Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể tăng trưởng chững lại năm 2025

09/10/2024 20:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng chung của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự báo đạt mức 4,8% trong năm nay, nhưng sẽ chỉ còn 4,4% vào năm 2025.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế bản cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến mức tăng trưởng tốt hơn so với các khu vực khác trên toàn cầu, nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và có thể chững lại trong năm tới.

Theo WB, tăng trưởng chung của khu vực dự báo đạt mức 4,8% trong năm nay, nhưng sẽ chỉ còn 4,4% vào năm 2025. Nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn gặp nhiều thách thức với tăng trưởng trong năm tới bất chấp một loạt chính sách kích thích kinh tế mà nước này vừa công bố. Trong các nền kinh tế lớn khác của khu vực, chỉ có Indonesia duy trì được tăng trưởng bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch.

Dù vậy, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ là động lực chính cho kinh tế toàn cầu thời gian tới nhờ cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi mạnh, cũng như du lịch tăng trưởng trở lại.

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể tăng trưởng chững lại năm 2025- Ảnh 1.

Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trong buổi họp báo công bố báo cáo, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định có ba yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng khu vực trong thời gian tới, bao gồm sự dịch chuyển trong thương mại và đầu tư, xu hướng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và bất ổn gia tăng trong chính sách toàn cầu.

Yếu tố đầu tiên là căng thẳng thương mại. Điều này đang tạo cơ hội để các quốc gia như Việt Nam mở rộng vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” các đối tác thương mại lớn.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn gần 25% so với các điểm đến khác trong giai đoạn 2018-2021.

Thứ hai, các quốc gia trong khu vực được hưởng lợi từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, nhưng động lực này đang dần suy yếu.

Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng chậm hơn so với tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhập khẩu chỉ tăng 2,8% trong bảy tháng đầu năm nay so với mức gần 6% mỗi năm của thập kỷ trước.

Thứ ba, bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế EAP. Ngoài những bất ổn địa chính trị, sự bất định về chính sách kinh tế cũng có thể khiến sản xuất công nghiệp giảm và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Báo cáo cũng xem xét cách các quốc gia trong khu vực tận dụng công nghệ mới để tiếp tục tạo việc làm. Robot công nghiệp, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM