tích của thời bao cấp ở thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ từ trước những năm 1990. Những năm đầu thập niên này, Ulaanbaatar cháy lên sức sống mới với những công trình mọc như nấm sau mưa…
Siêu thị to lớn State Department Store bảy tầng với ngồn ngộn hàng hoá nằm chễm chệ trên đại lộ Hoà Bình, áo quần như nêm người mua bán sắm sửa. Vậy mà cô bạn Mông Cổ Jenny lại nói: “Narantuul Zakh mới là nơi bạn mua được những món hàng của người Mông Cổ, gặp gỡ những người dân từ quê đến thị…” Hỏi thăm kỹ về giờ giấc, tuyến xe buýt… tôi lên đường.
Những gì sót lại của ngày cũ
Chưa vào đến chợ đã bị ấn tượng ngay bởi cái “cổng” ra vào. “Cổng” là lỗ hổng của bức tường bao quanh khu đất trống, cũng là chợ trời này, bị đập vừa đủ cho hai – ba người ra vào.
Mà còn phải lom khom vì người ta cũng chẳng thèm đập cái “cổng” cho cao.
Không xa cái “cổng” đó lắm, nhiều người tay xách nách mang nhập xuất chợ bằng cách trèo qua mái nhà! Không chỉ nam thanh niên trẻ khoẻ mà cả những cô gái xinh má đỏ hây hây trong những bồ độ mới đẹp cũng hồn nhiên leo lên tụt xuống...
Làm vậy để khỏi mất công đi ra đường chính? Để khỏi tốn 50 tugrik (!?) mua vé vào chợ, người thảo nguyên thẳng tính cứ thấy đường nào gần là đi chăng? Lý do đó cũng chỉ một phần – Jenny sau đó cười vui chia sẻ. Phần lớn là thói quen ngày cũ, khi Narantuul Zakh còn là chợ đen, buôn lén bán lút, thường xuyên bị quần thảo bởi các lực lượng kiểm tra kiểm soát.
“Đường đi” ngang qua mái nhà nhanh, tiện. Chạy thoát cũng dễ vì qua những mái nhà đó, xuống đất là người mua kẻ bán sẽ dễ hoà lẫn vào những con hẻm rối rắm chằng chịt bao quanh. Giờ, Narantuul Zakh đã là chợ mở.
Bên cạnh bãi đất đổ đầy hàng cũ, mới ra bán buôn, nhiều dãy kiốt đẹp đã được xây dựng khang trang, vào chợ bán mua phải mua vé hoa chi 50 Tugrik (khoảng 750 đồng)… nhưng thói quen của ngày cũ chưa dễ thay. Lý do tại sao, hay hoặc dở… chẳng biết, chỉ biết là các khách du lịch Tây, ta gì cứ thấy thế là giương máy, hăm hở chụp hình.
Ly bia tươi Chinggis vàng óng với chiếc bánh mì nhân thịt cừu giòn rụm, thơm lừng. |
Đa dạng hàng hoá, nhộn nhịp bán buôn
Hết ấn tượng cổng, tôi lại sửng sốt bởi hàng hoá và lượng người mua kẻ bán. Narantuul Zakh là một trong những ngôi chợ lớn nhất châu Á với số người mua bán, chơi chợ đến 60.000 lượt/ngày.
Để dễ hình dung chợ này quan trọng như thế nào với người Mông Cổ, chúng ta nên biết rằng dân số của cả đất nước này chỉ khoảng 3 triệu người.
Bỏ qua đống hàng Tàu rẻ tiền hay thấy ở các nước đang phát triển, khách đi chợ rất dễ hoa mắt, chóng mặt trong rừng rậm hàng hoá của người Mông Cổ.
Ngắm những chiếc áo deel truyền thống bằng lụa với thắt lưng dậy sắc, đến những đôi ủng da thêu thùa nhiều màu, đến những chiếc nón chóp đặc trưng của cánh nam giới… bạn có thể thấy người thảo nguyên yêu sắc màu như thế nào.
Nghe nhiều về những chiếc lều du mục, nhưng bạn sẽ bối rối chẳng hiểu những chiếc bếp lò, ống khói cao nghệu này sẽ được đặt như thế nào nếu như chưa từng vào thảo nguyên hay xem hình trước. Ai từng mê mẩn bởi những làn điệu da diết của dân du mục không thể không dừng chân trước những chiếc đàn đầu ngựa thanh thoát, khảy thử những nốt ngân…
Bên cạnh các mặt hàng đặc trưng của thảo nguyên, hầu như tất cả các hàng hoá lớn nhỏ cần thiết cho đời sống thường nhật đều được bày bán. Một nét cũ từ thời bao cấp còn được giữ lại nữa là những hàng “đồng nát”, từ đồng hồ xưa, tiền cũ, mắt kính, radio, hầm bà lằng các thứ… lại rất được cánh mày râu yêu thích.
Thêm ngạc nhiên cho du khách Âu Mỹ là cả những chiếc lều, túi ngủ… hay nhiều thứ cần cho việc dã ngoại, lang thang sa mạc, thảo nguyên cũng được bày bán. Dù hạn chế về giao tiếp nhưng người bán luôn vồn vã, vui vẻ dù khách chẳng mua một cắc, chỉ tò mò xem thử, sờ thử…
Thêm một điều ngạc nhiên (sau này quay lại mới biết), rất quan trọng nữa là khác với những khu chợ châu Á và nhất là ở miền đất láng giềng kề bên, giá bán ở chợ trời này là cố định, không nói thách – không kể khách nội ngoại.
Mỏi chân, hoa mắt (!?), tôi ghé căntin góc chợ gọi ly bia tươi Chinggis vàng óng với chiếc bánh mì nhân thịt cừu giòn rụm, thơm lừng nhâm nhi, ngắm chợ vui xôn xao. Hành trình vào thảo nguyên, sa mạc của tôi còn xa ngái không thể gồng gánh quà cáp theo, nên tôi biết chắc rằng tôi còn quay lại Narantuul Zakh, không chỉ một lần. Không chỉ để mua quà, mang theo chút hương vị thảo nguyên về nhà mà còn được hoà mình trong chợ trời, như ngày nào chưa xa lắm trên quê nhà.
Theo Trần Thái Hoãn
Chợ Narantuul Zakh cách trung tâm Ulaanbaatar khoảng 4km. Không muốn đi taxi, thì lên mini-buýt từ đại lộ Hoà Bình. Chợ mở từ 9 – 19 giờ (nếu đến trước 9 giờ sẽ tiết kiệm được 750 đồng (!) vì khỏi mua vé vào cửa), nghỉ ngày thứ ba. Cẩn thận khi đi vào thứ bảy, chủ nhật vì chợ rất đông (và, thường như ở các chợ đông đúc khác, nghe nói là có thể bị móc túi – dù ít thấy đề cập trên các diễn đàn du lịch quốc tế). Bia và thức ăn nóng giòn trong chợ là một thú vui ẩm thực khác. |