Không phải định giá thấp, những yếu tố quan trọng nào khiến 5 công ty Nhật Bản trở nên hấp dẫn với Warren Buffett đến vậy?
Theo Jeremy White – đến từ Baker McKenzie, trong khi khoản đầu tư mới nhất của tỷ phú Buffett dường như không có sự kiên định vốn có về việc hậu thuẫn những mô hình kinh doanh đơn giản, thì các tập đoàn Nhật Bản lại thu hút sự chú ý của Berkshire nhờ việc họ thực hiện nhiều thương vụ kinh doanh
Các "sogo sosha" của Nhật Bản – hay là các công ty thương mại kinh doanh nhiều lĩnh vực, sở hữu văn hóa khác biệt, thời kỳ cạnh trạnh khốc liệt và sự ám ảnh khi bị so sánh với các đối thủ. Một trong số đó là công ty đánh bắt cá ngừ vây xanh đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, một công ty vừa lắp đặt những chiếc xích đu ở vườn để giúp các giám đốc điều hành… thảnh thơi suy nghĩ; nơi khác lại từng đối mặt với một trong những bê bối thương mại tồi tệ nhất lịch sử. Công ty còn lại đặt bức tranh La Bella Simonetta của Botticelli bên ngoài phòng họp.
Kì lạ và khác biệt là vậy, nhưng trong tuần này, 5 công ty lớn nhất - Mitsubishi, Mitsui, Itochu, Marubeni và Sumitomo, đều sở hữu một điểm chung, đó là "có được" Warren Buffett với tư cách là cổ đông.
Việc một nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới đầu tư vào các công ty này đã đặt ra câu hỏi về bản chất chính xác đối với bản chất mô hình kinh doanh của họ - "giao thoa" giữa quỹ cổ phần tư nhân, kiếm lời chênh lệch giá, đầu tư mạo hiểm và quản lý tài sản.
Khi các nhà đầu tư ở Tokyo tìm hiểu thông tin về thương vụ đặt cược 6 tỷ USD, một số đã tự hỏi rằng liệu tỷ phú Warren Buffett có nhận thấy điểm tích cực nào trong một thị trường mà cho đến nay ông tham gia rất hạn chế hay không. Tatsuya Kikkawa – nhà phân tích của JPMorgan, cho hay: "Berkshire Hathaway cũng thực sự giống như một công ty thương mại (trading house)."
Trong khi đó, một số khác nghi ngờ rằng Warren Buffett có thể sẽ hối hận về lựa chọn của mình và đã đổ tiền vào một nhóm các công ty mà ông không nắm được diễn biến về hoạt động kinh doanh và họ có những điểm yếu mà ông không thể chỉ ra.
Trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản
Các công ty thương mại của Nhật Bản – một phần là những công ty đầu tư mạo hiểm, là những công ty đi đầu trong xu hướng toàn cầu hóa của quốc gia này. Các sản phẩm của họ trải dài trên toàn thế giới, từ ván trượt truyết, khăn lụa, bánh chuối cho đến siêu dự án thủy điện, nhà máy hóa chất và khai phá dầu khí.
Thông qua mức độ "phủ sóng" của họ ở mọi lĩnh vực – qua hàng nghìn công ty con và chi nhánh, cũng như việc họ lựa chọn những quốc gia để hoạt động, các doanh nghiệp này chính là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản. Một số trong đó – đặc biệt là Mitsubishi và Mitsui, đã hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau kể từ thế kỷ 19.
Vai trò của họ - từ đảm bảo hàng hóa cho một quốc gia nghèo tài nguyên cho đến tài trợ các dự án, đầu tư mạo hiểm, đã phát triển khá mạnh mẽ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, có một đặc điểm nổi bật đã tồn tại từ lâu: họ là những công ty giao dịch không ngừng nghỉ.
Trong 5 năm qua, 5 công ty này đã chi hơn 50 tỷ USD cho những thương vụ xuyên biên giới, theo Dealogic. Đối với các công ty lớn trong lĩnh vực tài chính, cả ở Nhật Bản và các nước khác, họ là những khách hàng quan trọng đối với những thương vụ làm ăn diễn ra liên tiếp và cần được chú ý thường xuyên.
Dẫu vậy, không phải toàn bộ những thương vụ đó đều thành công, một số giao dịch hàng hóa đã khiến họ phải cắt giảm lượng lớn tài sản. Nhưng rõ ràng rằng, họ có sự khác biệt trong cách tiếp cận so với phần còn lại của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ken Lebrun – thành viên ban lãnh đạo của công ty luật Davis Polk, nhận định: "Thực hiện các thương vụ là công việc của họ. Họ luôn điều chỉnh danh mục đầu tư và có thể làm điều đó mà không bị phụ thuộc vào cảm tính. Bán một công ty không phải là sự thất bại, mà chỉ là một phần của những gì họ làm."
Đối với các nhà quản lý quỹ - vốn đã dành nhiều năm để khuyên khuyên khách hàng rằng các công ty Nhật Bản nên được đánh giá lại ở mức cao hơn, thì động thái của Warren Buffett đã giúp họ được "minh oan". Thị trường chứng khoán nước này – có khoảng 1 nửa số công ty niêm yết đang giao dịch thấp hơn giá trị sổ sách, trong nhiều năm nay đã được các nhà môi giới coi là "thiên đường" đối với nhà đầu tư giá trị.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác – bao gồm cả những người làm việc tại các công ty thương mại này, việc đặt cược của vị tỷ phú lại là một bất ngờ lớn.
Dựa trên một số chỉ số, đây là một thương vụ rất hấp dẫn. Ngoại trừ Itochu, 4 công ty mà Warren Buffett đầu tư đang giao dịch ở mức thấp hơn giá trị sổ sách sau một đợt bán tháo mạnh khi đại dịch chạm đỉnh. Và bất chấp sự gián đoạn do Covid-19 gây ra, cả Mitsubishi và Sumitomo đều dự báo mức chi trả cổ tức vẫn cao và 4 trong 5 công ty này dự kiến vẫn có lãi.
John Vail – chiến lược gia trưởng tại Nikko Asset Management, cho hay: "Việc Warren Buffett lựa chọn các công ty này cho thấy sự tự tin của ông ấy vào khả năng quản trị và sự nhạy bén trong kinh doanh của họ."
Warren Buffett có thể tiếp cận với một loạt tài sản chất lượng
Các nhà phân tích cho biết, ngoài định giá và việc đặt cược vào sự hồi phục của giá hàng hóa toàn cầu, khoản đầu tư của Berkshire chính là một canh bạc. Warren Buffett đang đặc cược rằng việc trở thành cổ đông của 5 doanh nghiệp này sẽ giúp Berkshire tiếp cận với một loạt tài sản chất lượng mà các tập đoàn này đã mua lại – đôi khi là ở mức giá cao nhất. Cùng với đó là kết hợp với danh mục đầu tư đa dạng của riêng Berkshire mà gần đây đã mở rộng sang cả ngành năng lượng.
Thay vì rót tiền vào những doanh nghiệp sinh lời của các tập đoàn này – vốn tạo ra 1/5 doanh thu từ hàng hóa, thì việc đầu tư vào lĩnh vực này mang lại cho Berkshire nhiều lựa chọn hơn về những loại tài sản khác nhau mà họ sở hữu.
Itochu là công ty tích cực nhất trong việc mở rộng các lĩnh vực kinh doanh phi tài nguyên – ví dụ như thực phẩm và đồ may mặc. Họ sở hữu hãng thực phẩm đóng gói Dole Foods và các cơ sở kinh doanh sản phẩm tươi sống của châu Á, trong khi Marubeni gần đây đã tập trung vào hoạt động bán phụ tùng ô tô tại Mỹ.
Việc đặt cược của Mitsui vào ngành chăm sóc sức khỏe đã được thực hiện thông qua các khoản đầu tư vào IHH Healthcare của Malaysia và DaVita Care của Singapore – công ty con của tập đoàn điều hành phòng khám lọc máu DaVita được Berkshire hậu thuẫn tại Mỹ.
Nhiều trong số tài sản này có một số điểm "giao thoa" và cơ hội kết hợp với danh mục đầu tư phạm vi rộng của Berkshire, từ Apple, công ty bảo hiểm ô tô Geico, nhà sản xuất dầu Occidental Petroleum, nhà sản xuất thực phẩm Kraft Heinz cho đến chuỗi cửa hàng kem Dairy Queen.
Kikkawa đến từ JPMorgan cho biết việc đầu tư vào 5 công ty lớn là một động thái thông minh, phù hợp với bản chất của các tập đoàn Nhật Bản, dù họ có tiềm lực khác nhau nhưng cạnh tranh khốc liệt khi theo đuổi những thương vụ tương tự nhau. Khi mỗi công ty cho biết rằng họ không hề có liên hệ trước đó với Berkshire, các giám đốc điều hành đứng đầu sẽ gấp rút xây dựng mối quan hệ với tập đoàn của vị tỷ phú và cạnh tranh để gây ấn tượng bằng cách đề xuất hợp tác đầu tư.
Trong khi đó, Jeremy White – ban lãnh đạo của công ty luật Baker McKenzie, từng làm việc với những công ty này, cho rằng, trong khi khoản đầu tư mới nhất của tỷ phú Buffett dường như không có sự kiên định vốn có về việc hậu thuẫn những mô hình kinh doanh đơn giản, thì các tập đoàn Nhật Bản lại thu hút sự chú ý của Berkshire nhờ việc họ thực hiện nhiều thương vụ kinh doanh.
Tuy nhiên, các cựu giám đốc của những công ty này cho biết thách thức khó khăn nhất sẽ là đạt được sự hợp tác tiềm năng giữa họ và kết hợp với các lĩnh vực khác trong danh mục đầu tư của Berkshire. Yếu tố gây cản trở ở đây là văn hóa doanh nghiệp cứng nhắc, lối quản lý bảo thủ và mối quan hệ chính trị phức tạp giữa họ và hàng nghìn công ty con đang điều hành.
Một cựu giám đốc điều hành của Mitsubishi cho biết các công ty này đang được trang bị nguồn lực dồi dào, trí tuệ và nhân tài để tạo ra giá trị các khoản đầu tư. Tuy nhiên, các CEO cần phải tận dụng những tài sản vô hình đó hiệu quả hơn, có thể sẽ nhận được áp lực tích cực từ phía Berkshire.
Jason Ollison – chủ tịch của Asialantic Global Advisors và cựu giám đốc cấp cao của Sumitomo, cho biết các văn hóa doanh nghiệp tại đây cần phải thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng những lời hứa hẹn khi hoạt động dưới dạng các tập đoàn sáp nhập. Ông nói: "Câu thần chú của Warren Buffett là các công ty mà ông đầu tư phải thật đơn giản, minh bạch và hoạt động hiệu quả, trong khi 5 doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều thách thức khi hoạt động theo cách thức đó."
Tham khảo Financial Times