Không góp nổi 1 đồng mua nhà cho cha mẹ, người đàn ông vẫn tự tin đòi 2 chị chia tiền bán BĐS vì là con ruột: Kết cục phải chưng hửng trước phán quyết của tòa
Người đàn ông Trung Quốc không đồng tình với phán quyết của tòa nhưng kháng cáo cũng vô ích.
Tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, hai chị em gái nhà họ Vương vì muốn báo hiếu, nên đã gom góp tiền mua cho cha mẹ một căn nhà khang trang. Không ngờ, sau khi cha mẹ qua đời, giá trị của căn nhà tăng vọt, đứa em trai trước đây không góp tiền mua nhà cũng muốn được “chia phần”. Mâu thuẫn ngày một lớn, hai chị em quyết định nhờ toà án can thiệp. Vậy ai mới là người sở hữu hợp pháp ngôi nhà trên?
Cụ thể, gia đình nhà họ Vương có hai cô con gái là Vương Phương và Vương Quyên vô cùng hiếu thảo. Hai chị em vốn sống tình cảm và thương yêu cha mẹ. Tuy lập nghiệp ở xa nhưng cả hai vẫn luôn nhớ tới đấng sinh thành ở quê nhà.
Gia đình họ Vương trước đây không mấy khá giả, mỗi lần hai chị em về thăm nhà bố mẹ đẻ, thấy ông bà chen chúc trong căn nhà gỗ cũ kỹ khiến họ cảm thấy rất khổ tâm. Sau nhiều lần bàn bạc, họ quyết định góp tiền, tổng cộng 600.000 NDT (hơn 2,1 tỷ đồng) và mua cho bố mẹ một căn hộ hai phòng ngủ rộng rãi và khang trang trong thành phố.
Nhìn cha mẹ vui vẻ chuyển đến ngôi nhà mới, hai chị em cũng cảm thấy an lòng. Thế nhưng không lâu sau đó, hai ông bà lần lượt qua đời vì bệnh tật. Sau khi lo xong hậu sự cho cha mẹ, hai chị em bàn chuyện bán nhà và chia đều số tiền thu được. Nhưng đúng lúc này, em trai Vương Cường đã nhiều năm không gặp đột nhiên xuất hiện. Khi nghe tin căn nhà được rao bán, anh ta vội trở về và yêu cầu 2 người bị chia cho mình một nửa số tiền bán nhà.
Hai chị gái Vương Phương và Vương Quyên nghe thấy điều này đều vô cùng tức giận. Vương Phương trực tiếp nói: "Cậu mấy năm nay không để ý tới cha mẹ, giờ lại muốn chia tiền? Căn nhà này là 2 chị góp tiền mua, vì sao phải chia cho cậu?"
Vương Cường ngông cuồng đáp: “Tôi là con trai duy nhất của cha mẹ, đương nhiên phải thừa kế tài sản. Hai chị mua nhà thì sao? Về mặt pháp lý, tôi là người thừa kế đầu tiên!”
Phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của em trai, hai chị em nhà họ Vương Phương và Vương Quyên quyết định nhờ tòa án vào cuộc phân giải.
Tại tòa, 2 chị em bật khóc khi kể lại chuyện vất vả tích góp để có tiền mua nhà cũng như việc họ quan tâm, chăm sóc cha mẹ suốt bao năm qua. Cả hai cũng xuất trình hồ sơ chuyển khoản ngân hàng, hợp đồng mua nhà và các bằng chứng khác để chứng minh rằng họ thực sự đã trả tiền mua căn nhà.
Ngược lại, Vương Cường lại ung dung và luôn miệng khẳng định mình là con trai duy nhất trong nhà, phải thừa kế toàn bộ tài sản của cha mẹ.
Theo quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, việc thừa kế trước hết phải theo ý muốn của người đã khuất. Tuy nhiên, trong trường hợp này ông bà họ Vương không để lại di chúc. Khi đó, theo nguyên tắc thừa kế hợp pháp thì mọi con cái trong gia đình đều có quyền thừa kế tài sản.
Điều này có nghĩa là với tư cách là một trong 3 người con, Vương Cường có quyền thừa kế tài sản thừa kế của cha mẹ mình. Việc tên của người cha được ghi trên giấy tờ BĐS không có nghĩa là ngôi nhà là tài sản riêng của người cha. Nguyên nhân là vì hai chị em họ Vương đã chứng minh được họ là người mua căn nhà nên về mặt pháp lý, căn nhà này là tài sản dưới dạng quà tặng.
Trong trường hợp này, hai chị em Vương Phương và Vương Quyên đã chuyển nhượng tài sản của mình cho bố mẹ miễn phí. Hành động này giúp hai chị em này được ưu tiên trong việc thừa kế căn nhà trên. Vì vậy, dù căn nhà được đăng ký đứng tên ông Vương nhưng hai chị em này với tư cách là người mua nên được ưu tiên thừa kế.
Cuối cùng sau khi đã xem xét kỹ vụ việc, tòa án địa phương đã đưa ra phán quyết ngôi nhà trên thuộc quyền sở hữu của hai chị em Vương Quyên và Vương Phương. Số tài sản thừa kế còn lại của ông bà Vương là 60.000 NDT (hơn 211 triệu đồng) được chia đều cho 3 người con là Vương Phương, Vương Quyên và Vương Cường.
Em trai Vương Cường không hài lòng với kết quả và kháng cáo. Tuy nhiên, tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm và xác định căn nhà thuộc sở hữu của hai người chị.
(Theo 163.com)