Không hề nói đùa: 6-7 triệu/tháng là dư sức sống ở thành phố lớn!
Thực ra cũng chẳng có bí quyết gì cao siêu để 2 bạn trẻ này sống được ở Hà Nội và TP.HCM với mức ngân sách dưới 7 triệu đồng/tháng.
Biết chi tiêu, vun vén thì 6-7 triệu là dư sức sống dù ở bất cứ đâu; còn không, thu nhập bao nhiêu vẫn cứ là thiếu. Chia sẻ của 2 cô gái này sẽ chứng minh điều đó, để chúng ta nhận ra rằng lương không đủ sống là do chính mình thôi, chứ chẳng phải nguyên nhân khách quan nào khác.
Thùy Linh (Hà Nội): Lương 14,5 triệu nhưng tháng nào cũng chỉ tiêu 6 triệu
Thùy Linh (27 tuổi) hiện đang làm content marketing cho một agency. Bên cạnh đó, cô cũng có 1 công việc freelance trong lĩnh vực tương tự. 14,5 triệu đồng là thu nhập trung bình 1 tháng của Thùy Linh.
Tuy nhiên, chẳng có tháng nào cô tiêu hết số tiền mình kiếm được.
Thùy Linh cho biết: “Tháng nào mình cũng gửi cho mẹ 5 triệu, vì gia đình mình thuộc diện khó khăn, dưới mình vẫn còn 1 người em đang học cấp 3, chi phí học thêm cũng tốn kém nên mình chủ động hỗ trợ bố mẹ lo một phần tiền học cho em. Đây là khoản cố định hàng tháng. Ngoài ra còn 1 khoản mà mình coi là cố định khác, là tiền tiết kiệm. Tùy vào thu nhập mà hàng tháng mình sẽ tiết kiệm 3-3,5 triệu đồng” .
Như vậy tính ra mỗi tháng, Thùy Linh chỉ còn khoảng 6 triệu đồng để trang trải cuộc sống ở Hà Nội. Thùy Linh cho biết cô luôn thực hiện 3 điều dưới đây để không bội chi tiền sinh hoạt hàng tháng.
1 - Thuê homestay ở ghép chứ không thuê phòng trọ riêng
“Hình thức thuê phòng này khá giống với việc mình ở kí túc xá thời sinh viên nhưng sẽ thoải mái hơn chút. Như phòng mình thuê là 1 căn 30m2 khép kín, có chỗ nấu ăn và có 2 giường tầng - là 4 người 1 phòng.
Chi phí thuê trọn gói là 1,9 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền điện, nước, gửi xe và phí dịch vụ luôn rồi. Thú thật là ở như vậy thì có bất tiện, không có sự riêng tư nhưng đổi lại là chi phí hợp lý nên mình thấy vẫn chấp nhận được” - Thùy Linh chia sẻ.
2 - Gần như luôn “nói không” với việc shopping
Thùy Linh gần như không mấy khi mua quần áo, giày dép. Nếu có mua, cô thường chỉ mua mỹ phẩm, khoảng 4-5 tháng mới mua 1 lần chứ không phải thường xuyên.
“Mình ít mua đồ một phần vì ngân sách cũng hạn hẹp, một phần vì đang thuê trọ hình thức homestay, cả phòng 4 người mới có 1 tủ quần áo nên mua nhiều cũng không có chỗ mà treo cơ ấy. Nghĩ đi nghĩ lại thì mình thấy như vậy càng tốt, càng tiết kiệm” - Thùy Linh kể.
3 - Nấu ăn bằng bếp gas, ưu tiên đi xe bus hơn xe máy
Ngoài việc hạn chế shopping ở mức tối đa, Thùy Linh cũng không mấy khi ăn uống bên ngoài. Cô luôn tự nấu ăn tại nhà gần như cả tháng.
Nếu không phải dịp đặc biệt như sinh nhật bạn bè hoặc bất chợt được thưởng nóng, Thùy Linh sẽ không ăn hàng, đặt đồ ăn về nhà cũng không nốt.
Minh Châu (TP.HCM): Lương 10 triệu, tháng nào cũng để dành 3 triệu mua vàng
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân, bạn Hoàng Minh Châu đã liệt kê những bí quyết giúp cô để dành được 3 triệu mỗi tháng, với mức lương 10 triệu đồng - Một con số mà phần lớn mọi người đều cho rằng rất khó trang trải cuộc sống ở thành phố lớn như TP.HCM.
Để trang trải chi phí sinh hoạt ở TP.HCM với ngân sách 7 triệu đồng/tháng sau khi đã dành ra 3 triệu để mua vàng, Minh Châu đã đặt giới hạn cho từng khoản chi hàng tháng. Cụ thể như sau:
- Tiền ăn: 2.000.000đ. Vì tự nấu ăn tại nhà và sức ăn của con gái cũng “khiêm tốn”, nên trung bình 1 ngày, Minh Châu chỉ cần chi khoảng 71 nghìn đồng tiền ăn.
- Tiền thuê nhà: 1.600.000đ. Đây là tiền thuê nhà cùng chi phí điện nước và phí dịch vụ hàng tháng. Cô cho biết vì cô đang ở ghép cùng 3 bạn khác nữa nên tiền thuê nhà khá rẻ.
- Đồ gia dụng: 500.000đ. Khoản tiền này được Minh Châu dùng để mua các sản phẩm thiết yếu như dầu gội, sữa tắm, gia vị nấu ăn,... Những món đồ này không phải tháng nào cũng cần mua nhưng cô vẫn đặt ngân sách riêng cho chúng, nếu còn dư sẽ dồn sang tháng sau.
- Mỹ phẩm: 700.000đ. Kể từ khi đặt mục tiêu tiết kiệm, Minh Châu đã tối giản quy trình skincare. Thay vì skincare 7749 bước, giờ đây Minh Châu chỉ dùng những món cơ bản. Việc này vừa giúp cô tiết kiệm, vừa không làm da bị bí. Nói chung là vẹn cả đôi đường.
- Đi chơi: 1.000.000đ. Vì đi làm kiếm tiền cũng khá stress nên Minh Châu cho rằng việc chi tiền để “chữa lành” là cần thiết. Cô chủ yếu dùng tiền trong quỹ này để đi ăn, đi cà phê gặp gỡ bạn bè.
- Dự phòng: 1.000.000đ. Khoản này được Minh Châu tích lũy để phòng khi ốm đau hoặc có việc bất ngờ cần tiền. Nếu tháng đó không dùng tới, cô sẽ chuyển số tiền này sang khoản tiết kiệm hoặc để nguyên đó, cộng dồn vào quỹ dự phòng của tháng sau.
Với cách phân bổ chi tiêu như thế này, Minh Châu cho biết cuộc sống của cô ở TP.HCM vẫn khá thoải mái.
“Tháng nào ít tiền, mình sẽ mua hạt đậu vàng, khoảng 2-3 phân vàng. Còn không, mình sẽ đợi gom đủ tiền rồi mua 1 chỉ vàng cho đỡ mất giá” - Minh Châu chia sẻ.