Khủng hoảng thực phẩm: Kẻ thừa đổ bỏ, người thiếu đi săn
Hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng toàn thế giới bị gián đoạn là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt hàng hóa bất thường ở một số khu vực nhưng lại dư thừa ở nơi khác.
Mọi thứ đang diễn ra đúng như lời cảnh báo hồi đầu năm 2020 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO) về rủi ro khủng hoảng thực phẩm do sự bùng phát của dịch Covid-19.
“Các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng trên khắp thế giới đang gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường lao động, trang trại không có đủ người làm để duy trì sản xuất. Hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng toàn thế giới bị gián đoạn cũng là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt hàng hóa bất thường ở một số khu vực nhưng lại dư thừa ở nơi khác”, theo ông Michael Strano, chuyên gia về công nghệ nông nghiệp đột phá và bền vững tại Liên minh Nghiên cứu và Công nghệ Singapore-MIT.
Nông dân trên khắp nước Mỹ đang phải để nông sản thối rữa ngay trên cánh đồng, đặc biệt là với những loại hàng hóa dễ hỏng như hoa, quả và sữa. Trong khi đó, ngày càng nhiều người dân phải tính phương án tự cung tự cấp do nguồn thực phẩm không thể đến tay.
Người thừa phải đổ bỏ
Sống dưới lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, người dân bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống: họ nấu nướng và ăn ở nhà nhiều hơn, thay vì ở nhà hàng hay trường học như trước. Điều này dẫn tới sự điều chỉnh về chuỗi cung ứng.
Nhiều người nấu ăn ở nhà hơn nên chuỗi cung ứng dần chuyển sang sản xuất những sản phẩm phục vụ cho các cửa hàng tạp hóa thay vì nhà hàng như trước. Tuy nhiên, các cửa hàng tạp hóa lại có những yêu cầu khác nhau về việc đóng gói và sản xuất. Thực tế lại cho thấy không có nhiều người đáp ứng được các điều kiện đó và để thay đổi, họ cần phải có thời gian.
Các nhà cung cấp đều biết họ phải điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng, nhưng sự bất ổn của thế giới khiến họ ngày càng khó để lên kế hoạch kinh doanh.
“Nếu các nhà sản xuất được biết về việc trường học và công ty sẽ không thể đồng loạt mở cửa trở lại, họ sẽ điều chỉnh lại toàn bộ chuỗi cung ứng hướng tới phục vụ nhóm cửa hàng tạp hóa. Và như vậy, sẽ không còn tình trạng dư thừa ở nơi này mà lại thiếu hụt ở nơi khác. Nhưng đến giờ họ vẫn chưa biết thông tin chính xác”, ông Hitendra Chaturvedi, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học bang Arizona, nói.
Điều này dẫn tới tình trạng nhiều trang trại phải đổ bỏ nông sản.
Nhiều nông sản bị bỏ lại trên ruộng vì không tiêu thụ được. Ảnh: Getty Images.
“Việc đóng cửa hàng loạt nhà hàng và trường học buộc các trang trại nuôi bò sữa phải chuyển đột ngột từ các thị trường dịch vụ thực phẩm bán buôn này sang các cửa hàng tạp hóa bán lẻ, tạo ra những cơn ác mộng về logistics và đóng gói cho các nhà máy chế biến sữa, bơ và phô mai”, P.J. Huffstutter đưa tin.Nhiều trang trại nuôi bò sữa trên khắp nước Mỹ phải đổ hàng triệu lít sữa mỗi ngày. Ước tính nông dân nước này đang đổ đi khoảng 14 triệu lít sữa mỗi ngày, theo Dairy Farmers of America, hợp tác xã sữa lớn nhất Mỹ.
Trong khi đó, để sử dụng sữa dư thừa để sản xuất bơ và các sản phẩm khác từ sữa, nhà sản xuất cũng phải điều chỉnh khâu chế biến và cần thêm không gian lưu trữ.
Những sản phẩm dễ hư hỏng cũng bị vứt lại ngoài ruộng vì nhu cầu trên toàn thế giới sụt giảm.
Tờ New York Times cho biết nông trại chăn nuôi gia cầm lớn thứ 3 nước Mỹ, Sanderson Farms, đã tiêu hủy 750.000 quả trứng mỗi tuần khi những khách hàng lớn như nhà hàng, quán ăn tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, một nông dân trồng ở bang Idaho phải chôn hơn 450 tấn hành tây trong một con mương lớn. Nông dân ở vùng đông nam Mỹ buộc phải cày xới các cánh đồng của cà chua, bắp cải, đậu xanh, bí xanh và các sản phẩm khác đã đến kỳ thu hoạch, dẫn tới hàng tấn nông sản tươi bị bỏ lại đến thối rữa trên các cánh đồng.
Với trái cây, nông dân cũng không thể vận chuyển tới nơi tiêu thụ vì lệnh hạn chế di chuyển. Theo Soren Bjorn, Giám đốc của Driscoll, một công ty chuyên trồng trọt, kinh doanh các loại quả mọng ở Mỹ, họ sẽ phải đổ bỏ 10-15% nông sản nếu không được chính phủ hỗ trợ chi phí vận chuyển đến các cửa hàng thực phẩm.
Không chỉ Mỹ, tại Hà Lan, quốc gia chiếm khoảng 80% sản lượng hoa của toàn thế giới, nông dân buộc phải ủ hoa làm phân bón trong bối cảnh nhiều sự kiện bị hủy, kéo giảm nhu cầu. Giá hoa cũng giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong các đợt đấu giá gần đây, theo hợp tác xa Royal FloraHolland.
Để không lãng phí, một số quốc gia kêu gọi người dân trong nước tăng tiêu thụ các loại nông sản trên.
Tại Bỉ, người dân được kêu gọi ăn khoai tây chiên ít nhất 2 lần/tuần, nếu không hơn 750.000 tấn khoai tây có nguy cơ bị đổ bỏ. Tại Ấn Độ, một số nông dân mang dâu tây, loại trái cây thường dành cho khách du lịch và các nhà sản xuất kem, cho bò ăn, Reuters đưa tin. Còn ở Hà Lan, các công ty tăng mua hoa để tặng cho nhân viên, đối tác…
Kẻ thiếu phải đi săn
Các ngân hàng lương thực ở khắp nơi trên nước Mỹ gặp phải thách thức lớn vì phải đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dân Mỹ thất nghiệp do dịch Covid-19. Các ngân hàng lương thực cho biết nhu cầu trung bình tăng 40% trong thời gian qua, theo bà Katie Fitzgerald, Giám đốc điều hành Feeding America, mạng lưới gồm 200 ngân hàng và 60.000 kho lương thực tại Mỹ. Thậm chí, một số ngân hàng cho biết số người xin trợ giúp đã gấp đôi, gấp bốn lần.
Bà Fitzgerald cho biết nguồn cung hiện có của Feed America không đủ để phục vụ số người cần giúp đỡ hiện nay. Nguồn lương thực của công ty phụ thuộc vào sự quyên góp của các nhà bán lẻ như Walmart hay siêu thị. Tuy nhiên, nguồn cung từ các kênh này có xu hướng giảm nhanh và mạnh do nhu cầu của người dân tăng trong khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Feeding America buộc phải mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm nhưng cũng phải mất 4 tuần các ngân hàng lương thực mới nhận được hàng.
Giới chuyên gia cảnh báo nguồn cung thịt trong nước chỉ còn đủ cho vài tuần tới. Với tình trạng này, nhiều người Mỹ phải tự đi săn bắt động vật rừng để đảm bảo nguồn cung thịt.
Ngày càng nhiều người dân Mỹ chuyển sang săn bắn để có lương thực. Ảnh: Reuters. |
Ngay khi Mỹ ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, David Elliot, quản lý bộ phận cấp cứu tại Bệnh viện Holy Cross ở New Mexico, nghĩ ngay tới việc đi săn nai. Với Elliot, đây có lẽ là cách tốt nhất để gia đình anh có thịt ăn khi dịch bệnh lan rộng. Để làm được điều này, Elliot, 37 tuổi, đã xin được giấy phép bắn nai sừng tấm cái ở một vùng thuộc hạt Taos.
Cũng như Elliot, 2 giáo viên trung học gồm Brian Van Nevel và Nathaniel Evans đều thất nghiệp từ khi trường học đóng cửa. Nevel và Evans hàng ngày cố gắng dậy từ 4h có thể là những người vào rừng sớm nhất săn gà tây hoang dã. Evans cho biết anh cũng nhìn thấy rất nhiều người tới săn bắn chim trong năm nay.
Trong bối cảnh nhiều nhà chế biến thịt của Mỹ phải ngừng sản xuất vì hàng loạt nhân công bị nhiễm bệnh, các công ty cảnh báo thiếu hụt nguồn cung trong khi người dân lại có nhiều thời gian rảnh nhưng thu nhập bị giảm vì lệnh phong tỏa và chính sách cắt giảm nhân sự, ngày càng nhiều người chuyển sang săn bắn để có lương thực, giống như Elliot, Nevel hay Evans.
Các cơ quan quản lý việc đánh bắt cá ở nhiều bang từ Minnesota tới New Mexico cho biết số lượng giấy phép săn bắn được ban hành cũng như đơn xin cấp phép đều tăng trong mùa xuân năm nay. Số lượng giấy phép săn gà tây tại bang Indiana tăng 28% trong tuần đầu tiên của mùa xuân, Marty Benson, người phát ngôn của Sở Tài nguyên Indiana, cho hay. Điều này trái ngược hoàn toàn với những năm gần đây khi số thợ săn giảm 255.000 người trong giai đoạn năm 2016 – 2020, theo số liệu của Cơ quan Quản lý Đánh bắt cá và Động vật hoang dã Mỹ.
Đối với một số bang, như Washington và Illinois, đã ra lệnh đóng cửa tất cả khu vực, Hiệp hội Súng trường Quốc gia buộc phải vận động hành lang để họ tiếp tục mở cửa các khu hoang dã, cho phép mọi người tới săn bắn để lấy thực phẩm.
“Mọi người bắt đầu xem xét tới việc tự cung tự cấp thực phẩm trong bối cảnh hiện nay”, ông Hank Forester tại Hiệp hội Quản lý chất lượng hươu Mỹ nói.