Không riêng xe đạp in 3D của Lê Diệp Kiều Trang, còn nhiều dự án gọi vốn cộng đồng thành công triệu đô trên Indiegogo nhưng vẫn thất bại thảm hại
Cam kết ra mắt sản phẩm nhưng rồi cứ trì hoãn từ năm này sang năm khác, đôi khi còn "lặng lẽ biến mất".
Năm 2020, giữa đại dịch Covid-19, vợ chồng doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang - Sonny Vũ gây tiếng vang trong giới startup khi gọi vốn hàng chục triệu USD cho dự án Superstrata.
Superstrata được giới thiệu là dự án xe đạp in 3D nguyên khối carbon đầu tiên trên thế giới. Dự án này đã gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD từ cộng đồng trên Indiegogo và 25 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Hiện tại, dự án Superstrata đã thất bại, do nhiều lý do mà theo bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ như ảnh hưởng từ giãn cách trong dịch Covid, khó khăn của thị trường tài chính thế giới, sản phẩm của dự án vẫn đang ở giai đoạn R&D...
Kickstarter và Indiegogo là hai trong số nhiều nền tảng gây vốn cộng đồng khá nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải dự án nào gọi vốn xong cũng thực hiện thành công. Người góp vốn đôi khi phải chấp nhận rủi ro là dự án sẽ không đi đến đâu và bản thân nền tảng cũng không thể cam kết.
Theo thống kê của Kickstarter, khoảng 9% các dự án vẫn thất bại sau khi gọi vốn thành công trên nền tảng này. Những người góp vốn không nhận được sản phẩm tốt như đã hứa hẹn hoặc tệ hơn là không nhận lại được gì. Trên Indiegogo, tỉ lệ thất bại có phần cao hơn vì chủ yếu liên quan tới các sản phẩm công nghệ mới.
Dưới đây là một vài dự án nổi tiếng vì kêu gọi được số vốn lớn ngoài mong đợi nhưng vẫn thất bại vì nhiều nguyên do.
1. Ba lô thông minh iBackPack
- Nền tảng gọi vốn: Indiegogo
- Gọi vốn từ năm: 2015
- Kêu gọi được: 720.000 USD từ 4.041 người.
iBackPack là chiếc ba lô thông minh tích hợp nhiều tính năng phục vụ cho iPhone khi di chuyển, ví dụ như: sạc pin, cung cấp WiFi, 3G, 4G, bluetooth, vân vân, với dung tích vô cùng rộng rãi để chứa đồ bên trong.
Một thời gian sau khi gọi vốn thành công, iBackPack bỗng dưng trở nên im hơi lặng tiếng. Các video sản phẩm trên YouTube bị gỡ xuống. Những người đã góp vốn không còn nhận được bất cứ thông tin cập nhật nào về chiếc ba lô này nữa.
Chiếc ba lô đầu tiên dự kiến được xuất xưởng vào tháng 3 năm 2016 nhưng bị trì hoãn tới tháng 12. Sang đến tuần đầu tiên của năm 2017, các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy bồn chồn.
Công ty làm ra iBackPack tuyên bố dự án đang gặp khó khăn vì không tìm được loại pin sạc an toàn. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư thắc mắc rằng loại pin định sử dụng ban đầu đâu có vấn đề gì. Sự thiếu minh bạch trong thông tin của iBackPack đã khiến nhiều người cảm thấy mình như bị lừa. Dự án cứ thế lặng lẽ "biến mất tăm" và cho tới nay không có dấu hiệu gì là sẽ quay trở lại.
2. Bàn chải đánh răng Amabrush
Amabrush là bàn chải tự động có hình dạng như một chiếc khuôn. Bạn chỉ cần lắp chiếc bàn chải này vào hàm răng và nhấn nút, nó sẽ chải sạch toàn bộ hàm răng cùng một lúc chỉ trong mười giây, tiết kiệm vô khối thời gian và công sức.
Dù kêu gọi được số vốn khá cao, Amabrush vẫn thất bại vì công ty không thể tìm được một nhà sản xuất nào ở châu Âu với mức giá hợp lý. Họ cũng đã thử làm việc với các nhà sản xuất bên châu Á nhưng chất lượng quá thấp. Dự án không thể tiếp tục, chủ sở hữu của Amabrush phải nộp đơn xin phá sản.
3. Dao cạo râu laser Skarp
- Nền tảng gọi vốn: Indiegogo và Kickstarter
- Gọi vốn từ năm: 2015
- Kêu gọi được: 4.000.000 USD từ 20.632 người (Kickstarter) và 500.000 USD từ 2.438 người (Indiegogo)
Skarp là một loại dao cạo thông minh, sử dụng tia laser thay vì lưỡi lam thông thường. Công ty Skarp Technologies giải thích nguyên lý hoạt động của nó như sau: râu, tóc người có chứa chromophore, có thể khiến các nang tóc bị cắt đứt khi tiếp xúc với một bước sóng ánh sáng nhất định nào đó.
Nghe có vẻ tuyệt vời nhưng mẫu thử nghiệm của Skarp hoàn toàn không hoạt động như mong đợi và kém xa các loại dao cạo lưỡi lam thông thường. Công nghệ sạc năng lượng cho Skarp cũng không được mô tả rõ ràng. Cuối cùng, dự án đã bị Kickstarter đóng cửa (Funding Suspended) vì vi phạm các quy tắc liên quan tới mẫu thử nghiệm của nền tảng.
Bị đóng cửa trên Kickstarter, Skarp chuyển sang Indiegogo và lại gây quỹ thành công ngoài mong đợi, đạt được 500.000 USD so với mục tiêu 160.000 USD. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, dự án vẫn được Indiegogo đánh dấu là "đang xem xét" ("under review") với tình trạng "Suspended". Lần cập nhật cuối cùng của chủ dự án là vào tháng 3 năm 2022 với tuyên bố: " Đã năm năm kể từ lần cập nhật cuối cùng, trong năm nay chúng tôi sẽ dành thời gian để tiếp tục nghiên cứu giải pháp nhằm biến ý tưởng thành hiện thực ". Từ đó đến nay, không có thêm bất cứ thông tin nào nào nữa và các nhà đầu tư đã xác định "coi như mất tiền".
4. Xe ba bánh Elio Motors
- Nền tảng: StartEngine, CrowdfundX, v.v.
- Gọi vốn từ năm: 2014
- Kêu gọi được: 17.000.000 USD từ 65.000 người trong lượt kêu gọi đầu tiên.
Elio Motors dự định cho ra mắt chiếc xe điện ba bánh tiết kiệm nhiên liệu vào năm 2014. Lời hứa này sau đó được trì hoãn tới năm 2015 rồi năm 2016, mặc dù trước đó công ty đã cho ra mắt công chúng một nguyên mẫu chạy được.
Vào cuối tháng 9 năm 2017, Elio Motors đã phá sản. Bảng cân đối kế toán của công ty cho thấy tài sản ngắn hạn chưa đến 5 triệu đô la nhưng nợ ngắn hạn đã vượt quá 30 triệu.
Elio Motors đã tiêu hết tiền của các nhà đầu tư chỉ trong vài tháng, chủ yếu chi cho các "chi phí mềm" như hành chính và R&D.
5. Đồng hồ siêu mỏng CST-01
- Nền tảng: Kickstarter
- Gọi vốn từ năm: 2013
- Kêu gọi được: 1.026.292 USD từ 7.658 người.
CST-01 được giới thiệu là chiếc đồng hồ mỏng nhất thế giới, chỉ dày 0,8 mm, gồm một màn hình điện tử trên một miếng thép không gỉ có thể quấn quanh cổ tay người đeo. Chiếc đồng hồ được thiết kế siêu tối giản, không hề có nút bấm, người dùng có thể chỉnh đồng hồ từ một thiết bị rời đi kèm.
Tuy nhiên, công ty sở hữu trì hoãn việc ra mắt chiếc đồng hồ hết lần này tới lần khác. Các thông tin cập nhật trên Kickstarter của công ty sở hữu cho thấy quá trình sản xuất gặp nhiều vấn đề kỹ thuật, cụ thể là không thể tìm được loại pin đáp ứng được thiết kế siêu mỏng và tối giản của sản phẩm.
Sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, công ty nộp đơn xin phá sản. Những người góp vốn không nhận lại được đồng nào.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của các dự án này sau khi đã gọi được vốn, ví dụ như định giá không hợp lý với giá bán quá rẻ, người tạo ra dự án thiếu kinh nghiệm, sai thời điểm, thực hiện vội vàng, công nghệ bất khả thi hoặc thậm chí là lừa đảo.
Tham khảo từ: Digitaltrends, Kickstarter, Indiegogo, Techcrunch