Khủng hoảng chồng chéo ở nơi từng là "Paris của Trung Đông": Mất điện kéo dài khiến người dân sống trong bóng tối và ngộ độc, chính phủ cạn tiền để mua nhiên liệu

13/10/2021 21:22 PM | Kinh doanh

Khủng hoảng nhiên liệu chỉ là một trong số nhiều cuộc khủng hoảng mà Lebanon đối mặt hàng ngày: khủng hoảng kinh tế, mất nước, mất điện hàng ngày, khủng hoảng ngành ngân hàng, thiếu lương thực, bệnh viện quá tải và giá đồng nội tệ biến động mạnh.

Khủng hoảng điện không cuộc phải khủng hoảng duy nhất

Cuối tuần trước, toàn bộ Lebanon đã chìm trong cảnh mất điện hoàn toàn. 6 triệu người dân của quốc gia này phải sống trong cảnh mất điện trong 24 giờ. Công ty điện lực của nước này cho biết, việc đóng cửa 2 nhà máy điện chính và thiếu nhiên liệu đã "ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định hệ thống điện."

Cuối ngày Chủ nhật, hệ thống điện hoạt động bình thường trở lại sau khi NHTW Lenbanon cấp cho Bộ năng lượng khoản vay 100 triệu USD để mua nhiên liệu và duy trì hoạt động của nhà máy. Trước đó, giới chức nước này cảnh báo tình trạng mất điện có thể kéo dài vài ngày.

Tình trạng thiếu khí đốt cũng đang xảy ra với Anh và phần còn lại của châu Âu. Giá nhiên liệu tăng cao đã gây ra tình trạng mua trong hoảng loạn và hành vi bất thường của nhiều người khi phải đối diện với sự thiếu hụt bất thường.

Song, đối với Lebanon, vấn đề này đã kéo dài suốt nhiều tháng và là một trong số nhiều cuộc khủng hoảng mà quốc gia này đối mặt hàng ngày: khủng hoảng kinh tế, mất nước, mất điện hàng ngày, khủng hoảng ngành ngân hàng, thiếu lương thực, bệnh viện quá tải và giá đồng nội tệ biến động mạnh.

Đi bộ qua thủ đô Beirut - thành phố từng được mệnh danh là "Paris của Trung Đông", vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng đóng cửa hoặc kinh doanh trong bóng tối. Chỉ những người may mắn có khả năng mua nhiên liệu mới sử dụng máy phát điện.

Khi mất điện, nhiều chủ cửa hàng sẽ không bán đồ gì ngoài nước, vì giá trị của đồng lira Lebanon biến động từng phút. Do đó, giá hàng hóa có thể thay đổi theo diễn biến của… điện.

Hàng trăm doanh nghiệp đã bị phá hủy trong vụ nổ cảng Beirut kinh hoàng vào tháng 8/2020 và họ cũng không hoạt động trở lại. Với sự trợ giúp yếu ớt từ nhà nước, những quán bar, cơ sở kinh doanh tan hoang với rác chất đống vẫn không có gì thay đổi ở khắp thành phố.

"Thực sự là một thảm hoả", Rabih Daou - chủ một cửa hàng tạp hóa ở quận Geitawy của Beirut, trả lời phỏng vấn với CNBC vào một ngày cuối tháng 9, khi đó bầu trời tối đen và là một trong nhiều ngày họ chịu cảnh mất điện. Anh chỉ vào những kệ tủ trống rỗng và chỉ có 1 chiếc tủ lạnh đang chạy đựng một số đồ làm từ sữa.

Khủng hoảng chồng chéo ở nơi từng là Paris của Trung Đông: Mất điện kéo dài khiến người dân sống trong bóng tối và ngộ độc, chính phủ cạn tiền để mua nhiên liệu  - Ảnh 1.

Cửa hàng của Daou chỉ còn 1 tủ lạnh hoạt động.

Anh nói: "Chúng tôi không thể mua nhiều đồ. Chúng tôi không thể mua phô mai, jambon và phải mua từng miếng nhỏ vì không phải lúc nào cũng có điện. Mọi người luôn sợ hãi."

Hậu quả ít được nhắc đến của cuộc khủng hoảng năng lượng và nhiên liệu ở Lebanon là những trường hợp ngộ độc thực phẩm trên diện rộng. Tình trạng này diễn ra khi các cửa hàng tạp hoá, nhà hàng và hộ gia đình không thể bảo quản đồ ăn vì mất điện ngay trong mùa hè.

Điều gì đã đẩy Lebanon rơi vào tình thế tồi tệ đến vậy?

Các lãnh đạo đảng phái tham nhũng trong nhiều thập kỷ và chế độ quân chủ từ những ngày diễn ra cuộc nội chiến 1975-1990 đã tàn phá hệ thống tài chính và dịch vụ công của Lebanon. Trong nhiều năm, tình trạng mất điện diễn ra là do sai lầm trong cách quản lý.

Tuy nhiên, người dân đã quen với điều này. Nhiều người có đủ khả năng đã mua máy phát điện để duy trì nguồn điện, trong đó có nhiều doanh nghiệp. Tình trạng mất điện là điều họ đoán trước được và thường không kéo dài.

Kể từ khi tình trạng thiếu nhiên liệu trên toàn quốc xuất hiện vào đầu mùa hè, cả các máy phát điện dự phòng không phải lúc nào cũng có thể hoạt động. Do thiếu xăng, nhiều người dân không thể dùng ô tô và một số địa điểm bán xăng đã chứng kiến hàng dài người xếp hàng, đôi khi mọi thứ còn tồi tệ hơn vì tài xế bỏ xe lại và gây gổ.

Lebanon nhập khẩu hơn 80% thực phẩm và hàng hoá, bao gồm cả nhiên liệu. Tình trạng buôn lậu nhiên liệu đến Syria của các nhóm Hezbolla, cùng nhiều doanh nghiệp khác đã diễn ra. Họ mang đến thị trường chợ đen để bán với giá cao hơn, do đó làm giảm nguồn cung trong nước và đẩy giá lên cao.

Hơn nữa, NHTW Lebanon cũng đang hạn chế nhập khẩu nhiên liệu vì họ đang cạn kiệt dự trữ USD, sau thời gian sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế. NHTW cũng chậm trễ trong việc mở rộng hạn mức tín dụng cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu và trạm xăng, hiện cũng ngừng trợ cấp đối với dầu diesel.

Bởi vậy, nhiều người trong số 6 triệu dân của Lebanon không thể mua được hàng hoá. 78% trong số đó đã rơi vào cảnh nghèo đói trong 2 năm qua ở một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất của thời kỳ hiện đại, theo WB.

Đồng tiền tệ không ổn định

Tỷ giá hối đoái chính thức của đồng lira Lebanon đã được neo ở mức 1.500 lira/USD kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, tỷ giá ở thị trường chợ đen lại là 13.000-18.000/USD vào tháng 9. Hiện tại, đồng tiền này đang giao dịch quanh mức 19.250.

Marwan Sweidan sở hữu một cửa hàng kem nổi tiếng ở Beruit. Anh chia sẻ rằng mình rất may mắn khi có đủ tiền mua nhiên liệu cho máy phát điện. Nếu không có nhiên liệu, anh không thể bảo quản hàng hóa và công việc kinh doanh bị ngưng trệ. Nhưng để làm được việc này, anh cần USD.

Khủng hoảng chồng chéo ở nơi từng là Paris của Trung Đông: Mất điện kéo dài khiến người dân sống trong bóng tối và ngộ độc, chính phủ cạn tiền để mua nhiên liệu  - Ảnh 2.

Một trạm xăng bị sập sau vụ nổ năm ngoái nhưng vẫn chưa được sửa lại.

Sweidan cho hay: "Bạn có thể mua dầu diesel nhưng phải trả bằng USD. Mức giá có thể là 600 USD/tấn, chi phí tăng lên rất nhiều và khiến mọi thứ khó khăn hơn." Đây là lần đầu tiên chính phủ Lebanon định giá hàng hóa bằng USD.

Antonella Hajj Nicolas - sinh viên ngành vật lý, đã mất hàng giờ ở cửa hàng cafe SmushKies vì nơi này có điện. Cô kể lại: "Từ tối ngày hôm qua, nhà tôi đã mất điện và máy phát cũng không hoạt động."

Người dân không còn tiền tiết kiệm

Lebanon là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất thế giới. Kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu vào 2 năm trước vì không trả được khoản nợ khổng lồ, nền kinh tế bắt đầu "rơi tự do".

Các chính phủ và tổ chức cam kết viện trợ cho quốc gia này vẫn chưa thực hiện do thiếu niềm tin vào khả năng của họ trong việc thực hiện cải cách, ngăn chặn tham nhũng. Ngoài ra, giới chức phương Tây cũng lo ngại về viễn cảnh bất ổn thêm trầm trọng do nhiều đảng phái chính trị và quân sự có vũ trang đang hoạt động.

Các cuộc biểu tình ở Lebanon đã diễn ra từ năm 2019 khi đồng nội tệ rớt giá mạnh và mất 90% giá trị. Người gửi tiền thậm chí còn bị khóa tài khoản nội tệ. Trong khi đó, người gửi tiền bằng đồng lira lại mất sạch tiền tiết kiệm.

Dede el Hayek - người sở hữu một quán đồ ăn vặt ở Beirut, chỉ ngồi trong cửa hàng tối om, thỉnh thoảng trò chuyện với hàng xóm. Vì không thể mua nhiên liệu để chạy máy phát điện, chị đã phải đóng cửa hàng. El Hayek chia sẻ: "Tôi không có đủ tiền để chạy máy phát điện. Tôi cũng không còn có thể kinh doanh kể từ 3 tháng trước."

Tham khảo CNBC

Theo Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM