Kiếm đỏ mắt không ra Sriracha, có lúc giá bị đẩy lên 80 USD/chai, vì sao sản phẩm của tỷ phú tương ớt gốc Việt luôn ‘cháy’ hàng?

09/02/2024 09:16 AM | Kinh doanh

Mấu chốt nằm ở một cuộc cãi vã.

Trong suốt 3 thập kỷ, Underwood Ranches, dưới sự dìu dắt của Craig Underwood, đã tăng trưởng theo cấp số nhân nhờ vị thế nhà cung cấp độc quyền loại ớt jalapeños đỏ mọng trứ danh cho Sriracha - thương hiệu tương ớt huyền thoại của Huy Fong Foods. Từ một trang trại gia đình chỉ rộng 400 mẫu Anh vào những năm 1980, Underwood Ranches đã mở rộng quy mô lên đến 3.000 mẫu Anh trên khắp hai quận ngoài Los Angeles. .

Sriracha - loại tương ớt cay, hơi ngọt, đựng trong chai in biểu tượng con gà trống trắng, là sản phẩm trí tuệ của David Tran - người được mệnh danh là tỷ phú tương ớt đầu tiên ở Mỹ. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, thương hiệu Sriracha xuất hiện gần như tại 10% căn bếp trên khắp nước Mỹ, đồng thời xếp thứ ba trên thị trường tương ớt trị giá 1,5 tỷ USD. Vượt qua nó là Tabasco thuộc sở hữu của gia đình McIlhenny từ năm 1868 và Frank's RedHot thuộc sở hữu của gã khổng lồ gia vị McCormick & Co, tính đến đầu năm ngoái.

Thành công của Sriracha một phần đến từ mối quan hệ hợp tác khăng khít giữa Underwood và David Tran: Underwood cung cấp toàn bộ ớt cho Huy Fong và ông Tran là người thu mua duy nhất sản phẩm của Underwood Ranches. Đến năm 2012, Tran thậm chí còn xây dựng cả một nhà máy rộng 650.000 foot vuông cách trụ sở tại Quận Ventura của Underwood chưa đầy 2 giờ đồng hồ di chuyển.

Hai người đàn ông đến từ hai thế giới khác nhau, song lại có một điểm chung là nghiện việc. Họ lập gia đình, chứng kiến con cái lớn lên và cùng nhau vượt qua mọi khủng hoảng kinh doanh - ngỡ tưởng như mối quan hệ sẽ chẳng bao giờ có xung đột.

Sau khi chuyến xe tải cuối cùng trong vụ thu hoạch năm 2016 lăn bánh, Underwood và Tran đã ngồi lại với nhau, vạch ra kế hoạch cho năm 2017 cũng như số tiền mà Tran sẽ trả trước cho hàng chục triệu pound ớt. Như thường lệ, các thỏa thuận chỉ được thực hiện bằng lời nói, gật đầu và bắt tay.

Sau đó, vào ngày 10 tháng 11, Underwood bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ giám đốc điều hành trang trại Jim Roberts, rằng mối quan hệ với David Tran đã kết thúc sau một cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề thanh toán vụ mùa.

(Bài 30 Tết - 9/2) Kiếm đỏ mắt không ra Sriracha: Đây là lý do vì sao sản phẩm của tỷ phú tương ớt David Tran luôn ‘cháy’ hàng! - Ảnh 1.

Ông Tran lúc này không đủ ớt để sản xuất. Nhà máy khổng lồ ở Irwindale, California đã phải hoạt động với công suất chỉ bằng một phần nhỏ.

Trong năm đầu tiên sau khi chia tách, Huy Fong sống nhờ vào khoai tây nghiền và ớt Mexico dự trữ, vốn rẻ vì dư thừa. Tuy nhiên đến nửa đầu năm 2023, Huy Fong không còn một quả ớt nào cả.

Trong khi đó, Underwood phải đối mặt với khủng hoảng tài chính khi ớt jalapeños trồng mà không có người mua. Sự ràng buộc với hợp đồng thuê đất 25 năm cũng khiến thương hiệu này không còn đủ tiền mặt để trả cho các nhà cung cấp. Craig Underwood sau đó buộc phải vay nợ, bán một số lô đất và sa thải 45 công nhân.

