Không kết hôn, không con cái, không họ hàng, mặc dù tự do cả đời nhưng về già sẽ phải làm sao?

22/03/2021 09:13 AM | Sống

Cuộc sống tự do không kết hôn mà người trẻ theo đuổi có kết quả viên mãn hay không, phụ thuộc vào cách sống của mỗi người.

01.

Trên thực tế, lối sống DINK- Thu nhập nhân đôi, không có con cái (Double Income, No Kids) đã tồn tại từ lâu ở Phương Tây, du nhập vào Châu Á trong vài thập niên gần đây. Thế nhưng, tại châu Á, những người lựa chọn kết hôn mà không có con, hoặc độc thân cả đời, đều gặp nhiều tranh cãi. Họ thường bị nhận xét là sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, muốn thoát khỏi những trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái. Lối sống này cũng bị phản đối do vấn đề cần người chăm sóc khi về già cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trên diễn đàn thảo luận Zhihu, từng có một câu hỏi đưa ra:

“Giả sử, khi bước vào độ tuổi trung niên, không may bạn bị liệt hoặc xuất huyết não hoặc bệnh tim hoặc mắc ung thư... không kết hôn, không con cái, không anh chị em, có thể nói là không có gia đình xung quanh, bạn sẽ phải làm gì?”

 Không kết hôn, không con cái, không họ hàng, mặc dù tự do cả đời nhưng về già sẽ phải làm sao?  - Ảnh 1.

Câu trả lời top đầu, nhận được 18.484 lượt tán đồng đã nói như sau:

“Nếu bạn mắc những căn bệnh này ở độ tuổi bốn mươi hoặc năm mươi, nếu đã kết hôn và có con cái, bạn có chắc là mình không kéo gia đình đi xuống hay không? 

Đặt trường hợp bạn kết hôn năm 29 tuổi, có một đứa con ở tuổi 30, vậy khi bạn 50 tuổi và mắc một căn bệnh nghiêm trọng như trên, đứa con của bạn mới đang 20. Còn đang là sinh viên, chưa bôn chải với đời mà đột nhiên biết được một tin dữ: Bố nó bị bệnh nặng!

Vợ bạn vừa phải chăm sóc người ốm mỗi ngày, vừa phải gánh trên lưng toàn bộ áp lực kinh tế tài chính. Tiền viện phí thuốc thang cho bạn, tiền học phí cho con, tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày… áp lực chồng chất nhưng không dám từ chức, bởi vì trong nhà còn có một ông chồng đang bị bệnh tim hoặc bại liệt hoặc xuất huyết não… cần chạy chữa thường xuyên.

Con cái cũng không thể chuyên tâm học hành như trước. Thay vào đó, chúng phải vượt qua cơn sốc tinh thần ban đầu, bắt đầu học cách chia sẻ gánh nặng tài chính, san sẻ công việc trong nhà, bớt thời gian chăm sóc cho người bố đang bệnh nặng…

Vợ hiền, con thảo, bạn cũng được chăm sóc rất tử tế. Nhưng trong lòng bạn có dễ chịu không?

Trong trường hợp bạn sinh con muộn hơn, hoặc có thêm đứa thứ hai, hiện giờ chúng vẫn còn dưới tuổi vị thành niên, vậy hoàn cảnh gia đình càng thêm họa vô đơn chí.

Còn trong trường hợp bạn sinh con sớm, chúng đã có gia đình riêng, đã dựng vợ gả chồng, thậm chí còn đang mang thai hoặc mới sinh con, vậy gánh nặng trên vai con cháu của bạn cũng không hề nhỏ.

Do đó, mỗi lần có người hỏi rằng, ‘Không lập gia đình rồi sau này già đi thì lấy đâu ra người chăm sóc?’, bạn có thể đổi vị trí để tự hỏi họ rằng, ‘Nếu chỉ cần có người chăm sóc khi già yếu, vào viện dưỡng lão là được, không phải sao?’

Người ta có thể đi đến hôn nhân vì nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như tình cảm, lòng yêu thương… nhưng không nên kết hôn và sinh con chỉ vì mục đích ích kỷ như vậy. Không ai được sinh ra đã có trách nhiệm phải phục vụ cho một người khác, cho dù đó là con cái dứt ruột đẻ ra hay người thân nhất của mình. Chăm sóc nên xuất phát từ tình nghĩa, chứ không phải nghĩa vụ.

Với tương lai và hôn nhân, đừng toan tính như vậy.

 Không kết hôn, không con cái, không họ hàng, mặc dù tự do cả đời nhưng về già sẽ phải làm sao?  - Ảnh 2.

Trả lời câu hỏi ‘về già phải làm sao?’, tôi nghĩ, chỉ cần tuổi trẻ của tôi có thể tập trung làm việc, xây dựng sự nghiệp, đóng thuế đầy đủ, chăm sóc cơ thể, vậy thì sau này lớn tuổi rồi, tôi vẫn có đủ tiền tiết kiệm và hưu trí để nuôi sống bản thân. Hàng ngày tôi vẫn có thể ăn, ngủ, viết, học, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe hàng năm, đi chơi đây đó tùy ý thích.

Lớn tuổi hơn nữa, không còn khả năng tự chăm sóc mình, tôi có thể vào viện dưỡng lão an dưỡng. Đau ốm hay bệnh tật sẽ có nhân viên y tế chăm nom. Chưa chắc đã có họ hàng, người thân ở bên, nhưng cũng có thể làm quen bạn bè trong cùng một viện. 

Nếu sợ bệnh tật thì hãy rèn luyện sức khỏe từ bây giờ, nếu sợ nghèo khó thì hãy chăm chỉ làm việc và tích lũy tài chính sớm hơn. Sau đó, bạn mới có thể lựa chọn cách sống cho chính mình mà không sợ liên lụy tới người xung quanh.”

02.

Theo tỷ lệ ly hôn hiện nay và quá trình đô thị hóa, nếu bạn chỉ kết hôn và sinh con vì trốn tránh cô đơn, vì mục đích "có người đồng hành trong những năm tháng sau này", thì có thể bạn nên suy nghĩ lại.

Cách đây nhiều năm, có tin tức về một người đàn ông làm việc ở Thượng Hải, Trung Quốc. Quê anh ta ở Giang Tô, Chiết Giang. Cả hai nơi chỉ cách nhau khoảng 1 giờ đi ô tô. Tuần nào anh ta cũng gọi điện về cho bố mẹ, có hôm không thấy ai trả lời, anh ta chỉ nghĩ rằng bố mẹ để quên điện thoại ở nhà, không hề nghĩ nhiều. Cho đến khi, chuyện tương tự lặp lại vào tuần sau. 

Tối hôm đó anh ta mới lái xe về quê và phát hiện cha mình bị điện giật chết trong nhà tắm. Người mẹ lú lẫn nằm liệt suốt bao năm nay, do một tuần trời không còn chồng chăm sóc, bà cũng chết đói trên giường.

Cả đời ông bà sinh được 5 người con. Mỗi đứa đều thành gia lập thất, lên thành phố kiếm kế sinh nhai, cách quê nhà không xa. Nhưng khi gặp sự cố, họ phải một mình đối mặt với mọi chuyện, dù đó là cái chết đang đến gần.

Mặt khác, họ hàng xa không bằng láng giềng gần. Một người dù không có họ hàng thân thiết cạnh bên, nhưng có quan hệ tốt với hàng xóm xung quanh thì vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ mọi người. 

 Không kết hôn, không con cái, không họ hàng, mặc dù tự do cả đời nhưng về già sẽ phải làm sao?  - Ảnh 3.

Do đó, thay vì cô đơn nên nhanh chóng lựa chọn một đối tượng kết hôn, hãy chăm chỉ kiếm tiền, phát triển sở thích và rèn luyện sức khỏe. 

Một khi đã không may gặp bệnh nặng thì thật ra, dù có con hay không, bạn cũng phải gánh chịu rất nhiều nỗi đau và áp lực. 

Đến cuối cùng, dù là kết hôn hay độc thân, dù sinh con hay không sinh con thì đều là lựa chọn cá nhân của mỗi người, dựa trên hoàn cảnh của chính họ. Đã gọi là lựa chọn mang tính cá nhân thì những gì người khác cần làm là tôn trọng, không soi mói hay phán xét.

Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM