Không phải OPPO/Vivo hay Xiaomi, mới chỉ có Huawei là ngấp nghé ở đẳng cấp của Apple và Samsung mà thôi

05/07/2018 19:06 PM | Kinh doanh

...đáng tiếc rằng ngay cả sự lựa chọn sáng giá nhất cũng chưa được sáng giá cho lắm.

Ngay cả khi World Cup vẫn đang sục sôi từng ngày, thế giới hi-tech vẫn khó có thể bỏ qua một sự kiện quan trọng: Xiaomi “lên sàn” và tất cả những “drama” đi kèm. Từ nỗ lực bất thành nhằm IPO cả tại Hong Kong và Đại Lục, từ mức giá trị thị trường bị giảm từ 100 tỷ USD xuống còn 60-70 tỷ USD cho đến dấu ấn của các tỷ phú như Jack Ma và Ma Huateng, vụ IPO của Xiaomi hứa hẹn sẽ là sự kiện đáng nhớ nhất của cả Trung Quốc lẫn thế giới trong vòng nhiều năm đổ lại.

Nếu như Xiaomi có IPO để thì OPPO/Vivo cũng có cách để thu hút sự chú ý của riêng mình. Tại World Cup 2018, Vivo cho đăng tải ngập tràn các mẩu quảng cáo dành cho NEX, mẫu smartphone có camera thò thụt đầu tiên trên thế giới. Người anh em cùng một nhà là OPPO cũng chẳng kém cạnh: sử dụng cùng một cơ chế “thò thụt”, OPPO tạo ra hẳn một mẫu smartphone có cơ chế camera đóng/mở cỡ lớn và mức giá... 1000 Euro.

Quả thật, sẽ là không quá khi nói rằng các sự kiện của Xiaomi và OPPO/Vivo đang góp phần đưa smartphone Trung Quốc tiến vào một chương mới. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng 2 hãng này xứng đáng là đại diện cho smartphone Trung Quốc tiến vào một cuộc chiến sòng phẳng với Apple và Samsung.

Không phải OPPO/Vivo hay Xiaomi, mới chỉ có Huawei là ngấp nghé ở đẳng cấp của Apple và Samsung mà thôi - Ảnh 1.

Thiết kế mang tính "nhái" rõ rệt như vậy có thể mang đến "đẳng cấp"?

Tại sao ư? Hãy nhìn vào Apple và Samsung. Năm 2016, Apple bỏ cổng tai nghe và ngay lập tức phần lớn thế giới smartphone cũng bỏ luôn cổng này. Năm 2017, thiết kế màn vát của Galaxy S7 trở thành tiêu chuẩn copy cho rất nhiều mẫu smartphone đình đám. Cuối năm đó, Apple ra mắt chiếc X tai thỏ - một loại thiết kế có thể coi là không hoàn hảo. Nhưng ngay sau đó, một loạt smartphone tai thỏ ra đời từ cả Xiaomi, OPPO/Vivo (và người anh em OnePlus) cho đến LG hay Nokia.

Đây mới chỉ là một vài sự kiện bề nổi, nhưng bản chất của thị trường chỉ có một: sức ảnh hưởng của Apple và Samsung vẫn bao trùm lên toàn bộ ngành công nghiệp smartphone. Các cột mốc lớn của Xiaomi hay OPPO/Vivo có thể cho phép các hãng này bước vào top 5 thế giới về sản lượng, nhưng để định hình tương lai hay để thu lợi nhuận khủng (Apple thường chiếm trên 80%, Samsung chiếm trên 30% lợi nhuận smartphone thế giới) là một câu chuyện khác hoàn toàn.

Không phải OPPO/Vivo hay Xiaomi, mới chỉ có Huawei là ngấp nghé ở đẳng cấp của Apple và Samsung mà thôi - Ảnh 2.

OPPO/Vivo và Xiaomi chưa bao giờ có ảnh hưởng lên thị trường về công nghệ hay thiết kế.

Vậy Trung Quốc có đại diện nào có thể đứng chung một đẳng cấp với Apple và Samsung. Công bằng mà nói, mới chỉ có Huawei. 3 năm trước, gã khổng lồ này đã từng gây sốc khi trở thành một trong những tên tuổi tiên phong cho trào lưu camera kép (trước Apple, sau HTC và cùng một khoảng thời gian với LG). Huawei cũng là một trong số rất ít các hãng smartphone có thể tự thiết kế chip dựa trên nền ARM thay vì dùng Snapdragon hay Helio. Đặc biệt, năm vừa qua, Huawei cũng đứng luôn vào cùng đẳng cấp với Google khi tự tạo ra bộ xử lý AI chuyên biệt cho Mate 10 Pro.

Có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng Xiaomi hay OPPO/Vivo không bao giờ có thể đạt được những thành quả tương tự. Hai hãng này vẫn phụ thuộc quá nhiều vào các model mang tính chất là... hàng nhái của Apple. Họ gần như luôn bám đuổi về tính năng với các hãng khác chứ chẳng mấy khi tự sáng tạo ra thứ gì mới mẻ. Và khi họ thực sự sáng tạo, phản hồi của thị trường gần như là rất èo uột. Gần như ai cũng chê phần camera đặt ở cạnh dưới màn hình của Xiaomi, còn camera thò thụt của Vivo/OPPO chưa lên kệ đã đem đến vô số lo ngại về độ bền (Vivo khẳng định Nex có thể “thò thụt” chỉ khoảng 50.000 lần).

Không phải OPPO/Vivo hay Xiaomi, mới chỉ có Huawei là ngấp nghé ở đẳng cấp của Apple và Samsung mà thôi - Ảnh 3.

Huawei đã có những bước tiến nhất định về mặt công nghệ.

Song tất cả những điều này cũng không cho phép đại diện sáng giá nhất của Trung Quốc có thể trở thành một đối thủ thực sự sáng giá. Hiện tại, Huawei cũng đang có quá nhiều model mang tính chất “học hỏi”, mà điển hình nhất là P20 mang “tai thỏ” theo kiểu Táo. Trên khía cạnh phần mềm, Huawei cũng vẫn bị chê tơi bời như tất cả các hãng smartphone Trung Quốc khác. Đặc biệt, Huawei cũng mắc phải một sai lầm tối kỵ, đó là khoe sớm mà không làm được với phần camera 3D được công bố sau Apple chỉ 1 tháng nhưng đến nay vẫn mất tăm mất tích.

Muốn thực sự tỏa sáng, Huawei chắc chắn sẽ phải thay đổi. Để chinh phục người dùng vốn đang ngày một dư dả và ngày một khó tính, Huawei sẽ phải cố gắng hết sức để rũ bỏ những chiêu trò PR nực cười, sẽ phải hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Đến khi nào rũ bỏ hết được những điểm yếu cố hữu của smartphone Trung Quốc, có lẽ Huawei sẽ thực sự trở thành hãng smartphone Trung Quốc duy nhất có thể sánh vai với Apple và Samsung.

Theo Liam

Từ khóa:  xiaomi
Cùng chuyên mục
XEM