Không đòn roi, quát tháo, người Do Thái làm cách gì để khiến con hứng thú học?
Con cái không thích học là nỗi phiền não lớn nhất của các bậc cha mẹ, đôi khi chuyện học hành trì trệ của bọn trẻ còn làm cha mẹ cảm thấy thất vọng hơn việc chính bản thân mình bị thất nghiệp. Chính điều đó khiến các bậc cha mẹ Việt gây áp lực xuống con cái của mình.
Trong những câu chuyện trao đổi với nhau, các ông bố bà mẹ Việt Nam luôn hãnh diện khoe chuyện con em mình đạt thứ hạng học tập cao, có bao nhiêu điểm 10, bao nhiêu danh hiệu. Những đứa trẻ không có thành tích như kỳ vọng thường phải chịu nhiều sự quở phạt của gia đình, thậm chí bị chính cha mẹ bạo hành hay nhục mạ vì đã không làm cha mẹ tự hào như những trẻ giỏi giang khác. Trẻ nhỏ tại Việt Nam không chỉ phải sống cho riêng cuộc đời chúng, chúng còn bị mặc định nghĩa vụ làm rạng danh gia đình, phải lo sống cả phần vinh quang của người khác.
Và vô hình chung, trẻ em lại vô tình trở thành nạn nhân cho những áp lực thành tích của người lớn, khi chúng phải miệt mài học đêm học ngày, hết học chính khóa tới phụ đạo, học thêm để đáp ứng những kỳ vọng đó… Không khó khăn gì khi nghe nhiều bậc phụ huynh than thở con em mình bận học tới nỗi mất cả tuổi thơ, thậm chí nhiều cháu còn bị stress nặng cũng bởi lý do học quá nhiều!
Bởi vậy các bậc cha mẹ nên xóa bỏ định kiến thành tích, đồng thời lựa chọn những phương pháp giúp con cái hứng thú với việc học, không gây áp lực mà con cái vẫn thành tài sau này. Dưới đây là mười phương pháp làm tăng khả năng học tập của trẻ đồng thời nuôi dưỡng ý chí học tập của chúng được tiến sĩ Kezhi, nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng của Israel đưa ra:
1. Cho trẻ hiểu rõ nhiệm vụ học tập là quan trọng nhất. Ví dụ, khi trẻ em Do Thái vừa mới hiểu chuyện, phụ huynh sẽ cho trẻ liếm mật ong trên trang sách; giá sách trong các gia đình Do Thái đều được đặt ở đầu giường, biểu thị ý nghĩa người lớn tôn trọng tri thức. Đàn ông Do Thái xây dựng gia đình đều coi việc lấy được nữ học giả về làm vợ là một niềm vinh dự.
2. Không nên cho trẻ đọc sách quá lâu, mỗi ngày chúng chỉ cần dành một khoảng thời gian vừa phải để ôn bài là được. Trẻ kiên trì thực hiện lâu dài như vậy sẽ có hiệu quả hơn là ngồi trước bàn học hàng giờ đồng hồ.
3. Sau khi ăn cơm xong, tránh cho trẻ đọc sách. Vì lúc này máu đang dồn xuống dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn, nên lượng máu vận chuyển lên não ít đi. Nếu cha mẹ bắt con mình đi đọc sách vào lúc này, trẻ sẽ cảm thấy hoa mắt chóng mặt, hiệu quả học tập thấp.
4. Tìm ra đồng hồ sinh học của trẻ. Mỗi người đều có đồng hồ sinh học riêng, học tập theo nhịp thời gian của đồng hồ sinh học làm tăng hiệu quả học tập lên gấp nhiều lần. Vì vậy, cha mẹ phải chú ý quan sát và cùng con mình tìm ra đồng hồ sinh học của bản thân, chọn thời gian học hiệu quả nhất.
5. Khuyên trẻ không nên nghe nhạc khi học, nếu không chúng sẽ bị phân tán tư tưởng và có cảm giác học tập là một gánh nặng.
6. Cơ chế gia đình cho điểm. Cha mẹ cùng con cái thảo luận về nội dung cuốn sách trẻ mới đọc xong, sau đó cho trẻ làm một bài thu hoạch. Nếu trẻ lười đọc sách, đừng ngần ngại cho chúng điểm “C”, ngược lại nếu trẻ thẳng thắn, vui vẻ và nhiệt tình nói ra cảm nhận của mình sau khi đọc sách, cha mẹ hãy thưởng cho chúng một điểm “A” xuất sắc.
7. Khuyến khích trẻ biết nắm bắt thời gian học tập. Theo các bậc phụ huynh và giáo viên người Do Thái, quản lý thời gian là một kỹ năng học tập quan trọng, nó có thể phát huy hiệu quả to lớn, không thua kém gì việc vận dụng các định lý.
8. Bachderta, giáo viên nổi tiếng nhất Do Thái từng nói: “Thành tích của trẻ nằm ở thói quen học tập, chứ không phải là tư chất. Học tập đòi hỏi phải tự ý thức, tự kiểm soát và tự chịu trách nhiệm. Cho nên, các bậc phụ huynh phải sớm giúp con em mình tạo thói quen học tập từ những năm tháng đầu đời.”
9. Khi phụ huynh đôn đốc trẻ học tập, tránh nói đi nói lại nhiều lần, tránh can thiệp vào chuyện lớn chuyện nhỏ của chúng. Vì khi bị phụ huynh cằn nhằn, mắng mỏ, trẻ sẽ không thể có tâm trạng vui vẻ và cũng rất khó có ý nghĩ chủ động tích cực trong học tập.
10. Phụ huynh tránh đi tắt đón đầu, chú trọng dạy con học tuần tự từng bước. Vì các bậc cha mẹ gửi gắm hy vọng rất lớn vào con cái, cho nên họ thường đặt ra quá nhiều kế hoạch học tập, gom tất cả cơ hội và thời gian rảnh rỗi của trẻ, bắt chúng học cái nọ học cái kia. Phụ huynh nhất định phải dạy trẻ tuần tự từng bước dựa vào trường hợp cụ thể của con em mình, liệu sức mà làm. Dạy con một cách hài hòa tốt đẹp hơn hẳn cách làm ào ào không đầu, không cuối.