Kiểm tra các tổ chức hội sau "lùm xùm" nước mắm của Vinastas

14/12/2016 19:39 PM | Xã hội

"Từng bước thực hiện lộ trình khoán kinh phí đối với tổ chức hội," Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định như vậy khi có rất nhiều ý kiến đề xuất tại Hội nghị tổng kết công tác hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện năm 2016 rằng cần có cơ chế tài chính cho các tổ chức hội hoạt động.

Hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 14/12 với sự tham dự của lãnh đạo trên 200 tổ chức hội, quỹ có phạm vi hoạt động trong cả nước.

Khoán kinh phí

Nêu rõ quan điểm Nhà nước không bao cấp cho các hội, Thứ trưởng Tuấn cho rằng chỉ những nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng thì mới được cấp kinh phí. Đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu và chỉ đạo thành lập, Nhà nước vẫn tiếp tục bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Các hội hoạt động trong phạm vi của địa phương, trước đây đã được giao biên chế và được cấp kinh phí, sẽ giữ ổn định từ nay đến năm 2020 để từng bước thực hiện lộ trình khoán kinh phí. Các hội còn lại tự trang trải kinh phí và sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo các nhiệm vụ nhà nước giao. Những điểm này thể hiện tư duy đổi mới về việc quản lý các tổ chức hội trong tình hình hiện nay, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thứ trưởng Tuấn nói.

Theo Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) Hà Thị Dung, tính đến tháng 6/2016, cả nước có 68.125 hội, trong đó có 498 hội hoạt động trong phạm vi cả nước, 67.627 hội hoạt động trong phạm vi địa phương. 22.422 hội đặc thù, trong đó 31 hội hoạt động trong phạm vi cả nước.

Tổng số biên chế của các hội là 11.871 biên chế; 28 hội hoạt động phạm vi cả nước được giao 686 biên chế.

Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức đã ghi rõ giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; không quy định hội có tính chất đặc thù. Chính vì vậy, theo bà Dung, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội sẽ bãi bỏ quy định về hội có tính chất đặc thù, đồng nghĩa với việc không hỗ trợ biên chế và thực hiện khoán, hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao.

Nhiều đề xuất nhằm tạo điều kiện cho các hội hoạt động đã được đưa ra tại hội nghị.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội khoa học hành chính Nguyễn Ngọc Hiến đề nghị cần có cơ chế mở, nhà nước đặt hàng các tổ chức hội trong việc phản biện xã hội về các đề án cải cách hành chính và một số dự án luật; đánh giá rõ vai trò quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội; có chính sách hỗ trợ các hội hoạt động, tránh tình trạng lãng phí kiến thức xã hội của các nhà khoa học.

Ông cho rằng hội "có gì đó tách với Nhà nước," mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức hội chưa đúng thực chất và chặt chẽ, chưa đủ cơ sở pháp lý cho các hội phát triển toàn diện và sâu sắc; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp xã hội chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, chức năng và tác dụng của hội.

Giáo sư-tiến sỹ Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhìn nhận cần nâng cao nhận thức tốt hơn về hội để đưa ra những quy định và chính sách hợp lý, đồng thời, phải khuyến khích các hội phát triển thành hệ thống lớn mạnh, quản lý chặt chẽ nhưng tạo sự năng động.

"Không thay đổi tư duy quản lý, không thể phát triển hội tốt," ông Tâm quả quyết.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết Nghị định 45 hiện đang thiếu quy định về xử lý vi phạm của tổ chức hội, vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong dự thảo Nghị định sửa đổi có quy định về vấn đề tạm đình chỉ hoạt động, giải tán, thu hồi con dấu của hội khi hội vi phạm các quy định của pháp luật hoặc vi phạm điều lệ hội.

Dự thảo cũng sửa đổi một số quy định về chế độ, chính sách đối với người làm việc tại hội. Ví dụ, những người là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển giữ các cương vị chủ chốt hoặc làm việc tại hội được hưởng phụ cấp công vụ, chế độ thù lao. Những người đã nghỉ hưu làm việc tại hội cũng có chế độ chính sách phù hợp, đảm bảo tương quan chung, phù hợp với điều kiện tài chính, điều lệ hội.

Tăng cường kiểm tra các tổ chức hội

Trước thực trạng cấp phép xong không biết hội hoạt động như thế nào, dẫn đến nhiều hệ quả mà điển hình là vụ việc công bố chất lượng nước mắm của Vinastas khiến dư luận bức xúc thời gian qua, Thứ trưởng Tuấn cho rằng cần phải tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra xem hội có hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ, đúng pháp luật không.

Thừa nhận một tồn tại là việc kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước - trực tiếp là Bộ Nội vụ, với các tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện rất lỏng lẻo, Thứ trưởng Tuấn cho rằng cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức hội, lắng nghe được tiếng nói từ cả hai phía.

"Hiện có thực trạng cứ cấp phép thành lập hội, quỹ xong, phê chuẩn điều lệ, tổ chức đại hội xong là không biết hội, quỹ hoạt động thế nào, đấy là thiếu sót, khiếm khuyết," Thứ trưởng Tuấn thẳng thắn nói.

Theo ông, muốn nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước phải nắm được hoạt động, biết được khó khăn, thuận lợi, thành quả, thành tích, công trạng của hội để tập hợp, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ cơ chế.

Thứ trưởng cũng cho hay sắp tới, căn cứ vào kết luận và thông báo của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hội sẽ có hành động trực tiếp đối với những vi phạm của Vinastas, để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng quản lý cũng như tổ chức hoạt động của hội, để đảm bảo chặt chẽ hơn. Bất cứ một văn bản nào đã đóng dấu của hội, chính là đại diện tổ chức hội, không phải đại diện một cá nhân nào. Tổ chức hội chịu trách nhiệm chuyện đó," Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan bộ, ban, ngành thực hiện tốt chức năng giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động, không can thiệp vào công việc nội bộ của hội. Nhưng mặt khác, Bộ cũng phải đảm bảo tốt việc quản lý nhà nước, bao hàm cả công tác báo cáo định kỳ thường xuyên để cơ quan có liên quan nắm được hoạt động của hội. Bộ sửa đổi cơ chế, chính sách, phát huy một cách tốt nhất vị trí của các hội, quỹ, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất, toàn diện, hiệu quả.

Ông cũng yêu cầu Sở Nội vụ các địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương, trực tiếp là Ủy ban Nhân dân tỉnh, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, tạo điều kiện cho các hội quần chúng trên địa bàn hoạt động tốt, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Chu Thanh Vân

Cùng chuyên mục
XEM