Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!

16/01/2025 20:51 PM | Văn Hóa

Vượt ra khỏi khuôn khổ của một dự án nghệ thuật, Kể chuyện nghìn năm được kì vọng trở thành cầu nối giữa văn hóa, nghệ thuật và kinh tế, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cả nghệ sĩ lẫn các doanh nghiệp đồng hành.

Tối 15/1, tại Viện Trao đổi Văn hóa Pháp (Idecaf) ở TP.HCM, dự án "Kể chuyện nghìn năm" đã tổ chức họp báo giới thiệu mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng văn hóa bản địa. Đây là một sáng kiến nhằm kết nối các giá trị văn hóa truyền thống với đời sống hiện đại thông qua các sản phẩm sáng tạo.

Theo đại diện dự án, mô hình này hướng đến việc đưa các tác phẩm của nghệ sĩ và họa sĩ, những người chuyên sáng tạo về văn hóa Việt Nam và nghệ thuật bản địa, đến gần hơn với công chúng. Thông qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc, mà còn tạo cơ hội để các giá trị văn hóa được lan tỏa rộng rãi và bền vững trong cộng đồng.

Sau hai năm ấp ủ, "Kể chuyện nghìn năm" ra đời với mục tiêu tạo nên một không gian nghệ thuật chuyên nghiệp, nơi công chúng có thể trải nghiệm, thưởng thức và cảm nhận sâu sắc về văn hóa Việt Nam. Mùa đầu tiên của dự án, ra mắt vào cuối năm 2024 tại không gian nghệ thuật đương đại Lotus Gallery, đã mang đến những dấu ấn đặc sắc.

Triển lãm trưng bày các bức tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh, kết hợp cùng hai đêm trình diễn âm nhạc độc đáo từ nhóm Đàn Đó. Nhóm nhạc đã dành 12 năm nghiên cứu, chế tạo những nhạc cụ khai thác vẻ đẹp biểu cảm của tre và đất Việt Nam, tạo nên âm hưởng vừa mộc mạc vừa tinh tế. Theo ban tổ chức, sự kiện mùa đầu đã thu hút gần 300 khách tham dự, đánh dấu một khởi đầu thành công.

Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 1.
Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 2.
Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 3.

Tiếp nối thành công này, "Kể chuyện nghìn năm - Chuyện Sài Gòn" được triển khai như mùa thứ hai của dự án, nhằm khám phá và tôn vinh vẻ đẹp đa dạng của văn hóa, nghệ thuật tại Sài Gòn. Bà Huỳnh Thùy Vân, Giám đốc điều hành dự án, chia sẻ: "Khi lên kế hoạch thực hiện Chuyện Sài Gòn, chúng tôi tự hỏi: Sài Gòn có gì? Những câu chuyện nào sẽ được kể? Và chúng tôi nhận ra, Sài Gòn mang trong mình vô vàn câu chuyện đáng để khai thác và truyền tải."

Theo bà Vân, dự án dự kiến tổ chức mỗi quý một chương trình, kết hợp nhiều trải nghiệm nghệ thuật khác nhau để xây dựng bức tranh toàn diện hơn về câu chuyện Sài Gòn. Trong buổi họp báo, khi được hỏi về cách tiếp cận những nét đặc trưng khác như kịch nói, cải lương, đờn ca tài tử hay xiếc – các loại hình nghệ thuật nổi bật của Sài Gòn, ông Phạm Thiên Vũ, tác giả dự án, nhấn mạnh:

Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 4.
Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 5.
Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 6.

Nhóm nghệ sĩ Đàn Đó đã mang tới những phần trình diễn độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc 

"Kể chuyện nghìn năm không cố gắng định nghĩa Sài Gòn mà hướng đến việc khơi gợi cảm xúc và suy nghĩ của mọi người về nét đẹp văn hóa nơi đây. Sài Gòn là nơi tôn trọng sự đa dạng, giống như một nhà sưu tập dễ tính. Tôi tin rằng vùng đất này sẽ đón nhận tinh thần sáng tạo từ dự án cũng như nhóm Đàn Đó."

Bằng cách khai thác những giá trị văn hóa bản địa và sự phong phú của nghệ thuật, "Kể chuyện nghìn năm" không chỉ là một dự án nghệ thuật, mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa những câu chuyện xưa cũ và những trải nghiệm mới mẻ.

Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 7.
Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 8.
Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 9.

Nhóm nghệ sĩ biểu diễn đàn đó. 

Dự án "Kể chuyện nghìn năm" được phát triển dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ từ văn hóa bản địa, theo ban tổ chức. Mô hình này tạo nền tảng kết nối các cá nhân và tổ chức có chung mục tiêu, cùng nhau bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa thông qua sự hợp tác và tương hỗ.

Trong mô hình này, công chúng đóng vai trò là người tiêu thụ văn hóa khi sẵn sàng trả tiền để thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật bản địa từ các nghệ sĩ. Nhà tổ chức trở thành cầu nối, đảm nhiệm việc thiết kế, quản lý và quảng bá chương trình. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia với tư cách nhà tài trợ chính, không chỉ tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn xây dựng hình ảnh trách nhiệm xã hội và mở rộng mối quan hệ hợp tác.

Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 10.

Các diễn giả chia sẻ về lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa.

Ông Phạm Thiên Vũ, tác giả của dự án, nhận định rằng để một dự án văn hóa bản địa phát triển bền vững, điều quan trọng là tìm được sự đồng cảm và hỗ trợ từ doanh nghiệp, thương hiệu. Đây là nền tảng để chia sẻ lợi ích kinh tế và tạo ra các giá trị thực sự từ văn hóa.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Vũ chia sẻ về một sản phẩm độc đáo tại sự kiện: một thanh sôcôla mang hương vị cà phê sữa- một đặc trưng của Sài Gòn, với bao bì in hình bức tranh Nhà thờ Đức Bà của họa sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre). "Sản phẩm này minh họa rõ nét cho mô hình kinh tế chia sẻ, nơi chất liệu văn hóa được ứng dụng vào sản phẩm thương mại, tạo nên giá trị kinh tế đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa," ông Vũ nói.

Kì vọng mô hình kinh tế chia sẻ thông qua văn hoá bản địa: Không chỉ phục vụ khách ngoại!- Ảnh 11.

Với mô hình này, "Kể chuyện nghìn năm" không chỉ là một dự án nghệ thuật, mà còn trở thành cầu nối giữa văn hóa, nghệ thuật và kinh tế, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cả nghệ sĩ lẫn các doanh nghiệp đồng hành.

Dự án "Kể chuyện nghìn năm" sẽ tiếp tục hành trình tôn vinh văn hóa Việt với chuỗi sự kiện tại Huế trong các tháng 5, 6 và 8 năm 2025. Hoạt động lần này sẽ bao gồm các không gian triển lãm nghệ thuật thị giác, trình diễn trực tiếp, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm đậm chất văn hóa và nghệ thuật cho công chúng.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng lên kế hoạch mở rộng thêm các không gian đặc biệt về văn hóa đọc và văn hóa ẩm thực, nhằm mang đến cái nhìn đa chiều và phong phú hơn về di sản văn hóa Huế cũng như những giá trị bản địa đặc sắc.

Ngọc Tú

Cùng chuyên mục
XEM