Khuyên chân thành: 20 tuổi chăm chỉ đi họp lớp, 40 tuổi không lo thất nghiệp, rút ngắn quãng đường làm giàu!

24/11/2023 10:10 AM | Sống

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác tủi thân vì thấy quá tầm thường, bị bỏ xa, không biết phấn đấu, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu.

"Sau khi tốt nghiệp, tôi chuyển ngành sang làm kế toán, làm nghề này đã 7 năm, không phải dân chuyên nghiệp, tôi cảm thấy mình chưa có bước đột phá lớn, sau khi nghỉ việc chuyển ngành sang lĩnh vực thương mại điện tử, tôi nhận thấy nhiều đồng nghiệp có thu nhập cao hơn và cũng trẻ tôi hơn rất nhiều.

Một cảm giác chán nản.

Tôi không biết làm cách nào để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như đạt được tự do tài chính."

Đây là bức thư của một độc giả gửi về cho tôi, mỗi dòng đều bộc lộ "nỗi xấu hổ và nỗi sợ bị bỏ rơi".

Nếu kể về khoảnh khắc lo lắng và xấu hổ nhất trong đời, chắc hẳn đó là lúc ngồi ăn tối với các bạn cùng lớp khi tôi vừa đi làm ở Châu Phi về vào năm 2012.

Lúc đó tôi vừa xin nghỉ việc ở một doanh nghiệp nhà nước đóng tại Châu Phi, tôi hoang mang về tương lai, không biết phải làm sao, không dám về nhà nên đã phải ở lại nhà một người bạn ở thành phố.

Thấy tôi sa sút, chán nản nên cậu bạn đã rủ những người bạn học còn ở thành phố tụ tập một buổi liên hoan, nói muốn gột rửa cho tôi, nhưng trên thực tế, sau khi tham gia bữa tiệc đó, tôi bỗng cảm thấy còn chua xót hơn. Lý do rất đơn giản, bởi tại bàn ăn này, tôi chợt cảm nhận rõ ràng rằng mình đã bị các bạn cùng trang lứa bỏ quá xa. Đó là năm thứ hai sau khi tôi tốt nghiệp đại học, những người bạn chọn học cao học của tôi hầu hết đều đã bắt đầu học cao học năm thứ hai, một năm nữa sẽ có bằng thạc sĩ. Chưa kể những người bạn chọn du học Anh, thậm chí họ còn có bằng sau đại học và sắp bắt đầu cuộc sống của một nhóm người có trình độ học vấn cao.

Đối với những người bạn đã đi làm, hầu hết họ đều vừa được thăng chức và tăng lương lần đầu, thậm chí lần thứ hai trong đời, triển vọng nghề nghiệp rất tươi sáng.

Còn đối với một số ít bạn bè lựa chọn khởi nghiệp kinh doanh riêng thì lại càng không cần nói, đó là một trong những năm tốt nhất đối với môi trường khởi nghiệp lúc bấy giờ, họ đều nhận được vốn đầu tư mạo hiểm và đều là ông chủ, phụ trách nhiều người. Tất cả đều khiến một kẻ lang thang thất nghiệp như tôi cảm thấy chua xót.

20 tuổi nên đi họp lớp nhiều hơn, 40 tuổi mới không lo thất nghiệp - Ảnh 1.

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác tủi thân vì thấy quá tầm thường, bị bỏ xa, không biết phấn đấu, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu.

Đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, tôi đã thay đổi 6 công việc, có kinh nghiệm làm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và hiện tại tôi là đối tác của một công ty khởi nghiệp. Một số người bạn cùng ăn uống khi đó cũng vẫn đều đang phát triển rất tốt sự nghiệp của bản thân. Nhưng tôi của hiện tại cũng đã vượt qua nhiều người trong số họ và làm được nhiều điều mà họ không làm được. Chìa khóa để đạt được cái gọi là "phản công" này bắt đầu từ việc "tin vào sức mạnh của thời gian".

