Khủng hoảng tại Anh tồi tệ đến mức nào: 4,3 triệu trẻ em kêu cứu vì đói và lạnh, ám ảnh cha mẹ phải bỏ bữa để con có cái ăn
Nước Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang rơi vào cảnh "đói ăn".
Đói và lạnh
Trả lời hãng tin Reuters, cô Kim cho biết mình chỉ đủ tiền mua một thanh chocolate cho sinh nhật đứa con 11 tuổi vì giá mọi thứ giờ đây lên quá cao. Gia đình cô Kim sống tại miền bắc xứ Wales đang phải sống trong tình cảnh chẳng đủ tiền mua khí đốt sưởi ấm dù mua đông lạnh giá. Giờ đây, thứ thiết yếu như khí đốt cũng trở thành hàng xa xỉ vì tình hình bất ổn địa chính trị Nga-Ukraine.
Những đứa trẻ của Kim cũng tương tự như 4,3 triệu đứa trẻ nghèo đói khác tại Anh phải đi loanh quanh trong nhà, trùm kín mít như mùa đông và ôm bình nước nóng để chống rét vì không có nhiên liệu cho máy sưởi.
Nhiều cha mẹ tại Anh đang phải đau đớn vì con cái họ chịu đói rét
"Tôi đã cố nói dối với chúng rằng gia đình đang trải qua một trò chơi thám hiểm, nhưng lũ trẻ cũng hiểu rằng chẳng có cuộc thám hiểm hay trò chơi nào ở đây cả. Đơn giản là chúng thấy quá lạnh nhưng không dám kêu", cô Kim nghẹn ngào khi chồng cô mất việc đã 6 tháng nay vì đại dịch.
Cô Kim, người phụ nữ 37 tuổi này đang phải đắng lòng cho lũ trẻ ăn cả những thực phẩm mà trước đây không bao giờ muốn chúng đụng tới.
"Đây là cách duy nhất tôi có thể làm dù chúng là thực phẩm rác (Junk Food-thường được đánh giá là không tốt cho trẻ nhỏ)", cô Kim, người đề nghị đổi tên họ, nói với Reuters.
Với mức 2 Bảng (2,7 USD), cô Kim chỉ có thể làm vài miếng gà chiên cốm, mỳ gói và ít đậu cho lũ trẻ. Việc nấu hẳn 1 con gà tươi với rau là điều không thể vì chúng đắt gấp 4 lần mức chi tiêu trên và gia đình Kim thì không có đủ số tiền đó.
Vợ chồng Kim thì sống sót qua ngày nhờ bánh mỳ nướng và nhịn ăn nếu có thể để dành cho lũ trẻ. Với một người mẹ như Kim, việc để lũ trẻ phải ăn đồ ăn như vậy là vô cùng đau đớn nhưng chẳng còn cách nào, ít ra chúng cũng không phải bỏ bữa. Dẫu vậy, cô vẫn vô cùng áy náy vì lễ sinh nhật đơn giản cho đứa con 11 tuổi.
"Đây là một lễ sinh nhật rất đau lòng bởi làm gì có đứa trẻ nào không muốn mở quà ngày này cơ chứ", cô Kim đau đớn nói.
Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới... đói ăn
Theo hãng tin Reuters, tình hình đói nghèo tại Anh đang ngày càng trầm trọng sau khi đại dịch cướp đi thu nhập của nhiều hộ gia đình. Cuộc khủng hoảng hiện đang lên đến đỉnh điểm khi giá lương thực tăng mạnh còn giá nhiên liệu thì ngày một đi lên.
Nhiều ước tính cho thấy hóa đơn khí đốt và tiền điện sẽ tăng thêm 54% kể từ tháng 4/2022 bất chấp những nỗ lực hạ nhiệt của chính phủ, qua đó đẩy 5 triệu hộ gia đình vào cảnh chịu rét vì không có máy sưởi.
Hàng loạt các tổ chức chống đói nghèo tại Anh đang kêu gọi chính phủ thay đổi chính sách trợ cấp khi ngày càng nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu lương thực lẫn khí đốt. Những gia đình như của chị Kim ở trên phải chấp nhận bỏ bữa ăn của người lớn để trẻ con có đủ thực phẩm ăn trong ngày.
"Thật là sốc khi chúng tôi đang sống ở một đất nước phát triển vào năm 2022, thế nhưng lại có những gia đình phải nhịn đói", cô Kim nói với hãng tin Reuters.
Lạm phát tại Anh đã tăng lên 5,4% vào tháng 12/2021, mức cao nhất 30 năm qua. Hiện con số này đã tiếp tục phá kỷ lục ở mức 6,2% trong tháng 2/2022 và có thể lên đến 7% trong những tháng tới. Trong khi đó, phúc lợi và an sinh xã hội chỉ tăng có 3,1% kể từ tháng 4/2022, một con số quá bất ngờ của nền kinh tế được mệnh danh lớn thứ 5 thế giới.
Tồi tệ hơn, giá nhà tăng và việc chính phủ phải nâng thuế để bù ngân sách hỗ trợ an sinh xã hội càng làm tình hình trở nên khó khăn hơn.
Mọi thứ tệ đến mức anh Richard Walker, chủ một siêu thị tại Iceland cho biết mình đang mất dần khách hàng vì mọi người chuyển sang các ngân hàng hỗ trợ lương thực cho người nghèo hết khi giá thực phẩm ngày một đắt đỏ.
Hiện 31% số trẻ em tại Anh đang phải sống trong cảnh nghèo đói, còn người lớn thì vật vã với giá cả đi lên.
Phân phát lương thực tại các ngân hàng thực phẩm cho người nghèo tại Anh
"Bạn nhịn ăn vì lũ trẻ nên cơ thể không đủ năng lượng trong mùa đông. Hậu quả là bạn nằm lạnh cóng trên giường và lúc tỉnh dậy thì đau đớn toàn thân", cô Barker Marsh, một phụ nữ cũng như gia đình Kim phải nhịn ăn vì con cái cho biết.
Theo tổ chức "Save the Children" chi nhánh Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này đã liên tục hạ trợ cấp an sinh xã hội trong 10 năm qua và đang là một trong những nước có chi phí chăm sóc trẻ em cao nhất thế giới.
"Tiền điện và khí đốt mà tăng nữa là chúng tôi phải bán nhà. Các công ty năng lượng đang kiếm lợi trên máu của người nghèo. Con của tôi đã bị ốm vì quá lạnh và tôi đang cực kỳ tức giận. Có quá nhiều người nghèo như chúng tôi nhưng chẳng ai thèm quan tâm cả", cô Barker Marsh bức xúc.
10% hộ gia đình thiếu lương thực
Trong khi đó, tờ The Guardian cho biết khoảng 1 triệu người Anh đã trải qua tháng vừa qua mà chẳng có đủ lương thực ăn qua ngày vì lạm phát phi mã. Báo cáo của Food Foundation thì cho thấy việc chấm dứt những khoản trợ cấp thời dịch Covid-19 cũng như đà tăng giá mạnh của lượng lực, thực phẩm đã khiến người dân nước này lâm vào bất ổn.
Khảo sát của Food Foundation cho thấy 1/5 số hộ gia đình tại Anh đang phải đối mặt với tình trạng chỉ đủ tiền mua lương thực hoặc khí đốt sưởi ấm cho gia đình và con cái. Việc phải lựa chọn giữa sưởi ấm và no bụng khiến nhiều gia đình phải giảm chất lượng và số lượng thức ăn để trả các tiền phí khác bất chấp lũ trẻ đang chịu khổ.
Khoảng 59% số hộ gia đình cho biết họ lo lắng giá cả leo thang sẽ khiến họ chẳng đủ tiền để nuôi con cái cũng như bản thân trong tương lai.
Trong tháng vừa qua, có đến 1/10 số hộ gia đình Anh nhận định đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, phải bỏ bữa, nhịn đói hay thậm chí là chẳng ăn gì nguyên ngày vì không đủ tiền mua thực phẩm.
Hàng triệu trẻ em nghèo tại Anh đang đói và lạnh nhưng không dám đòi hỏi
Theo tờ The Guardian, chi tiêu cho thực phẩm đã tăng bình quân 3,8% trong tháng 1/2022 và nhiều khả năng các hộ gia đình sẽ phải thanh toán trung bình thêm 180 Bảng cho lương thực trong năm nay. Hệ quả là số lượng người đăng ký hỗ trợ với ngân hàng lương thực hay các tổ chức từ thiện ở Anh đang ngày một tăng.
Khảo sát của tổ chức chống đói nghèo Jack Monroe cho thấy loại thực phẩm rẻ nhất như một túi mỳ ống 500g ở siêu thị cũng đã tăng 141% từ 29 Penny lên 70 Penny (1 Penny=0,01 Bảng). Giá gạo thì tăng 344% từ 45 Penny lên 2 Bảng, giá đậu tăng 45% từ 22 Penny lên 32 Penny.
Báo cáo của Food Foundation thì cho thấy 8,8% số hộ gia đình, tương đương 4,7 triệu người lớn tại Anh đang phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực. Hệ quả là khoảng 2 triệu trẻ em sống trong những gia đình này cũng phải đối mặt tình trạng nhịn đói và chịu rét vì lạm phát tăng cao và giá nhiên liệu đi lên. Tổ chức Food Foundation cảnh báo điều này sẽ khiến nhiều em nhỏ phải đối mặt với rủi ro phát triển thể chất do thiếu dinh dưỡng.
Thậm chí, hàng triệu người khuyết tật hoặc đang nợ nần tại Anh cũng phải chứng kiến cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong 6 tháng qua vì giá cả tăng mạnh.
"Số lượng người khuyết tật chịu cảnh thiếu lương thực tại Anh trong thời gian qua thật kinh khủng", CEO Kamran Mallick của Tổ chức bảo vệ người khuyết tật Anh (DIU) phải thốt lên.
Trước tình hình khủng hoảng hiện nay, chính phủ Anh đã tuyên bố khoản hỗ trợ 12 tỷ Bảng trong năm tài khóa này, bao gồm chiến dịch tặng hơn 1.000 Bảng vào túi người lao động để giúp các hộ gia đình chống lại tình trạng thiếu thực phẩm. Hiện chính phủ Anh cũng đang xem xét thêm khoản hỗ trợ 9 tỷ Bảng nữa để chống lại đà tăng giá nhiên liệu.
*Nguồn: Reuters, The Guardian