Không chỉ để di chuyển hay tán gái, ô tô từng là 'người hùng' giải cứu loài người ngập trong... phân ngựa
Thế kỷ XIX, Tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều lâm vào một tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, họ không thể thiếu ngựa đồng thời cũng không thể chung sống với ngựa.
Ngựa đem lại đủ rắc rối cho người đô thị
Khi thế giới càng phát triển, các đô thị lớn ngày càng đông đúc và vội vã. Hầu hết các cuộc mở rộng đều diễn ra ở các thành phố như London, Paris, New York và Chicago. Chỉ tính riêng ở nước Mỹ, các thành phố đã tăng lên 30 triệu dân trong thế kỷ XIX, một nửa trong số đó xuất hiện chỉ vỏn vẹn trong 20 năm cuối thế kỷ.
Bản thân sự gia tăng dân số và sự dịch chuyển của cải vật chất đi kèm với nó, từ nơi này sang nơi khác, làm nảy sinh một vấn đề phức tạp. Phương thức vận chuyển chính sản sinh ra một loạt các sản phẩm phụ mà các nhà kinh tế học gọi là những ảnh hưởng ngoại biên tiêu cực, bao gồm sự tắc nghẽn giao thông, chi phí bảo hiểm tăng cao, và quá nhiều tai nạn giao thông chết người, ô nhiễm môi trường.
Nếu bạn nghĩ chỉ xã hội hiện đại, ô tô xe máy mới xảy ra vấn đề này thì xin thưa bạn đã nhầm. Quay trở lại hai thế kỷ trước, hầu hết phương tiện vận tải đều dùng đến ngựa từ kéo xe hàng và xe chở khách, vận chuyển vật liệu xây dựng, bốc dỡ hàng hóa từ tàu và thuyền, thậm chí hỗ trợ quá trình sản xuất đồ gia dụng, kéo dây cáp, sản xuất bia và quần áo. Tính đến thế kỷ XX, thành phố New York có khoảng 200.000 con ngựa, tức là cứ 17 người thì có một con ngựa.
Nhưng, hãy xem những rắc rối mà lũ ngựa gây ra!
Những toa xe hàng ngựa kéo gây tắc đường kinh khủng, và khi một con ngựa bị gãy chân, thường thì người ta phải bắn chết nó ngay tại chỗ. Điều này còn gây ra sự ùn tắc tồi tệ hơn. Rất nhiều chủ ngựa mua bảo hiểm cho ngựa, chính vì vậy, để đảm bảo không có gian lận, quy định đặt ra là phải có bên thứ ba xác nhận cái chết hợp lệ. Nghĩa là phải chờ cho đến khi cảnh sát, bác sĩ thú y hoặc Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoa Kỳ (ASPCA) đến chứng nhận.
Ngay cả khi ngựa đã chết cũng không giải tỏa được ùn tắc. Một giáo sư chuyên nghiên cứu lịch sử các phương tiện giao thông có tên Eric Morris cho biết nhân viên môi trường đô thị thường phải chờ cho đến khi xác ngựa thối rữa mới có thể dễ dàng xẻ nhỏ con ngựa ra nhiều phần và dọn đi.
Tiếng ồn do bánh xe bằng sắt nghiến đường và tiếng ngựa hí cũng gây rất nhiều phiền toái - nó là nguyên nhân phổ biến của tình trạng căng thẳng thần kinh - điều này khiến một vài thành phố tại Mỹ quyết định cấm ngựa lưu thông xung quanh bệnh viện và một vài khu vực nhạy cảm khác.
Việc tháo toa xe hàng ra khỏi ngựa cũng rất dễ gây khiếp đảm, nó không hề đơn giản như khi bạn nhìn thấy trên phim ảnh, đặc biệt khi đường trơn và đông người. Năm 1900, tai nạn do ngựa gây ra đã cướp đi sinh mạng của 200 người New York, cứ 17.000 dân lại có một người thiệt mạng trong tai nạn do ngựa gây ra. Năm 2007, tỷ lệ tai nạn giao thông là 1/30.000 (274 người thiệt mạng trong các tai nạn giao thông do xe cộ gây ra).
Như vậy, tỷ lệ người New York bị thiệt mạng trong tai nạn do ngựa gây ra vào năm 1900 gấp gần hai lần so với tỷ lệ người thiệt mạng do xe cộ gây ra năm 2007.
Điều tệ hại hơn tất cả chính là phân ngựa. Trung bình một con ngựa thải ra gần 11 kg chất thải mỗi ngày. Khoảng 200.000 con ngựa sẽ thải ra 2,1 triệu tấn phân.
Nhiều thập kỷ trước đấy, khi các thành phố chưa có quá nhiều ngựa như lúc này, đã xuất hiện khu "chợ làm chức năng mua phân ngựa", ở đó nông dân đến chở phân ngựa (tất nhiên bằng ngựa) về bón cho ruộng của mình.
Nhưng khi số lượng ngựa ở các thành phố bùng phát, thì phân ngựa trở nên thừa mứa. Ở các bãi đất trống, phân ngựa chất thành từng cột cao hàng 18 mét. Phân ngựa dày trên đường hằn thành rãnh dài như khi trời có tuyết. Vào mùa hè, người dân những vùng này chịu tra tấn bởi mùi hôi thối còn khi trời mưa, những vũng lầy phân ngựa ngập ngụa lên cả vỉa hè và ngấm vào tận các tầng hầm các căn nhà.
Phân ngựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chúng là nguồn thức ăn dồi dào cho hàng tỷ loại ruồi nhặng mang trong mình những mầm dịch bệnh chết người. Chuột và những loài sâu bọ khác đào bới trong đống phân ngựa để tìm kiếm những hạt ngũ cốc chưa tiêu hóa hết. Những loại thức ăn cho ngựa - lúa mạch - trở nên đắt đỏ hơn vì nhu cầu thức ăn cho ngựa tăng cao.
Đi tìm vị cứu tinh
Năm 1898, thành phố New York đứng ra tổ chức hội nghị quốc tế về quy hoạch đô thị đầu tiên. Nội dung chủ yếu là giải quyết vấn đề liên quan đến phân ngựa, vì tất cả các thành phố lớn khác trên thế giới đều đứng trước cuộc khủng hoảng tương tự. Nhưng không tìm được giải pháp nào khả dĩ. "Vấp phải cuộc khủng hoảng này," Eric Morris viết, "hội nghị quy hoạch đô thị tuyên bố thất bại và giải án sau 3 ngày làm việc thay vì 10 ngày như dự kiến."
Tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều lâm vào một tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, họ không thể thiếu ngựa đồng thời cũng không thể chung sống với ngựa.
Và rồi vấn đề nan giải bỗng biến mất. Không phải do các chính phủ đưa ra được giải pháp, cũng chẳng phải có phép lạ nào can thiệp. Số lượng ngựa ở các thành phố không tăng lên không phải nhờ những cuộc biểu tình của đám đông nhằm thể hiện lòng vị tha hay sự tự kiềm chế, bất chấp những lợi ích do ngựa mang lại.
Vấn đề được giải quyết nhờ vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật: Ngựa bị đẩy lui ra các vùng ngoại ô vì sự xuất hiện của xe điện và xe hơi, cả hai loại phương tiện này đều cực kỳ sạch sẽ và tiện ích hơn.
Xe hơi, với giá thành rẻ hơn và tiện dụng hơn xe ngựa được tuyên bố là "vị cứu tinh của môi trường". Các thành phố trên thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm - cuối cùng họ không còn phải bịt mũi nữa - và lại tiếp tục tiến bước phát triển.