Kinh doanh đa cấp biến tướng - Bài 3: Tạo môi trường minh bạch

21/04/2016 08:36 AM | Kinh tế vĩ mô

Sau gần 12 năm hoạt động tại Việt Nam, mô hình kinh doanh đa cấp đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước...

Tuy nhiên, những biến tướng của bán hàng đa cấp đã khiến loại hình kinh doanh này chưa phát huy được hết tiềm năng.

Để kinh doanh đa cấp phát triển lành mạnh, môi trường minh bạch và hiệu quả là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Ở Việt Nam, bán hàng đa cấp là hoạt động được pháp luật thừa nhận với những quy định tương đối hoàn chỉnh, tương đồng với mô hình quản lý của thế giới.

Trước đây, hoạt động kinh doanh đa cấp được quản lý bằng Nghị định 110/2005/NĐ-CP.

Tuy nhiên, sau gần mười năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ một số bất cập. Đến tháng 5/2014, Chính phủ đã thay thế nghị định 110/2005/NĐ-CP bằng Nghị định 42/2014/NĐ-CP với nhiều quy định chặt chẽ hơn về đối tượng kinh doanh; những hành vi bị cấm; trình tự, thủ tục đăng ký; cách thức quản lý; tạm ngừng, chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; ký quỹ…

Bên cạnh Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 71/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh khi bán hàng đa cấp.

Trong đó, mức phạt cao nhất đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi như kinh doanh đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào…

Luật pháp quy định khá đầy đủ, chặt chẽ, tuy nhiên thời gian gần đây hoạt động bán hàng đa cấp đã có nhiều biến tướng, xảy ra những bất cập.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã tăng cường quản lý, kiểm tra, xử phạt và tiến hành rà soát, đánh giá, phát hiện những điểm chồng chéo, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Tại Hà Nội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, việc tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn có tác dụng phát hiện kịp thời các đối tượng lợi dụng để tiếp xúc, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động bán hàng đa cấp trái luật...

Những người tham gia kinh doanh bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm hơn và các doanh nghiệp phải chấn chỉnh và tuân thủ luật pháp một cách chặt chẽ, cùng nhau làm trong sạch hóa hình thức kinh doanh đa cấp trong cộng đồng.

Việt Nam hiện có 67 doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp, phần lớn các doanh nghiệp này đều hoạt động đúng pháp luật, tăng trưởng khá và có đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Đến nay có thể khẳng định rằng, hoạt động kinh doanh đa cấp minh bạch và hiệu quả là phù hợp với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đã xây dựng bộ quy tắc đạo đức trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

Theo đó, người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp không được quảng cáo sai lệch về sản phẩm, không lôi kéo người tham gia ngoài mục đích bán hàng; các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không chỉ đào tạo về kỹ năng bán hàng mà còn phải truyền đạt về kiến thức pháp luật trong kinh doanh.

Việc các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chủ động theo đuổi những giá trị đích thực thông qua đào tạo nhân viên, phổ biến cho các nhà phân phối và đối tác trong mạng lưới kinh doanh là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh, hợp tác với các cơ quan chính phủ và giới truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về bán hàng đa cấp chân chính tuy sẽ làm giảm doanh số bán hàng và gặp phải không ít khó khăn trong việc giữ chân nhà phân phối nhưng sẽ là mô hình đúng đắn, mang lại lợi ích bền vững mà các công ty kinh doanh đa cấp nhất định phải tuân theo./.

Theo Nguyễn Thắm - Đoàn Linh

Cùng chuyên mục
XEM