Khủng hoảng niềm tin với doanh nghiệp Ấn Độ
Vụ bê bối của tỷ phú Adani làm dấy lên lo ngại về rủi ro quản trị doanh nghiệp Ấn Độ, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải suy nghĩ lại khi rót vốn vào đây.
Khi tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, nhà sáng lập tập đoàn Adani và cũng là nười giàu thứ hai châu Á, bị tòa án liên bang New York (Mỹ) buộc tội trong một vụ án đưa hối lộ và gian lận quy mô lớn, giới đầu từ toàn cầu dường như chịu cú sốc tương tự như vào năm ngoái. Khi đó, tập đoàn của ông lao đao vì bị công ty chuyên bán khống Hindenburg Research cáo buộc gian lận và bị “thổi bay” khoảng 130 tỷ USD vốn hóa.
Hiện tại, việc bị kết tội ở Mỹ tác động tới cổ phiếu của các công ty con của Adani Group không lớn như vụ bê bối trước. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vụ việc này làm dấy lên lo ngại về rủi ro quản trị doanh nghiệp Ấn Độ, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải suy nghĩ lại khi rót vốn vào đây.
Hiện tại, nhà chức trách Ấn Độ đang chuẩn bị điều tra các cáo buộc của Adani Group, làm dấy lên lo ngại rằng cú sốc niềm tin từ cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài dai dẳng.
Ngày 20/11, ông Adani, cháu trai Sagar Adani và một số bị cáo khác bị tòa án liên bang New York buộc tội trong một vụ án hối lộ 265 triệu USD cho các quan chức Chính phủ Ấn Độ để triển khai “các hợp đồng cung cấp năng lượng mặt trời béo bở”. Các bị cáo cũng bị buộc tội gian lận chứng khoán và rửa tiền. Tập đoàn Adani và các giám đốc điều hành cấp cao phủ nhận những cáo buộc này.
“Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn chung đã nhận thức được rủi ro khi đầu tư vào Adani sau các cáo buộc của Hindenburg năm ngoái. Nhưng việc nhà sáng lập bị buộc tội vừa qua cũng khiến cho các tập đoàn đa quốc gia như Total Energies và Jefferies không muốn hợp tác với tập đoàn này”, ông Henry Kinnersley, đồng sáng lập công ty Snowcap Research (Anh), nhận xét với Nikkei Asia.
Hồi tháng 5, Snowcap Research cáo buộc Adani Green Energy – công ty con của Adani Group – che giấu các số liệu lợi nhuận quan trọng với nhà đầu tư.
“Bản cáo trạng ở Mỹ thiết lập tạo ra một tiền lệ rằng nếu một doanh nghiệp huy động vốn ở Mỹ, thì họ phải tuầ thủ các tiêu chuẩn dành cho doanh nghiệp Mỹ. Họ sẽ không được đối xử đặc biệt. Và nếu họ bị phía Mỹ xem là quản trị kém, thì điều này diễn ra ở mọi nơi khác”, ông Kinnersley nhận xét.
Adani Green Energy là một trong 12 công ty niêm yết thuộc Adani Group – tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng tái tạo, cảng biển, sân bay cho tới vật liệu xây dựng, thực phẩm và truyền thông. Một số công ty con của Adani Group có dấu ấn sâu sắc trong hệ thống cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ và được hưởng lợi từ sự mở rộng nhanh chóng của tập đoàn này trong thập kỷ qua.
“Các công ty của Adani Group cần rất nhiều vốn. Nếu các cáo buộc trên là chính xác và tập đoàn này bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Mỹ thì tập đoàn này sẽ rất khó tiếp cận nguồn vốn mới”, ôg Mohit Mirpuri, quản lý quỹ tại công ty SGMC Capital (Singapore), nhận xét.
Ngay sau khi bản cáo trạng từ tòa án liên bang New York được công bố, Adani Green Energy đã phải hủy đợt phát hành trái phiếu dự kiến huy động 600 triệu USD. Thứ Hai tuần trước (25/11), Adani Group cho biết tập đoàn vẫn có khả năng trả nợ trong khoảng 28 tháng và tính tới tháng 9/2024 có số dư tiền mặt khoảng 530 tỷ rúp (6,3 tỷ USD), so với khối nợ khoảng 2.580 tỷ rúp.
Cuối tuần đó, giá cổ phiếu Adani Green Energy đã phục hồi sau khi có tin đồn rằng một số nhà đầu tư lớn vẫ cam kết đầu tư vào công ty. Tuy vậy, mã này vẫn giảm 6,3% so với mức giá giao dịch trước khi bản cáo trạng được công bố. Giá cổ phiếu của Adani Enterprises, công ty chủ chốt của Adani Group, cũng giảm 12,7% so với mức giá trước bản cáo trạng.
Theo các nhà phân tích, bản cáo trạng nhằm vào nhà sáng lập Adani Group, cũng khiến hoạt động đầu tư liên quan tới tiêu chuẩn ESG (viết tắt của Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị), tại các nền kinh tế mới nổi bị đặt dấu hỏi hoài nghi.
Sau cáo trạng trên, Morningstar Sustainalytics, công ty xếp hạng Adani Green Energy có rủi ro ESG thấp, sẽ “tiến hành rà soát lại toàn bộ các rủi ro ESG của doanh nghiệp này” – theo ông Hortense Bioy, giám đốc nghiên cứu bền vững của công ty.
“Rất nhiều thị trường mới nổi đang cải thiện các tiêu chuẩn ESG thông qua hoạt động đánh giá độc lập. Tuy nhiên, vụ việc trên sẽ khiến các nhà đầu tư quốc tế chú trọng nhiều hơn vào tiêu chuẩn ‘G’ – tức Quản trị – trong thời gian tới”, ông Amin Rajan, CEO của tổ chức nghiên cứu Create Research (Anh), nhậ xét. “Các nhà đầu tư nước ngoài có sức chịu đựng kém hơn so với các nhà đầu tư trong nước trước các vấn đề quản trị như vậy”.
Theo ông Mirpuri của SGMC Capital, nếu vụ việc trên khiến Adani Group bị hạn chế tiếp cận các thị trường phương Tây, tập đoàn này có thể sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà đầu tư Ấn Độ, Trung Quốc và Trung Đông.
“Việc đầu tư vào các tập đoàn lớn như Adani hay Reliance thường mang lại cảm giác như đang đầu tư vào Ấn Độ nói chung. Với các nhà đầu tư trong nước đã chứng kiến thị trường tăng trưởng vòng 20 năm qua cùng với các tập đoàn này, quản trị doanh nghiệp có thể không phải là ưu tiên hàng đầu", ông Prashanth Tapse, phó chủ tịch cấp cao tại công ty môi giới chứng khoán Mehta Equities của Ấn Độ cho biết.
Theo tin từ Bloomberg hôm 22/11, cơ quan quản lý chứng khoán Ấn Độ hiện đang điều tra xem liệu Adani Group có vi phạm các quy định về công bố thông tin hay không. Cơ quan này hiện vẫn chưa công bố báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra liên quan tới các cáo buộc của công ty Hindenburg vào năm ngoái.
“Vụ việc của Adani làm bộc lộ những rủi ro từ mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và các đảng phải chính trị ở Ấn Độ. Một rủi ro lớn hơn với Adani Group và các doanh nghiệp Ấn Độ khác là nếu chế độ thay đổi, các cáo buộc liên quan tới những công ty này sẽ bị điều tra quyết liệt hơn”, giáo sư Mak Yuen Teen của Trung tâm Bảo vệ Nhà đầu tư thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận xét.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích, tâm lý tiêu cực xoay quanh Adani Group cũng đã lan sang các tập đoàn khác của Ấn Độ. Sau khi bản cáo trạng của Adni được công bố, Vedanta Resources, hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và dầu khí, đã phải hủy đợt phát hành trái phiếu bằng USD dù chỉ còn một tuần trước thời điểm dự kiến.
Vedanta cuối cùng phải chấp nhận phát hành 800 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 3,5 năm và 7 năm với lãi suất lần lượt là 10,25 và 11,25%.
“Lãi suất trái phiếu cao hơn phản ánh tâm lý thận trọng của thị trường. Vẫn còn quá sớm để xác định những tác động toàn diện từ cuộc khủng hoảng Adani. Tuy nhiên, việc Vedanta huy động vốn thành công cũng phản ánh niềm tin của nhà đầu tư”, Shweta Rajani, giám đốc phụ trách các quỹ tương hỗ tại công ty Anand Rathi Wealth của Ấn Độ nhận xét.
“Ấn Độ có rất nhiều doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và tin tưởng. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi cho rằng thông điệp sẽ là tin tưởng nhưng phải xác minh”, ông Rajan của Create Research nhận định.
Theo: Nikkei