Không chỉ 2024, đây mới là những năm "con giáp vàng" được người dân chọn sinh con nhiều nhất Việt Nam

16/03/2024 16:47 PM | Sống

Cùng là năm rồng, vì sao mức sinh của Việt Nam tăng vào năm 2012 và 2024, nhưng lại giảm vào năm 2000?

Vì sao chuộng sinh con năm Giáp Thìn 2024?

Rồng được xem là con vật linh thiêng nhất trong lịch của người châu Á, là biểu trưng cho quyền lực của bậc vua chúa thời xưa. Do đó, người ta quan niệm sinh con trong năm rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả gia đình.

Năm Giáp Thìn 2024 cũng không ngoại lệ, được xem là năm đẹp để sinh con, đặc biệt là con trai, nên từ bây giờ, rất nhiều bà mẹ đang tìm cách... canh trứng để có thể sinh được "quý tử".

Tại Việt Nam, ba ngày nghỉ Tết Giáp Thìn đầu năm, cả nước đã đón 7.680 em bé chào đời, tăng 9,6% so với cùng kỳ, theo thống kê của Bộ Y tế. Ba tháng qua, nhiều bệnh viện phụ sản ở TP HCM và Hà Nội ghi nhận số người đến khám thai, đăng ký sinh con tăng.

Không chỉ 2024, đây mới là những năm "con giáp vàng" được người dân chọn sinh con nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Khắp các quốc gia châu Á đều đang "chạy đua" sinh con năm rồng

Không chỉ Việt Nam, có nhiều ca sinh được ghi nhận vào năm rồng hơn bất kỳ năm nào khác trong chu kỳ 12 năm theo lịch của Trung Quốc. Năm 2000, năm Canh Thìn, tỷ lệ sinh ở Hồng Kông đã tăng hơn 5%. Trong khi đó, năm 2012, tức năm Nhâm Thìn, Trung Quốc đại lục chứng kiến gần 950.000 ca sinh tăng hơn so với năm trước.

Nhiều người Trung Quốc tin rằng rồng là cung hoàng đạo tốt lành nhất và những đứa trẻ sinh năm Thìn đều thông minh, duyên dáng, có tài hùng biện và giàu có suốt đời.

Thực tế, khá nhiều người nổi tiếng đều sinh vào năm Thìn. Nhà hoạt động dân quyền người Mỹ Martin Luther King Jnr sinh ngày 15-1-1929, tính tuổi âm vẫn là tuổi Thìn. Ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long sinh ngày 27-11-1940 cũng tuổi rồng.

Những năm con giáp có lượng sinh "khủng"

Chia sẻ trên VnExpress, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong cho biết, người Việt có xu hướng quan tâm đến cả can chi, chứ không chỉ riêng con giáp khi chọn năm đẹp, như câu 'Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài' từ ngày xưa. 

Ông Phùng Đức Tùng cũng từng công bố nghiên cứu cho thấy vào những "năm đẹp", số trẻ em sinh ra nhiều hơn 12% so với mức trung bình, dựa trên dữ liệu dân số giai đoạn 1977-1998.

Có tất cả 60 năm trong âm lịch, trong đó mỗi con giáp (chi) kết hợp với 5 can. Trích dẫn các sách về tử vi, nhóm tác giả nghiên cứu cho biết một năm được xem là đẹp cho việc sinh con hay không phụ thuộc vào cả can và chi. Ví dụ, năm Thìn đi với các can Nhâm và Giáp, được xem là đẹp; Canh, Bính, Mậu thì bình thường. Trong khi, hầu hết năm bắt đầu bằng can Đinh, Nhâm, Quý đều được coi là tốt, dù kết hợp với con giáp nào. Bằng chứng là, năm 2012 (Nhâm Thìn), mức sinh của Việt Nam tăng, nhưng lại giảm vào năm 2000 (Canh Thìn).

Không chỉ 2024, đây mới là những năm "con giáp vàng" được người dân chọn sinh con nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Cùng là năm rồng, nhưng người Việt sinh con còn phụ thuộc vào can chi

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê về tổng tỷ suất sinh (TFR) năm 2004 - năm có tỷ lệ sinh tăng đột biến, thực chất phản ánh mức sinh năm 2003 (năm Quý Mùi) - giai đoạn có nhiều trẻ được sinh ra nhất trong 22 năm qua. Đây được quan niệm là năm "Dê vàng", mang lại may mắn cho cả bé trai và gái. Nguyên nhân "năm đẹp" cũng được sử dụng để lý giải mức sinh cao bất thường nói trên trong nghiên cứu của Tổng cục Thống kê sau cuộc Tổng điều tra dân số 2009.

Ngoài ra, 2003 cũng là năm Pháp lệnh dân số ra đời, quy định cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với hoàn cảnh. Nội dung này được cho là khiến người dân hiểu lầm chủ trương của Nhà nước về chính sách "kế hoạch hóa gia đình" - mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con, đã thay đổi. Nhà chức trách sau đó phải ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết pháp lệnh, tiếp tục tuyên truyền mạnh chính sách mỗi gia đình dừng lại ở 2 con.

Hiện tượng mức sinh cao vào "năm đẹp" thường xuất hiện ở khu vực thành thị nhiều hơn nông thôn. Theo TS. Phùng Đức Tùng, nguyên nhân có thể do các gia đình ở đô thị tiếp cận thông tin về tử vi dễ dàng, cũng như lên kế hoạch cẩn thận hơn cho việc có con. Kết quả nghiên cứu của ông và cộng sự cũng phát hiện, nhóm phụ nữ có học vấn càng cao, tỷ lệ chọn năm sinh con càng lớn.

Ở nông thôn, hiện tượng TFR tăng rồi giảm đột ngột vào "năm đẹp" xuất hiện rõ nét năm Quý Mùi (2003), Giáp Ngọ (2014) và Canh Tý (2020). Trong khi, tại các đô thị, mức sinh tăng vào các năm Quý Mùi (2003), Tân Tỵ (2001), Đinh Hợi (2007), Nhâm Thìn (2012), Ất Mùi (2015), Kỷ Hợi (2019). Ngoại trừ năm 2001 và 2020, những năm còn lại đều được xem là đẹp, theo quan niệm dân gian.

Thêm vào đó, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam cũng ở mức cao nhất (113-114 bé trai/100 bé gái) vào các "năm đẹp" để sinh con trai theo tử vi.

Tổng hợp

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM