Kĩ thuật tư duy bậc thầy để trở thành một người thông thái: Nén và giải nén

22/04/2022 09:15 AM | Sống

Khi phải đối mặt với lượng kiến ​​thức rộng lớn và vô biên, phương pháp của các chuyên gia trước tiên là lưu trữ kiến ​​thức thông qua nén, sau đó sử dụng nó thông qua giải nén.

(1)

Trước khi đọc bài viết, xin mời các bạn làm một bài trắc nghiệm.

Trong quá trình học một thứ gì đó, bạn có gặp trường hợp nào sau đây không?

1. Khát khao kiến ​​thức, nhưng lại bối rối trước sự rộng lớn của kiến ​​thức.

2. Dù có đọc sách nhưng đọc xong lại quên, không nhớ được, nhớ được thì lại không nhớ lâu.

3. Muốn học hiệu quả hơn, nhưng không tìm được trọng tâm.

4. Có nhiều kiến ​​thức, nhưng không thành hệ thống.

Không biết 4 điều này, bạn đã tự mình trải nghiệm được bao nhiêu trường hợp rồi nhỉ?

Lúc này, chúng ta phải làm thế nào?

Phương pháp của các chuyên gia đó là: Nén và giải nén.

Bạn sẽ làm gì nếu bạn định chia sẻ một tệp tài liệu rất lớn trên máy tính của mình?

Bạn chắc chắn sẽ nén tệp trên máy tính của mình trước rồi giải nén khi cần sử dụng.

Tương tự như vậy, khi phải đối mặt với lượng kiến ​​thức rộng lớn và vô biên, phương pháp của các chuyên gia trước tiên là lưu trữ kiến ​​thức thông qua nén, sau đó sử dụng nó thông qua giải nén.

Cụ thể: Xử lý kiến ​​thức đã học trong đầu để lượng kiến thức thay đổi từ nhiều thành ít, từ phức tạp thành đơn giản. Quá trình này là quá trình nén kiến ​​thức, và sản phẩm nhận được là gói nén kiến ​​thức. Sau đó, khi cần sử dụng, gói nén kiến thức được khôi phục về trạng thái trước khi nén thông qua công nghệ giải nén.

Nén có thể giúp bạn nhớ được nhiều hơn, lâu hơn và rõ ràng hơn những kiến ​​thức đã học, đồng thời, nó cũng có thể dần dần hình thành hệ thống cho những kiến ​​thức còn lộn xộn.

Giải nén cho phép bạn giải quyết các vấn đề cụ thể hơn với gói nén kiến ​​thức đã được hình thành, từ đó đạt được hiệu quả học một suy mười.

Kĩ thuật tư duy bậc thầy để trở thành một người thông thái: Nén và giải nén - Ảnh 1.

(2)

Vậy nén và giải nén kiến ​​thức như thế nào?

Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một phương pháp nén kiến ​​thức mà tôi gọi là "phương pháp công thức".

Để giúp bạn hiểu quá trình này, trước tiên chúng ta hãy làm một trò chơi nhỏ.

Cho bạn 15 giây để xem bạn có thể nhớ các con số sau hay không và viết nó ra.

Các số là: 1, 4, 9, 16, 25, 36, 49, 64, 81, 100.

Bây giờ, xin bạn vui lòng viết lại đoạn số này.

Việc có thể viết lại đầy đủ chúng không dễ chút nào, vì dung lượng bộ nhớ làm việc của chúng ta là 5-9 mẩu thông tin, và 10 con số này đã vượt quá dung lượng bộ nhớ làm việc nên bạn không thể nhớ được.

Bây giờ, tôi mới nói với bạn rằng dạy số này thực ra là được viết theo công thức: 1²-10².

Lúc này, nếu bạn được yêu cầu viết ra 10 con số đó một lần nữa, mọi việc có phải trở nên dễ dàng hơn rất nhiều không?

Tại sao nó lại dễ dàng hơn?

Bởi vì đây là sự nén kiến ​​thức.

Khi chúng ta bằng một cách nào đó có thể nén 10 số này lại, 10 số đó sẽ trở thành một gói nén kiến thức, tức chỉ còn bằng 1²-10².

Chỉ cần bạn biết cách giải nén gói nén, tức là biết cách tính đáp số của 1²-10² thì bạn có thể viết ra 10 số này một cách dễ dàng.

Đây là phương pháp công thức, một phương pháp nén thông tin và kiến ​​thức dưới dạng công thức.

Sau khi đọc các cuốn sách về tâm lý học và xem qua các án lệ về tâm lý, tôi nhận thấy rằng xu hướng tâm lý hiện có của một người, dưới ảnh hưởng của một môi trường cụ thể, cuối cùng sẽ được biểu hiện bằng hành vi mang đậm dấu ấn của họ.

Nếu kiến ​​thức đã học được diễn đạt theo một công thức ngắn gọn thì đó là: Khuynh hướng tâm lý + môi trường = hành vi biểu hiện.

Công thức này là sự nén các kiến ​​thức đã học trước đó và các nội dung của tư duy tình huống đã xảy ra trong án lệ.

Lúc này, khi gặp những vấn đề có liên quan ở ngoài đời sống thì chúng ta có thể lựa chọn gói nén kiến ​​thức phù hợp, tức là công thức này để giải quyết.

Bằng cách giải nén công thức "Khuynh hướng tâm lý + môi trường = hành vi biểu hiện" này, chúng ta có thể giúp người khác nhìn thấu bản chất của vấn đề và giải quyết chúng.

Tất nhiên, chúng ta cũng có thể thông qua cách nghiên cứu xu hướng tâm lý của bản thân, để suy diễn ra cách mà mình có thể ứng xử trong các tình huống và hoàn cảnh khác nhau, rồi cuối cùng quản lý chúng một cách hiệu quả để có được kết quả mong muốn.

Đây là "Lấy bất biến ứng vạn biến" của nén và giải nén.

Kĩ thuật tư duy bậc thầy để trở thành một người thông thái: Nén và giải nén - Ảnh 2.

(3)

Vậy thì, làm thế nào chúng ta có thể đưa ra một công thức hoặc tập hợp các công thức như vậy?

Bước một, tìm hoặc tóm tắt những yếu tố chính của vấn đề.

Trong ví dụ trên, sau khi đọc cuốn sách về tâm lý học và các án lệ về tâm lý, tôi thấy rằng hành vi của những người này liên quan chặt chẽ đến đặc điểm của họ và môi trường cụ thể bên ngoài.

Lúc này, tôi tìm thấy ba yếu tố rất quan trọng, đó là hành vi biểu hiện, khuynh hướng tâm lý và môi trường bên ngoài.

Bước hai, làm rõ mối quan hệ giữa các yếu tố chính.

Sau khi tìm ra ba yếu tố chính, và cẩn thận cân nhắc xác định rằng không bỏ sót yếu tố chính nào khác, tôi bắt đầu xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ giữa ba yếu tố đó.

Cuối cùng, nhận thấy rằng mối quan hệ giữa chúng là: khuynh hướng tâm lý bên trong của một người, dưới sự tác động của môi trường cụ thể bên ngoài, sẽ sinh ra hành vi tương ứng.

Bước ba, sử dụng biểu thức công thức.

Trừu tượng hóa mối quan hệ vừa khám phá ra sẽ giúp ta nhận được một công thức ngắn gọn, Khuynh hướng tâm lý + Môi trường cụ thể = Hành vi biểu hiện.

Bước bốn, xác minh.

Sau khi công thức được rút ra, nó cần được liên tục nghiệm chứng trong nhiều trường hợp thực tế.

Chỉ sau khi chứng minh đủ mới có thể xác minh tính đúng đắn của công thức, nếu không thì chỉ có thể loại bỏ hoặc kiểm tra lại và nén lại từ đầu.

Qua bốn bước này, tôi đã có được một công thức tâm lý về hành vi, công thức này có thể giúp tôi lý giải nhiều vấn đề liên quan đến các biểu hiện về hành vi.

Trước đây, tôi đã viết một bài về cách giải quyết vấn đề "Năm 2022, hãy thành thạo một công thức và trở thành một cao thủ giải quyết vấn đề", trong đó cũng nói về một công thức mà tôi đã nén, đó là: tiêu chuẩn - hiện trạng = vấn đề.

Công thức này có nghĩa là gì?

Giải nghĩa: "Các vấn đề" chỉ xảy ra khi hiện trạng sai lệch so với quy chuẩn.

Ví dụ, 60 điểm trong bài kiểm tra là mức đạt chuẩn, mà khi bạn chỉ đạt 55 điểm thì bạn sẽ gặp phải vấn đề.

Nhưng nếu 60 là điểm tối đa, và bạn đạt 55, thì bạn không chỉ ổn mà còn đạt kết quả vô cùng tốt.

Vì vậy, nếu bạn chỉ tập trung vào những gì đang diễn ra, rất khó để tìm ra vấn đề thật sự nằm ở đâu.

Vì vấn đề không đơn giản nằm ở hiện trạng, mà nằm ở khoảng cách giữa tiêu chuẩn và hiện trạng.

Các vấn đề nảy sinh khi các tiêu chuẩn không được đáp ứng.

Và khi chạm mốc tiêu chuẩn, ngay cả khi có vấn đề, thì có thể xem như không gây ảnh hưởng gì đáng kể.

Vì vậy, khi gặp vấn đề gì, bạn phải tìm kiếm tiêu chuẩn tham chiếu liên quan, rồi tìm hiểu xem tiêu chuẩn bạn đang tham chiếu rốt cuộc là gì.

Khi bạn có thể sắp xếp các tiêu chuẩn một cách rõ ràng, "hiện trạng - tiêu chuẩn" ở phía bên trái của công thức có thể được nhìn thấy rõ ràng và sau đó bạn có thể phân tích vấn đề mà mình đang gặp phải là gì.

Một khi bạn nắm vững công thức này, bạn sẽ có thể suy nghĩ thấu đáo từ cả hiện trạng và tiêu chuẩn mỗi khi gặp vấn đề.

Nếu vấn đề nằm ở tiêu chuẩn, thì bạn có thể đặt câu hỏi: Tiêu chuẩn này có phù hợp với tôi không? Hay đó là tiêu chuẩn do người khác đặt ra, hoặc tiêu chuẩn do các giá trị chính thống đưa ra, nhưng thực tế lại không phù hợp với mình?

Nếu vấn đề nằm ở hiện trạng, thì bạn có thể đặt câu hỏi: Làm cách nào để cải thiện hiện trạng từ đó giải quyết vấn đề?

Bạn thấy đấy, thông qua một công thức như vậy, dù bạn đang gặp phải vấn đề gì thì cũng đều có hướng đi và phương pháp rõ ràng để giải quyết vấn đề đó.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM