Không phải báo hay sư tử, sinh vật nhỏ bé quen thuộc này mới là loài săn mồi thành công nhất trong tự nhiên

26/10/2022 11:00 AM | Sống

Tự nhiên đã ban cho loài chuồn chuồn những vũ khí lợi hại nhất để nâng cao hiệu suất trong mỗi cuộc săn mồi.

Khi nghĩ về loài săn mồi thành công nhất trong thế giới tự nhiên, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến một thứ gì đó to lớn và nhanh nhẹn, chẳng hạn như một con báo Cheetah hay các loài họ mèo. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu, báo Cheetah - loài động vật chạy nhanh nhất trên đất liền - chỉ có thể để tóm gọn con mồi của chúng với tỷ lệ thành công từ 20% đến 30%. Vậy đâu mới là kẻ săn mồi thành công nhất trên Trái đất, trên thực tế, có thể bạn vẫn nhìn thấy chúng thường ngày, nhất là trước những cơn mưa.

Đó chính là chuồn chuồn, loài sinh vật có màu sắc sặc sỡ, đôi mắt kép và hai bộ cánh mà bạn từng dồn đuổi những ngày thơ bé. Mặc dù trông chúng có thể khá nhỏ, nhưng trong giới tự nhiên, chuồn chuồn hoàn toàn không phải là con mồi. Thay vào đó, những sinh vật này là một trong số các loài săn mồi thành công nhất trên hành tinh, với tỷ lệ bắt mồi chính xác khoảng 95% khi đi săn. Đây là tỷ lệ thành công cao hơn bất kỳ sinh vật nào khác trên Trái đất, theo báo cáo từ Willistown Conservation Trust.

Bí quyết thành công của chúng nằm phần nhiều ở khả năng thích nghi độc đáo mà chúng đã tích lũy được trong suốt quá trình phát triển của mình, bao gồm cả các khía cạnh về thị lực và khả năng bay. Tuy nhiên, chúng không phải là những kẻ săn mồi bẩm sinh, bởi chuồn chuồn dành phần lớn cuộc đời của mình trong giai đoạn ấu trùng, hay còn gọi là nhộng.

Nhộng chuồn chuồn phát triển trong nước từ 2-3 tháng đến 1 hoặc 2 năm, tùy thuộc vào loài. Trong thời gian này, nhộng sẽ săn mồi bất cứ thứ gì chúng có thể bắt được như các ấu trùng của côn trùng khác, sâu, động vật giáp xác, ốc sên, nòng nọc, và thậm chí cả cá nhỏ. Để bắt con mồi, nhộng chuồn chuồn đã phát triển một bộ hàm có bản lề có thể mở rộng, độc đáo, hay còn gọi là labium, thứ có thể bắn ra nhanh hơn khả năng phản xạ của hầu hết các con mồi. Trên thực tế, quá trình nhộng chuồn chuồn săn mồi giống như cảnh quay rùng rợn về Xenomorph, sinh vật ngoài vũ trụ đang sợ trong bộ phim Alien.

Không phải báo hay sư tử, sinh vật nhỏ bé quen thuộc này mới là loài săn mồi thành công nhất trong tự nhiên - Ảnh 2.

Cảnh nhộng chuồn chuồn bắt mồi.

Và để theo kịp con mồi và tránh bị săn, nhộng chuồn chuồn sử dụng một phương thức di chuyển độc đáo gọi là động cơ phản lực. Không có loài côn trùng nào khác sử dụng chiến lược di chuyển như vậy. Nhộng sẽ hút nước từ van hậu môn của chúng, đồng thời cũng lấy oxy từ đó để thở, và đẩy mạnh nước ra ngoài van hậu môn để đẩy cơ thể chúng tiến về phía trước. Loại van ba lá này có cấu trúc tương tự như van tim ba lá của con người và thậm chí nó còn là nguồn cảm hứng cho các nhà nghiên cứu thiết kế ra van tim giả.

Khi chúng phát triển, nhộng chuồn chuồn sẽ lột xác từ 5 đến 14 lần cho đến khi trưởng thành hoàn toàn. Khi chúng tiến đến lần lột xác cuối cùng, nhộng sẽ ngồi sẵn trong vùng nước nông để chuẩn bị, để chuyển từ thở trong nước sang thở trong không khí. Sau đó, chúng trồi lên khỏi mặt nước, leo lên những thảm thực vật cao hơn trong suối hoặc gần bờ, tìm kiếm một vị trí thuận lợi để bắt đầu quá trình biến đổi cuối cùng. Tại đây, chúng sẽ bơm và phân phối lại các chất lỏng trong cơ thể, để từ từ đẩy chúng ra khỏi lớp da ấu trùng. Sau khi xuất hiện, chúng để lại một bộ da trống rỗng.

Không phải báo hay sư tử, sinh vật nhỏ bé quen thuộc này mới là loài săn mồi thành công nhất trong tự nhiên - Ảnh 3.

Chuồn chuồn có khả năng điều khiển hai cặp cánh hoạt động độc lập.

Sau khi xuất hiện lộng lẫy, chuồn chuồn sẽ cất cánh trên chuyến bay đầu tiên của mình. Do còn khá yếu nên chuyến bay đầu tiên của chuồn chuồn thường ngắn, đây cũng là thời điểm chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những kẻ săn mồi khác. Nhưng khi cơ thể và đôi cánh cứng lại, chúng sẽ chính thức đạt được hiệu suất săn mồi đỉnh cao. Một khi phát triển hoàn chỉnh, chuồn chuồn sẽ chiếm lĩnh bầu trời với tư cách là bậc thầy bay lượn. Với khả năng kiểm soát độc lập hai cặp cánh trước và sau, loài côn trùng này có khả năng cơ động cực cao, dễ dàng bay lượn và thay đổi hướng bay theo bất kỳ hướng nào, kể cả lùi về phía sau hoặc đứng yên tại chỗ.

Ngoài kỹ năng bay, chuồn chuồn còn được trang bị một hệ thống thần kinh hoạt động nhanh nhạy không kém. Chúng có khả năng cố định con mồi và dự đoán vị trí của con mồi trong tương lai. Bằng cách này, chúng có thể đánh chặn con mồi giữa không trung với độ chính xác cực cao. Khả năng này được bổ sung bởi thị lực ấn tượng của chùng. Mỗi mắt của chuồn chuồn được tạo thành từ hàng nghìn đơn vị gọi là ommatidia, trải dài trên hầu hết khu vực đầu của nó. Kết quả là loài sinh vật này có tầm nhìn gần như 360 độ, ngoại trừ một điểm mù nhỏ ngay phía sau. Tầm nhìn độc đáo của nó cũng đóng vai trò là một dạng mô hình, thứ mà nhiều nhà nghiên cứu đang tìm cách bắt chước để phát triển mắt nhân tạo.

Không phải báo hay sư tử, sinh vật nhỏ bé quen thuộc này mới là loài săn mồi thành công nhất trong tự nhiên - Ảnh 4.

Mắt chuồn chuồn cũng là một kỳ quan của tự nhiên.

Là ‘nàng thơ” của cả lĩnh vực khoa học viễn tưởng và phát minh y học, những kẻ săn mồi chính xác này vẫn đang thể hiện hiệu suất săn mồi vượt bậc trong lãnh thổ của mình. Trong tương lai, có thể một số loài sinh vật đáng sợ khác cũng sẽ được phát hiện có tỷ lệ săn mồi cao như chúng, nhưng hiện tại, chiếc vương miện vẫn đang nằm trên cái đầu nhỏ bé của những con vật bé nhỏ này.

Bằng cách bảo tồn các vùng đất ngập nước, chúng ta có thể đảm bảo rằng chuồn chuồn có thể tiếp tục truyền cảm hứng về sự kinh ngạc và đổi mới cho các thế hệ mai sau.

Tham khảo wctrust, BGR

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM