Không chỉ có smartphone, đây là lĩnh vực khác Samsung đang chứng tỏ vị thế ông lớn công nghệ
Không chỉ cạnh tranh quyết liệt với Apple trên thị trường smartphone, Samsung còn đối đầu với Quả Táo cắn dở trên một thị trường khổng lồ khác, nơi không phải ai cũng có thể đặt chân vào: thanh toán qua di động. Và kịch bản cũng tương tự như đã từng xảy ra với smartphone, Apple là kẻ đi đầu, Samsung là người xuất phát sau, nhưng tăng trưởng nhanh hơn để dần bắt kịp đối thủ.
Năm 2014, cùng với việc ra mắt bộ đôi iPhone 6 và iPhone 6 Plus, Apple cũng ra mắt giải pháp thanh toán di động của mình, Apple Pay, mở ra một lĩnh vực mới đầy tiềm năng cho smartphone. Theo dự báo về thanh toán di động của Business Insider, giá trị của các ví kỹ thuật số tại Mỹ có thể đạt đến mức 75 tỷ USD trong năm 2017 và đến mức 503 tỷ USD vào năm 2020.
Nỗ lực hết mình vì người dùng của người đi sau
Gần một năm sau đó, Samsung cũng giới thiệu giải pháp thanh toán di động của riêng mình, Samsung Pay. Dù là người đi sau, nhưng khác với đối thủ đi trước khi chỉ hỗ trợ các máy thanh toán loại mới trang bị NFC, Samsung Pay còn hỗ trợ cả công nghệ MST, vốn vẫn đang được sử dụng trên khoảng 80-90% máy quẹt thẻ tại Mỹ và gần như chiếm tuyệt đại đa số ở các khu vực khác.
Điều này có nghĩa đa số nhà bán lẻ cũng như các đơn vị chấp nhận thanh toán di động qua Samsung Pay, có thể sử dụng các loại máy quẹt thẻ hiện tại của họ, mà không phải chi thêm một số tiền không nhỏ để nâng cấp thiết bị của mình. Điều này đặc biệt quan trọng với thị trường bán lẻ tại châu Á, đặc biệt là Việt Nam, khi đại đa số máy quẹt thẻ trong khu vực này vẫn sử dụng công nghệ giao tiếp qua từ trường MST.
Mạnh tay hơn nữa khi vào tháng Mười Một năm 2016, Samsung còn đưa ra chương trình Samsung Rewards để trao các khoản tiền thưởng hoặc điểm thưởng cho người dùng sau mỗi giao dịch thanh toán của họ. Hai thị trường đầu tiên triển khai chương trình này là Mỹ và Hàn Quốc, và từ đầu tháng 9 năm nay, Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và là thị trường thứ ba trên thế giới triển khai chương trình này của Samsung.
Tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc
Đó là lý do vì sao ngay từ năm đầu tiên sau khi ra mắt, tổng giá trị các giao dịch qua Samsung Pay tại thị trường Hàn Quốc đã đạt mức 1,7 tỷ USD. Và đến giờ, chỉ sau 2 năm ra mắt, giá trị các giao dịch Samsung Pay xử lý tại thị trường Hàn Quốc đã tăng gấp hơn 5 lần lên hơn 8,76 tỷ USD.
Ngoài ra, tại hội chợ CES năm nay, giám đốc Samsung Pay, Nana Murugesan công bố các con số cho thấy chương trình Samsung Rewards đang thu được những kết quả rất khả quan: kể từ khi ra mắt chương trình này, lượng người dùng tích cực hàng tháng của giải pháp thanh toán di động này đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng người dùng, mà giải pháp thanh toán này cũng được sử dụng để chi trả tiền thường xuyên hơn. Lượng giao dịch trung bình hàng ngày của Samsung Pay đã tăng gần gấp đôi. Ngoài ra, lượng người dùng tích cực – những người sử dụng ví di động này một lần mỗi ngày – đã tăng gấp đôi sau mỗi tuần.
Không những vậy, theo một báo cáo của Bloomberg vào năm 2016, Samsung Pay đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cả Apple Pay, cho dù vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với người dẫn đầu. Trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2016, lượng người dùng Apple Pay tăng gấp 3 lần, từ 15 triệu lên 45 triệu người dùng, trong khi đó lượng người dùng Samsung Pay tăng gấp 6 lần, từ 3 triệu lên 18 triệu người dùng.
Samsung Pay rất giàu tiềm năng tại Việt Nam
Ông Cù Anh Tuấn, Tổng giám đốc ABBANK cho biết: “Khi triển khai Samsung Pay, ABBANK nhận định sản phẩm này sẽ đem lại nhiều lợi ích như sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng. Các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã áp dụng thành công, chúng ta không thể chậm hơn nữa. Đồng thời, hoạt động này cũng phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong việc hạn chế giao dịch tiền mặt. Hiện nay trên thế giới, thanh toán qua thẻ tín dụng vốn đã trở thành một thói quen nhưng tại Việt nam thì điều này vẫn còn hạn chế. Việc Samsung triển khai SamsungPay tại Việt nam sẽ giúp cho người dùng dễ dàng tiếp cận với hình thức thanh toán qua thẻ nhiều hơn”.
Trong khi các đối thủ khác vẫn chưa đoái hoài tới thị trường Việt Nam, bước đi nhanh nhạy của Samsung Pay không chỉ được đánh giá cao ở mặt xu hướng mà còn về khả năng thích ứng. Ở Việt Nam, các máy giao dịch trang bị NFC vẫn còn rất xa lạ nhưng MST thì lại tương đối phổ biến. Thay vì mất hàng năm trời thay đổi công nghệ để phù hợp, Samsung lại mang tới giải pháp có thể triển khai ngay lập tức, giúp ích cho hàng trăm nghìn cửa hàng, đại lý lớn nhỏ trên cả nước.
Tiềm năng của Samsung Pay mới chỉ ở bước đầu, nhưng chắc chắn, hiệu ứng mà nó mang lại sẽ không hề nhỏ.