“Không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thị trường bảo hiểm còn rất nhiều dư địa, nếu khơi thông các điểm nghẽn sẽ giúp thúc đẩy thị trường vốn.
Thảo luận tại Tổ, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án luật này.
“Cuộc sống không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa đổi luật lần này sau 20 năm nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh dư địa của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất nhiều: nhân thọ, phi nhân thọ…
“Dù thời gian qua tăng trưởng cao nhưng dư địa còn rất là lớn. Ngoài ra, tháo gỡ vướng mắc tại thị trường bảo hiểm là điều rất quan trọng cho thị trường vốn”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bảo hiểm là một loại hình dịch vụ, ngày càng có giá trị gia tăng cao và hiện đại. Chủ trương của chúng ta là tốc độ tăng dịch vụ nhanh hơn tốc độ tăng GDP, trong đó chú trọng vào các loại hình dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic…
Góp ý thêm về dự thảo dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần rà soát lại nội dung lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đảm bảo phát triển cân đối hài hoà, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm... Trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…”, Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Nước ta bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Cây trồng, thuỷ hải sản… khi có thiên tai thì bị thiệt hại nặng. Song mỗi khi có thiên tai, thiệt hải vẫn còn nặng dựa vào hỗ trợ từ phía Nhà nước và hoạt động thiện nguyện. Vấn đề này hiện các sản phẩm bảo hiểm chưa đáp ứng được. Trong đó, lâm nghiệp, ngư nghiệp đang rất thiếu sản phẩm bảo hiểm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho nông, lâm, ngư nghiệp rất khó khi tính toán chi phí nhưng không thể không làm. Điều này giúp cho cuộc sống của người nông dân an tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ về án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cần tiếp tục rà soát nội dung hợp đồng theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng (hưởng thụ các dịch vụ).
“Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cả Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm bảo vệ quyền lợi. Còn người tiêu dùng trong tình huống đặc thù này thì Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trong nhiều trường hợp chưa nắm rõ được cụ thể. Do đó cần phải hoàn hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chúng ta cần xác lập một mối quan hệ hợp đồng đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm kể cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp.
Ngoài ra Luật kinh doanh bảo hiểm cần phù hợp với môi trường không gian mạng, môi trường số, môi trường điện tử… Đây là cơ hội lớn để chúng ta tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực.
Tiếp theo liên quan đến nội dung quản trị kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ kết quả của đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để chúng ta làm sao có những quy định nâng chuẩn lên, không chấp nhận những doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn: từ vốn cho đến các vấn đề quản trị…
Cuối cùng về vấn đề hiệu lực của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tháng 5/2022 chúng ta dự kiến phê chuẩn dự án luật mà đến tháng 7 năm 2023 mới có hiệu lực là muộn.
“Cá nhân tôi ủng hộ việc nếu sang năm ban hành thì 1/1/2023, luật này sẽ có hiệu lực thực thi. Ngay ở thời điểm này phải ngồi dự thảo các văn bản hướng dẫn. Khi thông qua chúng ta còn 6 tháng nữa mới, không có lý do gì để kéo dài ban hành văn bản”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Nhất là trong thời gian tới đây, chúng ta vừa phòng chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế, nếu có một dự án luật mới đi vào thực tế cuộc sống giúp thúc đẩy thị trường bảo hiểm lên cũng là giải pháp thiết thực cho phục hồi kinh tế.