Cả hai doanh nghiệp đều lỗ hàng triệu USD. Hai người đàn ông, từ thân thuộc, cuối cùng trở thành kẻ thù.

“Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Về cơ bản, ông ấy thực sự muốn giết chết tôi. Ông ấy không quan tâm đến tôi, gia đình chúng tôi hay tất cả những gì chúng tôi đã gây dựng cùng nhau”.

Tại Huy Fong, David Tran cũng cảm thấy mình bị phản bội. Trong gần ba thập kỷ, ông luôn trung thành với Underwood với tư cách là nhà sản xuất ớt duy nhất của mình.

Niềm tin đã sụp đổ chỉ vì một cuộc tranh cãi nhỏ nhặt về tiền bạc. Tran tin rằng Underwood đang cố đẩy mình đến bờ vực phá sản, sau đó cướp công việc kinh doanh tương ớt.

“Tôi đã giúp ông ấy vì ông ấy trồng ớt cho tôi. Ông ấy đã kiếm được tiền, nhưng điều đó là chưa đủ. Ông ấy còn muốn cả công việc kinh doanh của tôi”, Donna Lam, giám đốc điều hành của Huy Fong nói.

Đến năm 2017, mối quan hệ giữa Huy Fong và Underwood Ranches chính thức đổ vỡ. Huy Fong ban đầu kiện Underwood vì không hoàn trả khoản thanh toán vượt mức 1,4 triệu USD từ mùa trồng trọt trước. Trong khi đó, Underwood cáo buộc Huy Fong vi phạm hợp đồng vì thu mua ớt từ những nhà cung cấp khác. Tranh cãi kéo dài mãi cho đến năm 2021, khi một tòa phúc thẩm ở California yêu cầu Huy Fong bồi thường 23 triệu USD cho Underwood.

(Bài 30 Tết - 9/2) Kiếm đỏ mắt không ra Sriracha: Đây là lý do vì sao sản phẩm của tỷ phú tương ớt David Tran luôn ‘cháy’ hàng! - Ảnh 2.

Do ảnh hưởng kiện tụng và mất mối ớt tươi, sản lượng Sriracha thiếu hụt trầm trọng. Đợt hạn hán lịch sử trên khắp miền Tây nước Mỹ cũng gây ra không ít thiệt hại.

“Thật không may, chúng tôi sắp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chưa từng có đối với các sản phẩm của mình. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực giải quyết vấn đề này - hệ luỵ từ điều kiện thời tiết cực đoan thời gian gần đây”, đại diện Huy Fong cho biết.

Tin tức trên đã khiến những fan hâm mộ của tương ớt Sriracha trên khắp thế giới bàng hoàng. Trên Twitter, một số người gọi đây là “dấu hiệu của ngày tận thế”. Họ cố gắng mua nhiều nhất có thể các chai tương ớt Sriracha còn sót lại tại các cửa hàng tạp hóa địa phương để chuẩn bị cho nhiều tháng “thiếu vị cay đặc biệt” và điều này đẩy giá Sriracha lên tới 80 USD một chai.

Điều gì khiến Sriracha trở nên đặc biệt đến vậy?

Đầu tiên là hương vị.

Tương ớt của David Tran được làm từ jalapeño đỏ tươi, đường, tỏi, giấm. Sự pha trộn hài hoà khiến bất kỳ ai sau khi nếm thử cũng phải xuýt xoa.

“Đó chỉ là một sự pha trộn cân bằng, thực sự tuyệt vời. Nó không quá cay. Nó không quá mùi tỏi, mùi giấm”, một nhà phê bình nói.

Ngoài ra, nét đặc biệt trong cách bán hàng của David Tran cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tên tuổi hãng tươi ớt lừng danh: Nói ‘không’ với quảng cáo và tăng giá bán buôn.

“Tôi muốn tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt. Tôi không nghĩ nhiều đến việc kiếm thêm lợi nhuận đâu”, David Trần chia sẻ với Forbes.

“Một trong những điều khiến Trần trở nên thu hút là ông ấy luôn miễn cưỡng kể câu chuyện của mình”, Griffin Hammond, đạo diễn một bộ phim tài liệu năm 2013 về Sriracha nói. “Tất cả những gì ông ấy quan tâm chỉ là điều hành công việc kinh doanh sao cho thật tốt”.

Theo: Fortune, Forbes

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM