Kiến trúc sư châu Á được giới siêu giàu thế giới săn đón: Mỗi công trình như khoản đầu tư có lãi, khách hàng không phải cứ có tiền là được phục vụ

15/06/2023 08:10 AM | Sống

Người ta nói rằng, ngày nay, thứ mà giới siêu giàu phải có không phải là một chiếc túi Hermès mà là một ngôi nhà do người đàn ông này thiết kế.

Ánh sáng chiếu vào căn phòng tối, qua khe hở hình chữ thập. Ở những băng ghế đằng sau luồng sáng đó, người tham quan mải mê ghi lại quang cảnh ngoạn mục bằng điện thoại.

Đây là quang cảnh trong bản sao lớn ngang kích thước thật của Nhà thờ Ánh Sáng, được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Tokyo trong đợt triển lãm tôn vinh hơn 40 năm hành nghề của kiến trúc sư Tadao Ando.

Nhà thờ Ánh sáng là một công trình nổi tiếng ở Osaka (Nhật Bản) do Tadao Ando thiết kế. Công trình được làm hoàn toàn bằng bê tông, mặt tiền cắt hình chữ thập. Công trình này thể hiện quan điểm của ông về mối quan hệ giữa bê tông, không gian và ánh sáng.

“Tác phẩm của tôi trông như thứ ai cũng có thể làm được nhưng thực tế chẳng ai làm được”, Ando nói với CNN. Cả cuộc đời lẫn tác phẩm của ông đều đầy cảm hứng. Dẫu không được học qua bất kỳ trường lớp nào song ông vẫn trở thành kiến trúc sư nổi tiếng với giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực này, Giải Carlsberg vào năm 1992 và Giải Pritzker vào năm 1995.

Kiến trúc sư Tadao Ando

Từ võ sĩ quyền anh đến kiến trúc sư

Ando là kiến trúc sư người Nhật Bản sinh năm 1941. Ông là con cả trong gia đình có 2 anh em sinh đôi. Tuy nhiên, hai anh em sớm bị chia cắt ngay từ khi còn nhỏ. Ông sống với bà ngoại ở gần cảng Osaka.

Những năm tháng tuổi trẻ của Ando không có chút gì hứa hẹn nào. Trước khi trở thành kiến trúc sư, ông từng có thời gian theo đuổi sự nghiệp võ sĩ quyền Anh.

Năm 24 tuổi, Ando lên tàu đi châu Âu “để nhìn ngắm thế giới”. Tại đây, những toà nhà vĩ đại đã thu hút sự chú ý của ông. Đặc biệt là những tác phẩm của kiến trúc sư Le Corbusier đã truyền cảm hứng cho Ando.

Sau đó, kiến trúc sư người Nhật trở về quê hương Osaka mở văn phòng và bắt đầu thiết kế các toà nhà. Ông bắt đầu từ những ngôi nhà nhỏ cho đến các công trình phức hợp, sau này là cả nhà thờ.

Lý giải về đặc điểm các công trình của mình, KTS Ando cho biết ánh sáng là yếu tố kiểm soát quan trọng. Ông tạo ra những ra những không gian kín bằng tường bê tông dày. “Khi các yếu tố bên ngoài đòi hỏi một bức tường kín không khe hở, nội thất phải đặc biệt đủ đầy và thoả mãn. Mục tiêu của tôi là khôi phục sự thống nhất giữa ngôi nhà với thiên nhiên - thứ đã mất trong quá trình hiện đại hoá ở Nhật Bản”, ông chia sẻ với CNN.

Những công trình được thiết kế để hài hoà với thiên nhiên

Năm 1976, Ando đã tạo ra một bước đột phá khi thiết kế và thi công ngôi nhà bê tông cốt thép không cửa sổ. Nằm giữa 3 ngôi nhà truyền thống của người Nhật, Row House ở Sumiyoshi như một thành trì được cung cấp ánh sáng tự nhiên nhờ sân trong. Ngôi nhà này đã thay đổi những ý tưởng thông thường về nhà ở và mang về cho Ando giải thưởng của Hiệp hội Kiến trúc Nhật Bản.

Sau đó, ông tiếp tục ghi dấu ấn với công trình Nhà 4x4 nằm bên bờ biển bị xói mòn nghiêm trọng ở Kobe. Căn nhà gồm 4 tầng, mặt tiền gần như hoàn toàn bằng kính để tối ưu tầm nhìn ra biển

Công trình Nhà 4x4

“Tất nhiên, tôi không an tâm mỗi khi có bão. Thế nhưng khi đã quen, tôi lại thích sống trong ngôi nhà này. Nó không chạy theo xu hướng. Đây có thể là nơi tôi sẽ ở tới cuối đời”, chủ nhân Nhà 4x4 nói.

Kiến trúc sư của giới siêu giàu

Ghi dấu ấn với loạt công trình ấn tượng, danh tiếng của Ando dần được nhiều người biết đến. Đầu thập niên 1990, các nhân vật nổi tiếng đã tìm đến ông để thiết kế căn nhà của mình, như gia đình Benetton ở Italy.

Những người sáng lập công ty thời trang Benetton Group S.p.A. đề nghị Ando thiết kế Ngôi nhà Vô hình (Invisible House). Nằm gần Venice, đây là công trình bằng bê tông chìm sâu gần bốn mét dưới mặt đất để đảm bảo riêng tư. Danh sách khách hàng của Ando còn có Tom Ford, Karl Lagerfeld dù kiến trúc sư Nhật Bản chẳng bao giờ tự quảng bá tên tuổi.

Kiến trúc sư Ando bên mô hình công trình do mình thiết kế

Biên tập tập viên của tờ The Wall Street Journal từng viết, ngày nay, thứ mà giới siêu giàu phải có không phải là một chiếc túi Hermès mà phải là một ngôi nhà do Ando thiết kế. Ông được giới siêu giàu ở Mỹ săn đón. Họ sẵn sàng bay sang tận Osaka để được gặp gỡ và hy vọng được ông thiết kế cho căn nhà của mình.

Song không phải cứ có tiền là sẽ thuyết phục được Ando nhận thiết kế. Kiến trúc sư người Osaka từng nói rằng việc ông chấp nhận làm việc với khách hàng nào phụ thuộc vào tính cách và khí chất của họ.

“Nói cách khác, một vị tỷ phú có thể bước vào văn phòng của Ando, đưa lời đề nghị 1 tỷ USD để thiết kế ngôi nhà của ông ta, nhưng điều đó sẽ không khiến kiến trúc sư người Nhật Bản bận tâm”, ông Tyrone McKillen, một nhà phát triển bất động sản từng cộng tác với Ando nói.

Hơn hết, những công trình do Ando thiết kế đều được xem như một khoản đầu tư vô cùng hấp dẫn. Hồi tháng 5, thế giới đã chứng kiến, cặp đôi Beyonce và Jay-Z bỏ 200 triệu USD để sở hữu một căn biệt thự hướng biển ở Malibu, California. Thương vụ này được xem là mức giá kỷ lục được trả cho một bất động sản ở bang này. Điều khiến căn biệt thự có mức giá cao đến như vậy là bởi được kiến trúc sư Ando thiết kế.

Beyonce và Jay-Z bỏ 200 triệu USD để sở hữu căn biệt thự do Ando thiết kế

Trước khi được bán cho nhà đồng sáng lập Slack, trang trại ở Santa Fe của nhà thiết kế Tom Ford đã thu hút sự chú ý của giới siêu giàu. Yếu tố để công trình này được săn đón là bởi được thiết kế bởi Tadao Ando.

Ngay cả khi trang trại có chủ mới, nhà môi giới phụ trách thương vụ này cho biết vẫn có nhiều người muốn thuê lại nơi này trong thời gian ngắn.

Tổng hợp

Theo Đinh Anh

Cùng chuyên mục
XEM