Không phải Hoa Đà, vậy thì ai mới là "thần y" từng nạo xương trị độc cho Quan Vũ?

03/09/2019 19:43 PM | Sống

Hầu hết các cứ liệu lịch sử đều khẳng định Hoa Đà đã qua đời trước thời điểm Quan Vũ trúng tên độc tới 11 năm. Vậy ai mới là vị "thần y" đứng sau màn nạo xương trị độc cho vị tướng uy chấn Hoa Hạ này?

Giờ đây mỗi khi nhắc tới danh tác nổi tiếng là "Tam Quốc diễn nghĩa", nhiều người vẫn thường nhớ tới không ít những tình tiết đã trở thành kinh điển. Chi tiết Quan Vân Trường được Hoa Đà nạo xương trị độc cũng là một trong số đó.

Tuy nhiên điều đáng nói lại nằm ở chỗ, không ít người vẫn thường hoài nghi về tính chân thực của chi tiết này so với chính sử.

Liệu rằng người giúp Quan Vũ nạo xương trị độc có thực sự là thần y Hoa Đà nổi tiếng hay không? Hay phải chăng đó chỉ là một chi tiết được sáng tạo nên bởi ngòi bút của La Quán Trung, còn nhân vật thực sự có công cứu vị tướng họ Quan lại là một người khác?

Và nếu nhân vật này không phải là Hoa Đà thì ai mới là người có đủ khả năng để cứu sống Quan Vân Trường khỏi vết thương hung hiểm năm ấy?

Hoa Đà nạo xương trị độc cho Quan Vũ: Chi tiết kinh điển của "Tam Quốc diễn nghĩa"

Không phải Hoa Đà, vậy thì ai mới là thần y từng nạo xương trị độc cho Quan Vũ? - Ảnh 1.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.


Về tình tiết Quan Vũ được nạo xương trị độc, hồi thứ 75 của tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" từng miêu tả như sau.

Bấy giờ, Quan Vân Trường đã thành công dùng kế khiến nước ngập bảy quân, bắt Vu Cấm, trảm Bàng Đức, tuy nhiên khi đang tấn công Phàn Thành thì lại bị lính của Tào Nhân bắn cung làm bị thương.

Điểm đáng nói là vết thương của Quan Vân Trường khi ấy hết sức nguy hiểm, bởi mũi tên ghim vào cánh tay ông lại có tẩm độc.

Về chi tiết này, "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả:

"Bấy giờ Quan Công đau cánh tay nặng lắm, nhưng sợ bụng quân xôn xao, phải cố gượng ngồi đánh cờ với Mã Lương cho tiêu khiển".

Vào thời điểm Hoa Đà tới nơi chữa trị, chất độc nói trên đã ngấm vào xương, nếu không chữa nhanh thì cánh tay có thể bị phế đi hoàn toàn.

Trước thái độ "coi cái chết nhẹ tựa lông hồng" của Quan Vân Trường, vị thần y ấy liền đưa ra một chủ ý táo bạo:

"Đà nói:

- Phải tìm một chỗ yên tĩnh, chôn một cái cột, trên cột đóng một cái vòng sắt, rồi ngài xâu cánh tay vào cái vòng ấy, lấy dây buộc chặt lại rồi đem chăn trùm kín đầu đi, để tôi dùng dao nhọn rạch chỗ thịt ấy tới xương, cạo sạch chất độc, rịt thuốc vào và khâu lại, có thế mới chữa được khỏi ngay […]".

Không phải Hoa Đà, vậy thì ai mới là thần y từng nạo xương trị độc cho Quan Vũ? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Trước ý tưởng chữa bệnh táo bạo và liều lĩnh ấy, Quan Công chỉ cười và thản nhiên nói:

" Tưởng thế nào, chứ dễ như thế thì can gì phải dùng đến cột với vòng sắt".

Và ngay sau khi màn "phẫu thuật" liều lĩnh ấy hoàn thành, Quan Vân Trường liền cười to một tiếng và nói rằng:

"Cánh tay này co duỗi như thường rồi, không thấy đau nữa, tiên sinh quả là thần y!".

Thái độ điềm nhiên ấy của Quan Công khiến cho ngay tới Hoa Đà cũng phải cảm thán:

"Tôi đi chữa thuốc một đời người, chưa thấy gan như thế, quân hầu quả thực là người nhà trời".

Dưới sức ảnh hưởng của "Tam Quốc diễn nghĩa", sự việc Quan Vũ được Hoa Đà nạo xương trị độc đã trở thành một trong những tình tiết kinh điển.

Thế nhưng cho tới ngày nay, tính chân thực của sự kiện này vẫn là một trong những chủ đề gây tranh cãi đối với hậu thế.

Sự thật phía sau màn "đại phẫu" của Quan Vũ: Thần y phía sau không phải Hoa Đà!

Không phải Hoa Đà, vậy thì ai mới là thần y từng nạo xương trị độc cho Quan Vũ? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Theo nhận định của tờ báo Sohu (Trung Quốc), đánh giá từ góc độ của y học hiện đại mà nói, những giải phẫu liên quan tới xương nếu không được tiến hành trong điều kiện đạt chuẩn và không có thuốc mê thì người bình thường sẽ phải chịu đau đớn tới mức chết đi sống lại.

Tuy nhiên vì Quan Công là một nhân vật được xem như bậc thánh thần, nên việc ông chịu được nỗi đau thấu xương nói trên cũng là một điều có thể hiểu được.

Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, đại phẫu về xương vốn ẩn chứa rất nhiều biến chứng, đặc biệt là nguy cơ mất mạng vì xuất huyết quá nhiều. Hơn nữa dù cho quá trình phẫu thuật có diễn ra thành công thì người bệnh cũng không thể khôi phục bình thường ngay lập tức như trong miêu tả của diễn nghĩa.

Điểm trọng yếu hơn còn nằm ở chỗ, căn cứ theo ghi chép của các cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, sự kiện Quan Vũ bị thương diễn ra vào năm 219. Điều vô lý lại nằm ở chỗ, Hoa Đà từ năm 209 đã vì chữa bệnh cho Tào Tháo mà bị nhân vật này xử tử, đồng nghĩa với việc vị thần y ấy đã mất trước khi Quan Vũ trúng tên tới… 11 năm.

Vì vậy nếu căn cứ theo chính sử thì việc Hoa Đà là người giúp Quan Vũ nạo xương trị độc vốn là chuyện không thể nào.

Không phải Hoa Đà, vậy thì ai mới là thần y từng nạo xương trị độc cho Quan Vũ? - Ảnh 4.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.


Vậy liệu rằng màn chữa bệnh đầy táo bạo của Quan Vũ năm xưa có thực sự diễn ra hay không? Phải chăng đây cũng chỉ là một trong những tình tiết hư cấu do La Quán Trung sáng tạo?

Nếu dựa theo "Tam Quốc chí" thì màn chữa thương này quả thực đã từng được ghi lại, nội dung về cơ bản đồng nhất với diễn nghĩa, chỉ có điều người chữa thương lại không được đề cập về tên họ.

Theo suy luận thông thường, nếu quả thực người phẫu thuật cho Quan Công năm ấy là Hoa Đà, vậy "Tam Quốc chí" không có lý do gì mà không ghi lại danh tính của vị thần y nổi tiếng này.

Từ những luận điểm nói trên, có thể khẳng định việc Quan Vũ nạo xương trị độc là có thật, thế nhưng người chữa trị giúp ông lại không phải Hoa Đà mà là một nhân vật bí ẩn khác.

Thông qua ghi chép của các nguồn sử liệu, cuốn y tịch "Thanh nang kinh" của Hoa Đà năm xưa đã bị thiêu hủy trước khi kịp truyền ra ngoài. Vì vậy y học của ông vào thời điểm đó vốn không thể được truyền bá rộng rãi cho người ngoài mà chỉ được tiếp thu và kế thừa bởi số ít các học trò có tiếng tăm.

Trong số đó, Ngô Phổ là người kế thừa "Ngũ cầm hý", A Phàn kế thừa thuật châm cứu, còn Lý Đương tinh thông về cách dùng thuốc, sau còn vào làm quân y cho Tào Ngụy.

Như vậy, người đã từng giúp Quan Vũ nạo xương trị độc rất có thể là Lý Đương. Bởi nhân vật ấy cũng là học trò hiếm hoi có khả năng hơn cả trong việc kế thừa phương pháp giải phẫu ngoại khoa của Hoa Đà.

Đó là chưa kể tới việc vào thời bấy giờ, thuốc mê ma phí tán cũng đã được hoàn thiện tương đối. Điều này càng tạo điều kiện thuận lợi giúp Lý Đương tiến hành giải phẫu.

Hơn nữa theo một vài sử tịch ghi lại, Lý Đương lúc sinh thời sống rất thọ. Do đó nếu xét về mặt thời gian, ông cũng là người có khả năng chữa bệnh cho Quan Vũ hơn cả.

Không phải Hoa Đà, vậy thì ai mới là thần y từng nạo xương trị độc cho Quan Vũ? - Ảnh 5.

Nếu người từng cứu Quan Công quả thực là Lý Đương, vậy tại sao tác giả La Quán Trung lại đem phần công lao to lớn này gán cho một người đã khuất như Hoa Đà?

Theo ý kiến của Sohu, Hoa Đà từ sớm đã được người đời công nhận là bậc thần y. Với sức ảnh hưởng như vậy, việc ông có được khả năng chữa bệnh bằng phương pháp phẫu thuật tân tiến và hiệu quả vượt thời đại cũng là điều dễ khiến mọi người tiếp nhận.

Điều trọng yếu hơn còn nằm ở chỗ, khi Hoa Đà chữa trị cho Quan Vũ, vị tướng này hết sức hợp tác, hơn nữa còn thiện chí hậu tạ rất hậu.

Điểm này hoàn toàn trái ngược với Tào Tháo – nhân vật từng vì không nghe theo ý kiến của Hoa Đà mà phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng của chính bản thân mình.

Vì vậy rất có thể tình tiết hư cấu nói trên cũng là một trong những mục đích của La Quán Trung trong việc xây dựng hình tượng của các nhân vật trong "Tam Quốc diễn nghĩa".

*Theo quan điểm của Sohu (Trung Quốc)


Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM