Kiểu người nhìn bề ngoài rất bình thường, nhưng tiềm ẩn khả năng phi thường: Sở hữu “tư duy trinh sát”
"Tư duy truy tìm sự thật" của Julia Galef xoay quanh một lối tư duy rất phổ biến: lập luận theo động cơ, nghĩa là con người vô thức chọn hướng lập luận dẫn đến kết luận mà họ mong muốn.
Lập luận theo kiểu tư duy chiến binh hay trinh sát?
"Địa đàng quanh co" là hình ảnh ẩn dụ được nêu ra trong cuốn sách "Tư duy truy tìm sự thật", ám chỉ sự đa dạng về hướng lập luận mà chúng ta có trước mỗi vấn đề: Có rất nhiều ngã rẽ về tìm kiếm, chọn lọc thông tin và hướng lập luận, và ta thường vô thức lựa chọn ngã rẽ dẫn đến kết luận mà mình mong muốn.
Nếu nhận thấy kế hoạch khởi nghiệp của mình có nguy cơ thất bại, bạn sẽ vô thức tránh nói chuyện với những người có thể chỉ ra các khuyết điểm của kế hoạch đó. Nếu tự cho mình là "game thủ", bạn sẽ nghĩ đến nhiều luận điểm ủng hộ lợi ích của game. Nếu là người ghiền thuốc, bạn sẽ tự động nghĩ ra nhiều bằng chứng phản bác tác hại của thuốc lá hơn người bình thường.
Trong các trường hợp trên, quá trình tư duy chiến binh trông thì có vẻ hợp lý, nhưng thật ra có rất nhiều ngã rẽ khác, vốn sẽ dẫn tới những kết luận khác, đã bị bạn bỏ qua.
Julia Galef cho rằng lối tư duy "lập luận theo động cơ" này đã giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn, tiến hoá, và cảm thấy an toàn về mặt tâm lý. Cụ thể hơn, lối tư duy này giúp chúng ta né tránh sự thất vọng và có cảm giác thoải mái nhất thời, củng cố cái tôi, và giữ hình ảnh tốt đẹp trong mắt người khác.
Trái ngược với tư duy chiến binh là tư duy trinh sát - "nhìn nhận sự việc một cách khách quan và chính xác, thay vì chỉ thấy được một phương diện và đấu tranh cho phương diện đó", theo mô tả của Julia. Tư duy trinh sát, theo tác giả, thay vì hướng đến sự an toàn tâm lý, ta hướng đến sự thật, đến việc "nhìn thế giới theo đúng bản chất của nó".
Vậy làm sao để áp dụng tư duy trinh sát vào cuộc sống hằng ngày? Nếu biết 3 thói quen trong tư duy sau đây, bạn sẽ tự động dừng bước trước khi sa chân vào "địa đàng quanh co" của sự hợp lý hoá để nhìn nhận mọi việc khách quan hơn.
3 thói quen điển hình của người có Tư duy trinh sát
1. Sẵn sàng điều chỉnh quan điểm và niềm tin
Khi tư duy, nếu muốn tìm ra sự thật chứ không phải củng cố cái tôi, thì mấu chốt không phải là bảo vệ quan điểm của mình, mà là sẵn sàng điều chỉnh quan điểm khi cần thiết. Thói quen này rất tự nhiên đối với người quen tư duy trinh sát, và theo Julia Galef, nó có thể tự nhiên đến mức người khác phải thán phục trước sự tự tin và bình thản của bạn.
Malo là một người bạn của tác giả, rất thường thẳng thắn và vô tư thừa nhận sai lầm của mình. Julia đã hỏi Malo tại sao anh không hề ngần ngại mỗi khi thừa nhận những sai lầm đó. Anh này chỉ nhún vai: "Tại sao tôi phải ngại? Tôi có làm gì sai trái đâu?".
"Lính trinh sát tự tin với việc xây dựng (và điều chỉnh) niềm tin của họ nhiều hơn là việc đặt lòng tin của mình vào từng niềm tin đó", Julia khẳng định.
2. Không chú trọng bản sắc cá nhân
Julia Galef là một thành viên của Effective Altruism (phong trào đặt mục tiêu giúp đỡ thế giới theo cách hiệu quả nhất có thể thông qua việc vận dụng lý lẽ và chứng cứ). Khi Julia đọc được một bài báo phê bình phong trào này, cô đã nói chuyện với nhà đồng sáng lập, và rồi, Julia nhận được lời đáp bình thản đến bất ngờ.
"Họ đã chỉ ra những điểm yếu nhất của Effective Altruism, cũng như những khía cạnh mà chúng ta thường quá tự tin", anh này nói, "Dù gì thì bài báo đó vẫn là một hồi chuông cảnh tỉnh tốt cho chúng ta".
Câu nói đó khiến Julia nhận ra cô cần bớt chú trọng đến bản sắc cá nhân của mình hơn, ít nhất là khi tư duy.
Trong "Tư duy truy tìm sự thật", cô cho rằng khi quá đề cao bản sắc cá nhân - những nhóm bạn thuộc về, những nhãn dán, danh xưng - bạn sẽ dễ nổi giận và tạo khoảng cách với người không có cùng bản sắc đó, dễ lập luận chỉ để củng cố bản sắc (trong vô thức), dễ hành động chỉ để bảo vệ bản sắc hoặc nhóm, thay vì tạo-hiệu-quả.
Và theo Julia, việc không quá chú trọng đến bản sắc, biết lắng nghe lời phê bình đến từ những nhóm khác rất có lợi cho chính bạn, vì nó giúp bạn tìm ra sự thật. "Thường thì những người có nhận định đúng về những gì bạn đang làm sai lại không phải là người trong nhóm", nữ tác giả viết.
3. Điềm tĩnh trước thông tin và tình huống tiêu cực
Theo Julia, trong khi người có thói quen hợp lý hoá để cảm giác dễ chịu âm thầm dẫn dắt lập luận, người có tư duy trinh sát lại rất quen với cảm giác khó chịu có thể đến ngay trong quá trình truy tìm sự thật. Nói cách khác, khả năng làm chủ cảm xúc liên hệ trực tiếp với khả năng tư duy xác đáng.
Chẳng hạn, khi có một ý nghĩ tiêu cực về kế hoạch khởi nghiệp, thay vì chỉ nghe từ những nguồn tin muốn nghe, người có tư duy trinh sát chủ động tìm đến những nguồn tin sẵn sàng rỉ vào tai họ những sự thật mất lòng. Để làm được điều đó, trước tiên, họ phải điềm tĩnh chịu cảm xúc thất vọng nhất thời.
Hoặc, khi nghe được ý kiến rằng "sự nghiệp của bạn đang xuống dốc", thay vì ngay lập tức xua tan nó bằng hàng tá những lập luận phản bác, họ điềm tĩnh không gạt qua ý kiến tiêu cực đó ngay từ đầu. Người có tư duy trinh sát không nhất thiết phải nghiêm túc điều tra ý kiến đó ngay lập tức, họ chỉ không gạt bỏ ý kiến đó mà chấp nhận rằng đó là điều cần được xem xét kỹ hơn.
Xa hơn, người có tư duy trinh sát điềm tĩnh vạch chiến lược cho những tình huống xấu nhất, dù là trong một chuyến đi, một kế hoạch kinh doanh, hay một sự nghiệp - thay vì chọn các hướng lập luận để trấn an bản thân rằng "mọi thứ vẫn tốt". Cảm giác khó chịu khi nhìn vào các thông tin và dữ liệu tiêu cực, theo Julia, sẽ dần biến mất và nhường chỗ cho sự an tâm khi ta biết rằng mình có thể kiểm soát được ngay cả tình huống tệ nhất.
Tư duy ảnh hưởng hành động; khi tư duy xác đáng về bản thân và thế giới, bạn sẽ hành động và ra quyết định xác đáng, điều sau cùng sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Vì người có tư duy trinh sát "luôn nỗ lực nhìn thế giới một cách xác đáng", Julia khuyến khích bạn đọc rèn luyện lối tư duy này trong mọi tình huống hàng ngày, để thu về lợi ích dài hạn.