Hãy tin vào sức mạnh của thời gian

Bạn phải biết rằng đối với hầu hết chúng ta, không có thiên tài trong một lĩnh vực nào đó, tức là trong bất cứ ngành nào, không có ai không cần học hỏi mà vẫn làm được gì đó.

Cho dù đó là tiếp thị, quản lý khách hàng, kế toán tài chính hay phát triển kinh doanh, một người có thể đạt được bao nhiêu thành tựu và mức lương mà anh ta nhận được về cơ bản phụ thuộc vào khoảng thời gian "có giá trị" mà người đó dành cho lĩnh vực này.

Vậy thời gian quý có giá trị là gì?

Rất đơn giản, đó là lúc bạn không lặp lại những công việc máy móc đơn giản, đó là lúc bạn có thể cảm thấy muốn "học một điều gì đó mới". Và tương tự, miễn là công việc hôm nay khiến bạn cảm thấy mình đã đạt được điều gì đó và học được điều gì đó mới, thì một ngày của bạn sẽ không vô ích và bạn không cần phải quá lo lắng.

Sở dĩ những người cùng tuổi với bạn, thậm chí trẻ hơn bạn lại có thể nhận được mức lương cao hơn bạn là vì tại thời điểm này, họ có thâm niên trong ngành này cao hơn bạn và có trình độ chuyên môn cao hơn bạn, thời gian đầu tư lâu hơn, đồng thời có thể tạo ra giá trị cao hơn cho doanh nghiệp.

Xét cho cùng, trong mắt hầu hết các nhà tuyển dụng doanh nghiệp, không có sự khác biệt cơ bản nào dù một người ở độ tuổi 25 hay 30. Tất cả những gì họ quan tâm là người đó có "năng lượng" ra sao trong ngành.

Muốn vượt qua những người bạn đồng trang lứa này, trước tiên bạn phải bình tĩnh, bắt đầu bằng việc dành khoảng thời gian "có giá trị" cơ bản nhất, trước hết là học những kiến thức mà họ biết còn bạn thì không, để ít nhất là có thể đứng vững cùng họ, cùng một vạch xuất phát và sau đó nghĩ đến nước tiếp theo.

Tất nhiên, tôi phải nói thêm một điều nữa ở đây: Đây là điều không thể đạt được chỉ trong một sớm một chiều.

Như tôi đã nói trước đây, trên thế giới này có rất ít thiên tài, và khả năng cao là bạn và tôi đều không như vậy.

Vì vậy, bạn không thể dành một hoặc hai ngày để làm chủ công nghệ mà một người mài dũa trong suốt một hoặc hai năm và bạn cũng không thể có được những mối liên hệ mà người khác đã tích lũy từ ba đến năm năm chỉ bằng cách ăn một hoặc hai bữa cơm.

Và nếu bạn quá háo hức với thành công, nó có thể làm biến dạng những nỗ lực của bạn, khiến bạn đánh mất bạn bè, hoặc có thể khiến nền tảng của bạn không ổn định và chịu tổn thất lớn trong tương lai.

Có người nói "chậm lại và bạn sẽ đi nhanh hơn", đó là sự thật.

Để bắt kịp những người bạn cùng lớp đã bỏ xa mình, điều đầu tiên tôi làm khi đó chính là: dành một tháng để học lại những gì cơ bản nhất của môn tiếng Anh mà trước đây tôi đã bỏ quên.

20 tuổi nên đi họp lớp nhiều hơn, 40 tuổi mới không lo thất nghiệp - Ảnh 2.

Tìm điểm mạnh độc đáo của bạn

Sau khi hoàn thành bước đầu tiên, tôi tin rằng bạn đã có những hiểu biết mới về ngành mới, lúc này, bạn sẽ không còn cảm thấy những đồng nghiệp mới đó nằm ngoài tầm với nữa.

Khi đó chúng ta cần phải thực hiện bước tiếp theo, và bước này cũng là bước quan trọng để vượt qua các khúc cua, đó là tìm ra lợi thế riêng của mình.

Nếu bạn không tìm kiếm hoặc không tìm thấy thì đối với một người mới tham gia vào một ngành, bạn sẽ phải theo dõi những người khác trong một thời gian rất dài.

Bạn chỉ có thể học những gì người khác đã học, bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì người khác đã thấy, muốn vượt qua người khác, bạn chỉ có thể hy vọng rằng mình tài năng hơn người khác. Và tài năng rốt cuộc là ảo tưởng, tôi không tin điều đó, tôi thích một cách tiếp cận thực tế hơn.

Trước đó khi có ý định đi học thạc sỹ, tôi đã nhận được thư trúng tuyển từ nhiều trường mà mình nộp hồ sơ, và sau đó, tôi nhận được học bổng toàn phần từ chính phủ Pháp với tỷ lệ đỗ dưới 1%. Vì sao?

Chính kinh nghiệm làm việc của tôi ở Châu Phi trước đó của tôi.

Đề tài của tôi là về sự phát triển kinh tế của Châu Phi. Trong cuộc phỏng vấn, tôi đã nói chuyện với người phỏng vấn về việc hợp tác để xây dựng một tương lai tươi sáng cho Châu Phi. Và trong kỳ thi học bổng cuối cùng, người phỏng vấn đã hỏi tôi: Làm thế nào bạn có thể đảm bảo để bạn có thể hoàn thành tốt việc học tập tại Pháp

Câu trả lời của tôi là: Tôi đã sống sót trong môi trường khắc nghiệt như Châu Phi, việc du học Pháp liệu có khó khăn hơn không?

Khi đó, tôi không thắng dựa trên điểm ngoại ngữ tốt, cũng không phải đơn xin học viết hay ra sao, mà thắng ở yếu tố "độc đáo".

Trong công việc cũng vậy, chỉ cần bạn có một thái độ nghiêm túc với công việc trước đây, nó nhất định sẽ để lại cho bạn khối tài sản quý giá, đồng thời sự giàu có về mặt kinh nghiệm trong lĩnh vực cũ cũng sẽ giúp bạn nổi bật ở vị trí mới.

Chẳng hạn, tôi có một người bạn vốn làm trong ngành kỹ thuật, cách đây 2 năm, do ngành này suy thoái nên anh ấy chuyển sang ngành giáo dục, kết quả là anh ấy thành công và gần như độc chiếm thị trường tiểu học trong khu vực của mình chỉ trong vòng 6 tháng.

Tôi hỏi anh ấy đã làm điều đó như thế nào. Anh ấy nói: "Việc này có gì khó đâu? Xây dựng mối quan hệ tốt với lãnh đạo huyện và giúp huyện thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, tình nguyện, học sinh và phụ huynh biết cậu nên việc đăng ký là chuyện đương nhiên, phải không?"

Tôi nói: Đơn giản vậy sao? Tại sao chưa có ai làm điều này trước đây? Anh ấy nói: "bởi họ là những người làm giáo dục dựa trên học vấn, không chịu bỏ tiền ra, cũng không muốn mất mặt, không biết gì về cái gọi là nhân tình thế thái". 

20 tuổi nên đi họp lớp nhiều hơn, 40 tuổi mới không lo thất nghiệp - Ảnh 3.

Đừng quên đi cái "tâm" ban đầu của mình

Tất nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng dù đó là thành công hay tự do tài chính thì cũng phải có rất nhiều may mắn đi kèm.

Hai người có hoàn cảnh giống nhau, làm những việc gần như giống nhau, nhưng thành tích của họ sau vài năm có thể vẫn chênh lệch vài lần, thậm chí hàng chục lần.

Và chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng dù có sở hữu vật chất nhiều ra sao thì hầu hết mọi người cũng vẫn sống một cuộc sống bình thường.

Và do đó, khi bạn càng muốn thành công, càng muốn đạt được điều gì đó, điều bạn càng cần đó là một trái tim bình thản, một suy nghĩ không quên bản thân nhiệt huyết của lúc ban đầu thay vì bị cuốn vào vòng xoáy của danh lợi, tiền bạc tới mức quên mất cả bản thân.

Theo tôi, điều chúng ta cần chú trọng trau dồi là một tâm lý như vậy: muốn thắng nhưng không sợ thua, muốn giàu nhưng không sợ nghèo.

Khi làm việc ở Châu Phi, tôi từng làm phiên dịch cho một người đàn ông giàu có trong danh sách Forbes trong vài ngày.

Tôi kết nối với ông ấy vì ông ấy muốn phát triển tài sản khoáng sản ở Châu Phi với công ty mà tôi đang làm việc vào thời điểm đó, một dự án trị giá hàng tỷ đô la.

Ông ấy đã hơn bảy mươi tuổi, có tài sản khắp thế giới và kiếm được đủ tiền đến mức cả đời không bao giờ tiêu được hết. Nhưng ông ấy vẫn dành hơn nửa số đêm trên máy bay, 365 ngày một năm, và không bao giờ bay hạng nhất trừ khi cần thiết. Ông luôn mặc trang phục công sở phổ biến, mang theo một chiếc vali nhỏ và quản lý tài sản của mình trên khắp thế giới.

Lúc đó tôi đã có ý định nghỉ việc và hy vọng sau này sẽ được làm việc cho người đàn ông giàu có này. Khi đó tôi cho rằng đây gần như sẽ là con đường tắt dẫn đến thành công ngay trước mắt.

Vì vậy, hàng ngày tôi đều mặc những bộ vest lịch sự, dồn hết tâm sức cho việc phiên dịch trong các cuộc họp hàng ngày, để làm cho ông ấy vui lòng, tôi thậm chí còn bỏ ra nửa tháng lương để thuê taxi có người lái đưa ông ấy đi vòng quanh thành phố.

Tôi thậm chí còn cố gắng hết sức để hẹn gặp một vài người bạn mà tôi thậm chí còn không quen biết, hy vọng có thể giúp ông ấy mở rộng thị trường.

Cuối cùng chuyến công tác cũng kết thúc và tôi đưa ông ấy ra sân bay. Trên chiếc xe tôi thuê, tôi hồi hộp hỏi ông ấy: "Ông nghĩ tôi có thể làm việc cho ông không?"

Ông ấy nhìn tôi mỉm cười nói: "Không, còn quá sớm."

Khi nghe điều này, tôi có chút bối rối: "Tại sao lại quá sớm?"

Ông ấy nói: "Tôi nói là cậu làm tất cả những điều này quá sớm, cậu không thể còn chưa đủ tiền để mặc bộ quần áo đang mặc, chưa thể hưởng thụ chiếc xe này, và cũng không thể lần nào cũng tổ chức những cuộc gặp gỡ đó, nên cậu vẫn chưa phù hợp làm việc cho tôi. Cậu sợ tôi thấy cậu vẫn còn là một thanh niên mới bắt đầu đi làm, mà anh bạn trẻ, đây chính là vấn đề lớn nhất của cậu."

Thấy tôi im lặng, ông ấy đưa cho tôi một chiếc phong bì nhỏ, trong đó có nhiều hơn một chút so với số tiền tôi đã tiêu cho ông ấy trong mấy ngày qua.

Thấy tôi không chịu nhận, ông ấy thản nhiên đặt phong bì lên ghế xe.

Tôi lấy hết can đảm và hỏi lại: Vậy ông nghĩ khi nào tôi có thể làm được?

Ông ấy lại mỉm cười và nói: Khi nào cậu có thể thản nhiên đưa tôi đi vòng quanh thành phố bằng tàu điện ngầm thì được thôi.

Chớp mắt, đã gần mười năm trôi qua, trong mười năm này, tôi vẫn thường tự hỏi mình, nếu ông ấy lại xuất hiện trước mặt mình, liệu tôi có thể bình tĩnh nói chuyện cười đùa với ông ấy không?

Đôi khi tôi cảm thấy mình có thể làm được, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy mình vẫn chưa thể.

Và đây cũng chính là sức mạnh và sự quyến rũ của thời gian phải không?

Thiên Vy

Cùng chuyên mục
XEM