Kiếm 100 triệu USD trong 9 tháng mùa dịch Covid-19: Bí quyết của cựu nhân viên đơn vị tình báo Israel Unit 8200 là gì?

10/12/2020 22:00 PM | Kinh doanh

Rõ ràng khởi nghiệp công nghệ trong thời buổi dịch Covid-19 là một cơ hội lớn, không cần nhiều chi phí và nguồn lực nhưng lại có nhu cầu cao và thu lời tốt.

Vào tháng 3/2020, trong khi cả thế giới khủng hoảng với đại dịch Covid-19 thì nhà khởi nghiệp Assaf Rappaport lại đang thuyết phục các công ty lớn rằng startup bảo mật an ninh mạng Wiz của anh là một dự án có lời.

Với niềm đam mê của mình, nhà khởi nghiệp Assaf rời bỏ vị trí quản lý của Microsoft chi nhánh Israel để đặt cược sự nghiệp vào dự án startup này và anh đã thành công. Chỉ 9 tháng kể từ khi viết những dòng code đầu tiên, Assaf đã nhận được 100 triệu USD gọi vốn từ Thung lũng Silicon. Đây được đánh giá là một trong những vòng gọi vốn lần đầu thành công nhất của năm 2020 tại thị trường này.

Kiếm 100 triệu USD trong 9 tháng mùa dịch Covid-19: Bí quyết của cựu nhân viên đơn vị tình báo Israel Unit 8200 là gì? - Ảnh 1.

Anh Assaf Rappaport

Sản phẩm của Wiz là một ứng dụng an ninh mạng có thể dễ dàng học cách sử dụng trong 15 phút và rà soát cũng như phát hiện bất kỳ mối đe dọa nào trên hệ thống điện toán đám mây của công ty. Dự án tiềm năng này đang thu hút được khoảng 30 nhà đầu tư và tạp chí Forbes dự đoán vòng gọi vốn tiếp theo có thể thu về khoảng 500 triệu USD.

Nền tảng điệp viên, trỗi dậy nhờ dịch Covid-19

Trong thời buổi cách ly vì dịch bệnh và nhân viên phải làm việc từ xa, nhu cầu an ninh mạng bất ngờ bùng nổ mạnh khi các doanh nghiệp cần bảo mật hệ thống điện toán đám mây của mình. Nghiên cứu của hãng Gartner cho thấy thị trường bảo mật an ninh mạng sẽ tăng trưởng hàng năm 8,2%, đạt mức 207,7 tỷ USD vào năm 2024.

Hàng loạt những công ty bảo mật điện toán đám mây đã niêm yết như Proofpoint, Splunk hay Crowdstrike cho biết nhu cầu sử dụng dịch vụ của họ đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Quay trở lại với anh Assaf, nhà khởi nghiệp này đã gặp các đồng sáng lập Wiz khác là Ami Luttwak, Yinon Costica và Roy Reznik lần đầu ở Unit 8200, một đơn vị công nghệ thông tin được đào tạo riêng cho lực lượng điệp viên của Israel (IDF). Đơn vị này được sánh ngang với Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) của Mỹ.

Sau khi rời IDF, những người bạn này đã sáng lập nên Adallom, một startup giúp khách hàng quản lý bảo mật điện toán đám mây vào năm 2012. Dự án này nhanh chóng thành công và được Microsoft mua lại với giá 320 triệu USD vào năm 2015. Nhờ đó mà những nhà sáng lập Adallom như anh Assaf được làm quản lý cho bộ phận bảo mật điện toán đám mây của chương trình Azure thuộc Microsoft.

Trong quá trình làm giám đốc cho Microsoft tại Israel, Assaf nhanh chóng nhận ra mảng bảo mật điện toán đám mây là mảnh đất màu mỡ bởi ngay cả những khách hàng lớn cũng còn khá mù mờ về thị trường này. Các nhóm bảo mật còn nhỏ lẻ và luôn quá tải trước những cảnh báo nguy hiểm xâm nhập hệ thống.

Kiếm 100 triệu USD trong 9 tháng mùa dịch Covid-19: Bí quyết của cựu nhân viên đơn vị tình báo Israel Unit 8200 là gì? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bởi vậy vào tháng 12/2019, anh Assaf quyết định rời Microsoft cùng nhóm bạn thân của mình để thành lập công ty mới mang tên Wiz vào tháng 3/2020, đúng vào đợt dịch cao điểm. Theo Assaf, dự án của anh đã thành công trong việc bảo vệ lợi ích cho một số khách hàng và chứng minh được sự hiệu quả.

Nhóm của Wiz cho biết công ty cung cấp nền tảng đồng nhất, dễ sử dụng, giúp khách hàng tự thao tác được chỉ trong vài phút. Họ cũng đồng bộ các ứng dụng thành một thể thống nhất để tạo sự đơn giản, thay vì khách hàng phải dùng nhiều phần mềm khác nhau cho mỗi dạng công việc.

Một trong những nhà đầu tư lớn vào Wiz là Index Venture cho biết lý do họ đổ số tiền lớn vào dự án này là tiềm năng tăng trưởng của chúng. Cụ thể bình quân một startup cần khoảng 35-40 tháng để gọi vốn 2 triệu USD thì Wiz chỉ cần chưa đến 6 tháng, một con số vô cùng ấn tượng.

"Dự án này ở đẳng cấp hoàn toàn khác so với nhiều startup khác", Giám đốc Shardul Shah của Index nhận định.

Hiện nay, dù có lượng tiền khổng lồ nhưng Wiz vẫn chỉ có khoảng 30 nhân viên tính cả các nhà sáng lập. Rõ ràng khởi nghiệp công nghệ trong thời buổi dịch Covid-19 là một cơ hội lớn, không cần nhiều chi phí và nguồn lực nhưng lại có nhu cầu cao và thu lời tốt.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM