Kì diệu: Thế giới lại vừa có thêm 1 người chữa khỏi HIV, ông ấy là bệnh nhân thứ 5 làm được điều đó

21/02/2023 13:45 PM | Sống

Dường như không còn là tin tức quá mới mẻ nữa, thế giới đang ngày càng có nhiều người bệnh HIV được chữa khỏi. Và trong những năm gần đây, tần suất họ xuất hiện ngày càng lớn, chứng tỏ trình độ y học của chúng ta đang ngày một phát triển.

Nếu bạn chưa biết, thế giới đã phải đợi 12 năm kể từ "bệnh nhân Berlin" – người đàn ông đầu tiên có tên thật Timothy Ray Brown được công nhận đã quét sạch virus HIV ra khỏi người mình. Kể từ năm 2007 đến năm 2019, mới có thêm một bệnh nhân thứ hai làm được điều đó.

Nhưng chỉ trong vòng 3 năm tiếp theo, đã có thêm 3 người khác nữa làm được điều kì diệu tương tự. Bệnh nhân mới nhất được tuyên bố khỏi bệnh HIV ngày hôm nay đã trở thành người thứ 5.

Kì diệu: Thế giới lại vừa có thêm 1 người chữa khỏi HIV, ông ấy là bệnh nhân thứ 5 làm được điều đó - Ảnh 1.

Kì diệu: Thế giới lại vừa có thêm 1 người chữa khỏi HIV, ông ấy là bệnh nhân thứ 5 làm được điều đó - Ảnh 2.

Bệnh nhân thứ 5 được chữa khỏi HIV tại bệnh viện Đại học Düsseldorf, Đức - Ảnh: Internet

Đó là một người đàn ông trung niên 53 tuổi người Đức, được đặt biệt danh là "bệnh nhân Düsseldorf", theo tên thành phố mà ông ấy được chữa khỏi. "Bệnh nhân Düsseldorf" nhận chẩn đoán nhiễm HIV từ năm 2008. Ngay sau đó, ông đã được điều trị thuốc kháng virus (liệu pháp ARV) đến năm 2010.

Chỉ một năm sau, bệnh nhân này phải nhận thêm chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, một loại ung thư tế bào bạch cầu trong tủy xương.

Đối với nhiều người, đó sẽ là một tin cực kỳ xấu khi mắc hai bệnh hiểm nghèo một lúc. Nhưng với người đàn ông này, nó đã đem đến một tấm vé cho ông được tuyển dụng vào chương trình IciStem tại bệnh viện Đại học Düsseldorf.

IciStem là một dự án hợp tác quốc tế nhằm nghiên cứu khả năng chữa khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Đó chính là phương pháp đã giúp Timothy Ray Brown và một bệnh nhân khác ở London khỏi bệnh.

Để thử nghiệm phương pháp này trên "Bệnh nhân Düsseldorf", các bác sĩ đã quyết định thực hiện ghép tế bào gốc cho ông ấy vào năm 2013. Các tế bào này được lấy từ tủy xương của một người hiến tặng có gen CCR5, một gen có khả năng ngăn virus HIV sao chép.

Phương pháp điều trị này là một mũi tên trúng hai đích, nó vừa có thể chữa khỏi bệnh ung thư bạch cầu cho bệnh nhân, đồng thời tạo ra khả năng kháng virus HIV dựa trên gen của người hiến tặng.

Kết quả là 5 năm sau khi được điều trị, tải lượng virus HIV trong "Bệnh nhân Düsseldorf" đã giảm xuống đến mức không thể phát hiện được. Bệnh bạch cầu của ông ấy cũng thuyên giảm. Các bác sĩ đã quyết định cho ông ngừng sử dụng thuốc ARV để kiểm tra xem ông ấy có thực sự khỏi HIV hay chưa.

Thời gian theo dõi từ khi dừng thuốc tới nay đã hơn 4 năm, "Bệnh nhân Düsseldorf" không có dấu hiệu tái phát. Và đó là căn cứ để các bác sĩ tuyên bố ông đã được chữa khỏi.

Kì diệu: Thế giới lại vừa có thêm 1 người chữa khỏi HIV, ông ấy là bệnh nhân thứ 5 làm được điều đó - Ảnh 3.

Tiến sĩ Björn-Erik Ole Jensen, bác sĩ trực tiếp điều trị cho "Bệnh nhân Düsseldorf" lưu ý đây là một trường hợp "thực sự chữa khỏi" HIV chứ không phải là thuyên giảm - Ảnh: xInfo

Cho tới thời điểm hiện tại, thế giới đã có 5 bệnh nhân được tuyên bố là chữa khỏi HIV. Họ có biệt danh được đặt theo các thành phố Berlin, New York, London, Hope và Düsseldorf.

Năm 2019, một bệnh nhân khác ở São Paulo cũng được cho là đã khỏi HIV, nhưng các nhà khoa học còn rất thận trọng tuyên bố điều đó. Lý do vì "bệnh nhân São Paulo" được điều trị bằng phương pháp khác, chỉ sử dụng thuốc kháng virus mà không ghép tủy xương. Sự thuyên giảm của anh ấy vẫn chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định.

Thông thường, sau khi bệnh nhân HIV sử dụng thuốc kháng virus, một lượng lớn HIV trong cơ thể của họ sẽ bị tiêu diệt. Nhưng virus HIV rất tinh ranh, một lượng nhỏ trong số chúng sẽ chuyển sang trạng thái ngủ đông trong tế bào bạch cầu.

Ở trạng thái này, thuốc ARV không thể tìm thấy và tiêu diệt chúng. Chỉ cần bệnh nhân ngừng thuốc, các tế bào HIV ngủ đông sẽ lại kích hoạt, sao chép và khiến người bệnh tái nhiễm. Các bệnh nhân HIV vì vậy cần uống thuốc kháng virus cả đời.

Cấy ghép tủy xương là phương pháp duy nhất hiện nay có thể tiêu diệt hiệu quả virus HIV ở trạng thái ngủ. Tuy nhiên, nó chưa được áp dụng rộng rãi vì về cơ bản, phương pháp này rất nguy hiểm.

Các bác sĩ sẽ sử dụng hóa trị để tiêu diệt toàn bộ tế bào bạch cầu trong cơ thể người bệnh. Điều này khiến virus HIV không còn nơi để lẩn trốn. Sau đó, họ cấy ghép các tế bào tủy mới để sinh ra các tế bào bạch cầu mới cho bệnh nhân.

Bạn có thể tưởng tượng phương pháp này giống như một cuộc dội bom nguyên tử vào toàn thành phố, sau đó tái thiết nó lại từ đầu.

Kì diệu: Thế giới lại vừa có thêm 1 người chữa khỏi HIV, ông ấy là bệnh nhân thứ 5 làm được điều đó - Ảnh 4.

Phương pháp điều trị HIV bằng ghép tế bào gốc tủy xương đòi hỏi bệnh nhân phải hóa trị - Ảnh: Nature Medicine

Có rất nhiều rủi ro trong quá trình này, chẳng hạn như bệnh nhân có thể bị kháng hóa trị, đào thải tế bào ghép, suy giảm miễn dịch trong quá trình này cũng có thể khiến bệnh nhân tử vong chỉ vì một bệnh thông thường.

Đó là lý do tại sao cấy ghép tế bào tủy xương được coi là phương pháp cuối cùng trong kho vũ khí điều trị HIV của loài người. Kể từ khi virus này xuất hiện vào thập niên 1980, nó đã gây ra cái chết cho hơn 40 triệu bệnh nhân.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Liên Hợp Quốc, hiện vẫn có 38,4 triệu người nhiễm HIV trên thế giới. Trong số này có 36,7 triệu người lớn và 1,7 triệu trẻ em dưới 15 tuổi. HIV được coi là đại dịch chưa chấm dứt và tạo ra gánh nặng sức khỏe cũng như kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Với nghiên cứu mới lần này, các nhà khoa học hi vọng họ sẽ củng cố được hiểu biết của chúng ta về căn bệnh. Tiến sĩ Björn-Erik Ole Jensen, bác sĩ trực tiếp điều trị cho "Bệnh nhân Düsseldorf" lưu ý đây là một trường hợp "thực sự chữa khỏi" HIV chứ không phải là thuyên giảm.

"Tôi nghĩ chúng ta có thể thu được nhiều hiểu biết sâu sắc từ bệnh nhân này và từ những trường hợp chữa khỏi HIV tương tự", tiến sĩ Jensen nói. Ông nhấn mạnh việc đã có tới 5 bệnh nhân được cấy ghép tế bào tủy xương và điều trị HIV thành công gợi ý sự tiến bộ của y học trong phương pháp này.

Trong tương lai, nó có thể được cải tiến để ngày một an toàn hơn. Trước mắt, phương pháp này có thể giúp nhiều bệnh nhân mắc ung thư bạch cầu và HIV khỏi bệnh cùng một lúc. Sau đó, nó có thể được mở rộng sang nhóm bệnh nhân cần cấy ghép tủy xương nhưng không mắc bệnh bạch cầu. 

Cuối cùng, nếu đủ an toàn, nó mới được áp dụng cho cả các bệnh nhân HIV thông thường khác.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Medicine.

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM