Kiếm 800 triệu/năm nhưng không tiết kiệm được đồng nào: Nhìn bảng chi tiêu của cô gái 26 tuổi mà nhiều người thở dài

05/01/2025 10:32 AM | Sống

Dù có mức thu nhập ổn nhưng cặp đôi lại gặp khó khăn trong quản lý tài chính.

Mới đây, trong cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, lời trải lòng của một cô vợ 26 tuổi về việc sau một năm gia đình họ chẳng tiết kiệm được mấy đồng đã nhận được nhiều quan tâm. Đáng chú ý là tổng thu nhập cả năm của vợ chồng lên đến 800 triệu đồng - một con số không hề nhỏ.

Cụ thể, sau 1 năm, tổng lương thưởng mà họ nhận được là khoảng 800 triệu đồng. Về tài sản, họ đang có 1 căn hộ trả góp đứng tên chồng, 1 mảnh đất đứng tên vợ và dự định năm sau sẽ xây thêm nhà.

Cô vợ chia sẻ: "Về mức sống vẫn ổn định và không thấy thiếu thốn gì ạ. Nhưng mà lại bất cập trong việc tiết kiệm tiền, năm 2024 hầu như không tiết kiệm được luôn vì cứ tháng nào là tiêu hết sạch tháng đó".

Cô vợ thừa nhận, gia đình họ chi tiêu thoải mái. Họ thoải mái chi tiền cho nhà của, đóng học phí cho con, ăn uống thả ga và riêng mua hàng online thì tháng nào cũng tốn khoảng 20 triệu đồng. "Chẳng hiểu mua cái gì mà cứ mua mãi thôi", người vợ bộc bạch.

Không chỉ thế, hàng tháng cô nàng còn biếu riêng 12-20 triệu cho nhà mẹ đẻ, từ đó khiến vợ chồng nảy sinh bất hoà.

Cô vợ chia sẻ: "Em vẫn nghĩ là phận con cái, trong khi mình có thể giúp đỡ được thì nên chia sẻ gánh nặng kinh tế với gia đình khi có thể. Thời gian 1-2 năm đầu, chồng em vẫn rất bình thường với việc này. Vì em sinh con và chăm sóc con thì gia đình mẹ đẻ em có giúp đỡ việc chăm bé. Nhưng về sau thì chồng em bắt đầu không vui và có nói sao phải gánh việc này cả đời, đây không phải trách nhiệm của em".

Tựu chung lại, cô cho biết mục đích chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội để mong nhận lại cách tiết kiệm được tiền và quản lý tài chính chặt chẽ.

Ảnh minh hoạ

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đều đồng tình rằng với mức thu nhập là 800 triệu/năm, cặp đôi hoàn toàn có thể tiết kiệm được nhiều hơn nếu biết chi tiêu hợp lý.

Số đông ý kiến cho rằng có 2 nguyên nhân lớn khiến cặp đôi không thể tiết kiệm. Thứ nhất là do họ chưa biết hạ mức chất lượng sống và còn chi tiêu thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, người vợ đang tặng khá nhiều tiền cho gia đình mẹ đẻ, từ đó không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của cặp đôi mà còn khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.

Một số bình luận bên dưới bài đăng:

- "(1) Chị thấy về gia đình mẹ đẻ em, em chỉ nên chu cấp cơ bản, kiểu 1 tháng biếu mẹ 5 triệu để tiêu, còn các em đi học (chắc các em của em cũng lớn nên các em ấy cũng phải biết phụ giúp gia đình), nếu có giúp đỡ chuyện học thì giúp học phí cho các em nhỏ thôi và cần có 1 định mức cụ thể). Tổng tất cả chi phí dành cho gia đình mẹ đẻ chỉ là 5 triệu hay 7 triệu.

(2) Các app thương mại điện tử thì em nên xoá hết và chỉ mua đồ khi cần. Càng để app thì em càng xem livetream nhiều thì càng mua nhiều.

(3) Muốn tiết kiệm chi phí gia đình thì em áp dụng quy tắc 6 cái lọ. Kể cả về các khoản chi tiêu thì cũng nên cân nhắc xem cái nào chi được, cái nào không nên chi. Chứ kiếm được 80 triệu/tháng mà ko tiết kiệm được ngàn nào thì phải xem lại chính mình em ạ!

(4) Em cần phải đặt mục tiêu tiết kiệm trước, chi tiêu sau và cố gắng chi trong khung mà mình đặt ra".

- "Thế giờ bạn muốn như nào? Bạn thì vẫn muốn mua sắm, chu cấp cho cha mẹ thì bảo là trách nhiệm. Cái gì bạn cũng muốn thì không có tiền tiết kiệm là đúng rồi. Mình thấy chồng nói về việc chu cấp cho nhà mẹ đẻ của bạn là đúng đó".

- "Thu nhập 70-80 triệu/tháng thì phải để dành được 50% lương để tiết kiệm chứ nhỉ. Nếu không dư thì bạn nên ghi chép lại các khoản chi phí, rồi dựa vào đó xem cái nào cần thiết, cái nào không cần thiết rồi cắt bỏ đi"

- "Gia đình mình có thu nhập cỡ bạn, trung bình 1 năm kiếm được 1 tỷ và năm nào cũng dư 400-500 triệu. Bí quyết của mình đó là để dành trước xài sau. Nhiều người xài hết tiền hay có câu, sao mình không xài gì mà vẫn hết tiền? Bạn hôm qua ăn gì, bữa nay còn quên thì nói chi tỷ tỷ thứ tiền. Mỗi tháng bạn cứ thử bỏ 50 triệu vào ngân hàng, còn 20-30 triệu cả nhà gói ghém lại. Lúc đó bạn sẽ phải dè xẻn chi tiêu hợp lý thôi".

Ảnh minh hoạ

Vợ chồng muốn tiết kiệm thì nên bắt đầu từ đâu?

Chuyện tài chính và chi tiêu là một trong những điều khiến các cặp đôi có thể "đau đầu". Bạn sẽ thấy khó tiết kiệm nếu có ít kinh nghiệm trong quản lý tài chính và khả năng làm chủ bản thân trước cám dỗ tiêu dùng còn kém.

Để giải quyết bài toán này, bạn hãy thử áp dụng những cách dưới đây:

- Làm rõ tình trạng thu nhập và chi tiêu của gia đình

Bước đầu tiên là vợ chồng phải thành thật với nhau về thu nhập, để từ lên mục tiêu tiết kiệm tiết kiệm và nhất quyết duy trì tiền trong tài khoản hàng tháng. Bên cạnh đó, không chỉ làm rõ khoản thu mà bạn còn phải ghi chép lại những khoản chi để đến cuối tháng bạn hiểu được số tiền mình đã chi tiêu vào đâu. Nếu vượt quá ngân sách, bạn có thể chủ động kiểm soát và cắt giảm những chi phí không cần thiết trong tháng tiếp theo. 

- Phân phối nguồn thu nhập hợp lý

Nhiều gia đình không thể tiết kiệm tiền vì không phân phối thu nhập hợp lý, dẫn đến tiêu tiền bừa bãi khiến cuối tháng đồng lương chẳng còn bao nhiêu. Nhiều người phân bổ thu nhập thu nhập bằng cách: Tính tiền tiết kiệm cuối tháng bằng lấy thu nhập trừ đi chi tiêu. Nhưng nếu bạn có kiểu suy nghĩ này, bạn sẽ không bao giờ có thể tiết kiệm tiền.

Thay vào đó, bạn cần phân chia thu nhập thành các khoản tiêu dùng nhỏ. Bạn có thể sử dụng 40% thu nhập của gia đình để chi tiêu hàng ngày, 30% cho tiết kiệm bắt buộc, 20% cho giáo dục và 10% cho dự phòng khẩn cấp. Trước tiên, hãy tiết kiệm 30% thu nhập hàng tháng của bạn dưới dạng tiết kiệm bắt buộc, sau đó mới tính đến dùng tiền lương vào những khoản tiêu dùng khác.

- Đừng mua nhiều hơn mức cần thiết

Nhiều khi, những thứ chúng ta mua không thực sự cần thiết mà được tạo ra thông qua trí tưởng tượng của chính chúng ta hoặc những cách tiếp thị của người bán. 

Một món đồ hữu ích là khi chúng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm ta hạnh phúc. Nhưng nếu nó không có ích lợi gì, hãy cân nhắc cho nó vào nhóm những món đồ không nên mua ở lần tiếp theo. Nhìn chung, bạn chỉ nên mua những thứ cần thiết và đem lại hiệu quả để tiết kiệm được nhiều hơn.


Theo Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM