Không chỉ treo cổ, Tào Tháo còn có hành động man rợ này với thi thể của Lữ Bố
Chẳng những hạ lệnh xử tử Lữ Bố bằng cực hình treo cổ, Tào Tháo còn không cho tử thù này được chết toàn thây vì hàng loạt những động cơ sâu xa.
Vào thời Tam Quốc, có ý kiến cho rằng một trong những đối thủ mạnh nhất của Tào Tháo trước khi trận Quan Độ xảy ra không chỉ có mình Viên Thiệu mà còn có cả Lữ Bố. Năm xưa, nhân vật này từng được mệnh danh là võ tướng vô địch thiên hạ với võ lực và tài thống lĩnh kỵ binh được xếp vào hàng đầu vào giai đoạn bấy giờ.
Trải qua nhiều phen tranh đấu, tới năm 199, Tào Tháo cuối cùng đã thành công dùng kế công phá thành Hạ Bì, bắt sống Lữ Phụng Tiên.
Vào thời điểm cùng đường, Lữ Bố đã quyết định đầu hàng, tình nguyện dùng tài năng của mình để giúp Tào Tháo lấy được thiên hạ. Tuy nhiên sau một hồi cân nhắc ngắn ngủi, Tào Mạnh Đức cuối cùng vẫn quyết định xuống tay với võ tướng họ Lữ khét tiếng.
Ảnh minh họa.
Theo Bách khoa thư Trung Quốc (Baike), sau khi bị Tào Tháo xử treo cổ, thi thể của Lữ Bố còn bị chặt thủ cấp và đem bêu đầu trước bàn dân thiên hạ.
Trước một loạt hành động này của Tào Tháo, nhiều người không khỏi có cùng chung thắc mắc: Vì sao ngay cả khi đã trừ khử được đối thủ nặng ký này, Tào Tháo vẫn cố tình muốn bêu đầu Lữ Bố? Việc làm này của ông liệu có ẩn chứa động cơ chính trị hoặc tư thù cá nhân nào hay không?
Theo lý giải của chuyên trang nghiên cứu lịch sử Qulishi (Trung Quốc), hành động kỳ lạ của Tào Tháo trong việc trừ khử Lữ Bố thực chất xuất phát từ 4 nguyên nhân dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Ân oán cá nhân
Ở vào giai đoạn đầu khi mới gây dựng thế lực, tập đoàn chính trị của Tào Tháo và Lữ Bố trên thực tế cũng không giao tranh quá gay gắt.
Tuy nhiên sau sự kiện Lữ Bố đánh lén Duyện Châu khi Tào Tháo đem quân tới Từ Châu báo thù Đào Khiêm, mối quan hệ Lữ - Tào đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Có thể nói, hành động đánh lén sau lưng của Lữ Bố đã khiến đại bản doanh Duyện Châu bị tổn thất nghiêm trọng về nhân lực, tài lực. Do đó Tào Tháo hoàn toàn có lý do để không bỏ qua cho nhân vật này.
Thế tranh đấu của hai phe Lữ - Tào diễn ra liên tục và kéo dài tới vài năm. Trong khoảng thời gian này, Tào Mạnh Đức vào một lần giao tranh từng bị bỏng ở cánh tay trái và suýt bị đối thủ bắt sống.
Từ những ân oán cá nhân kể trên, có ý kiến cho rằng hàng loạt việc làm của Lữ Bố ngay tới người bình thường cũng khó có thể tha thứ, chứ chưa nói tới một Tào Tháo "quyết không để thiên hạ phụ ta".
Do đó, việc Tào Tháo không dễ dàng bỏ qua cho tử thù họ Lữ vốn là điều không hề khó hiểu. Đây có lẽ cũng là lý do mà ông lựa chọn xử tử Lữ Bố bằng phương thức treo cổ đầy man rợ, sau đó lại chặt đầu bêu trước thị chúng.
Nguyên nhân thứ hai: Thù nước nợ nhà
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trước khi đại chiến cùng Viên Thiệu, Lữ Bố từng là thế lực chính trị tạo áp lực lớn nhất đối với Tào Tháo. Do đó tập đoàn của Lữ Phụng Tiên không chỉ là phiền não của riêng Tào Mạnh Đức mà còn của cả các thủ hạ tướng sĩ dưới trướng vị quân chủ này.
Hơn nữa lúc bấy giờ, Hán Hiến Đế đang nằm trong tay Tào thị. Vì vậy thế lực của Tào Tháo chính là đại diện cho triều đình, mà kẻ công khai đối đầu như Lữ Bố nghiễm nhiên sẽ bị coi là phản tặc cần phải nghiêm trị.
Vì thế việc Tào Tháo công khai chặt đầu Lữ Bố bêu trước bàn dân thiên hạ sau khi đã xử tử còn nhằm mục đích tuyên truyền một thông điệp: Lữ Bố là phản tặc, kết cục của phản tặc đều sẽ thảm khốc như vậy.
Hơn nữa ở Trung Hoa vào thời phong kiến, cổ nhân vẫn luôn hy vọng lúc qua đời sẽ giữ được thi thể toàn vẹn. Từ quan niệm này suy ra, chặt đầu thực chất còn là một hình phạt tàn nhẫn hơn so với việc xử tử đơn thuần.
Bởi vậy việc Tào Tháo chặt đầu Lữ Bố, sau đó còn đem thủ cấp về Hứa Đô thực chất nhằm mục đích biểu thị lập trường chính trị của bản thân, đồng thời cũng củng cố hình ảnh và uy danh của mình trong mắt các thủ hạ tướng sĩ.
Nguyên nhân thứ ba: Tính chất răn đe
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Nếu nói việc Tào Tháo đem Lữ Bố xử tử là để giải tỏa mối hận trong lòng, thì hành động chặt đầu đối thủ sau khi đã chết lại biểu thị thái độ khinh bỉ của ông đối với một phản tặc Lữ Phụng Tiên có xuất thân "gia nô ba họ", lại khét tiếng là kẻ phản trắc.
Trong thời đại quần hùng tranh bá, hành động này cũng là một chiêu bài thị uy đối với các thế lực chư hầu khác.
Việc làm của Tào Tháo đối với Lữ Bố thực chất mang thông điệp răn đe hết sức rõ ràng: Ngay tới võ tướng mạnh như Lữ Phụng Tiên, một khi dám đối nghịch với Tào Tháo cùng triều đình Đại Hán thì cũng chẳng có lấy kết quả tốt đẹp.
Hành động này được xem là điển hình cho phương thức giết một người để răn trăm người, vừa củng cố hình tượng trung thành với Hán thất của Tào Tháo, vừa mang tới hiệu quả răn đe, thị uy với các thế lực quân phiệt khác trong thiên hạ.
Nguyên nhân thứ tư: Tính cách của Tào Tháo
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Bàn về tính cách của Tào Tháo, đa số ý kiến đều cho rằng ông là một người hết sức yêu mến và quý trọng người tài.
Chỉ cần đối phương là một nhân tài hữu dụng, ông có thể bỏ qua mọi hiềm khích trước đó mà hậu đãi, trọng dụng. Trường hợp của hổ tướng Trương Liêu - một bại tướng từng ở phe Lữ Bố được Tào Tháo thu nhận cũng là minh chứng cho điều này.
Cho nên ở vào thời điểm võ tướng nổi danh thiên hạ như Lữ Bố xin đầu hàng và tình nguyện bán mạng vì mình lấy thiên hạ, Tào Tháo có lẽ cũng đã động tâm. Tuy nhiên câu nhắc nhở của Lưu Bị về tính cách phản trắc của Lữ Phụng Tiên đã khiến Tào Mạnh Đức bỏ qua ý định này.
Thông qua hành động giết cả nhà Lữ Bá Xa năm xưa, không khó để nhận thấy Tào Tháo vốn là kiểu người một khi phát hiện ra kẻ khác có nửa điểm đe dọa đối với mình thì nhất định sẽ hạ thủ không lưu tình.
Bởi vậy khi nhìn thấy nguy cơ phản trắc ở một kẻ như Lữ Bố, Tào Mạnh Đức cuối cùng vẫn quyết định trừ khử đối thủ này một cách không thương tiếc. Kết cục cuối cùng là Lữ Bố bị treo cổ, thi thể sau đó còn bị chặt đầu, thủ cấp cũng bị bêu trước thị chúng.
Nhìn lại những động cơ thâm sâu trên đây, có thể thấy ở vào thời điểm quyết định hạ sát Lữ Bố, Tào Tháo từ sớm đã an bài xong các bước xử trí đối với đối thủ này, từ đó biến cái chết của võ tướng họ Lữ khét tiếng ấy trở thành một thứ vốn liếng chính trị hữu ích đối với bản thân mình.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).