Kiến nghị mở rộng chính sách an sinh để hỗ trợ doanh nghiệp

23/04/2020 15:51 PM | Xã hội

Khoảng 30% doanh nghiệp đã phải cho lao động tạm nghỉ hoặc chấm dứt hợp đồng, theo khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân.Doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi Nghị quyết 42 của Chính phủ theo hướng mở rộng, giúp họ duy trì được dòng vốn trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Trong kết quả khảo sát doanh nghiệp từ ngày 7-13/4 của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa công bố, trong bối cảnh khó khăn, 60% doanh nghiệp vẫn trả lương người lao động, ít nhất là mức lương tối thiểu hoặc trả bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi không còn khả năng.

 Kiến nghị mở rộng chính sách an sinh để hỗ trợ doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Ảnh: Báo cáo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân.

Theo báo cáo, trước những khó khăn và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện chống dịch mới, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường mới và khách hàng mới và thay đổi phương thức kinh doanh dựa trên các nền tảng số...Bên cạnh đó, đã có 26% doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh nhưng vẫn có trợ cấp cho người lao động. 4% doanh nghiệp cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng lao động, trong khi 10% chưa có giải pháp.

Đồng thời, doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng có những chính sách giúp doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn như hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn trong vòng 12 tháng. Trước đó, nghị quyết quy định doanh nghiệp chỉ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất không quá 12 tháng nếu doanh nghiệp có 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội bị ngừng việc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đặc biệt phản ánh về việc thực hiện các giải pháp từ phía các bộ, ngành còn chậm. Đồng thời, doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vay lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác do thủ tục còn rườm rà, phức tạp...

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 với tổng giá trị lên tới 62.000 tỷ đồng, trong đó ngoài các khoản hỗ trợ cho những đối tượng như người có công với cách mạng, người nghèo và cận nghèo, người lao động bị mất việc hoặc tạm ngừng việc làm... thì còn khoản dành hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả 50% lương cho người lao động với lãi suất 0% và không cần tài sản đảm bảo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định và thông tư hướng dẫn từ các bộ để làm rõ quy trình thủ tục giải ngân.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM