CEO Lozi: Làm start-up không cần biết nhiều
Đồng sáng lập của công ty được định giá 2 triệu USD làm việc 12-14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và cho rằng không cần biết quá nhiều trước khi khởi nghiệp.
Hơn 12 giờ trưa thứ Bảy, tại trụ sở Lozi trong một con hẻm trên con đường rất nổi tiếng trước đây – đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM), từng được mệnh danh là Phố Wall Việt Nam – khoảng 30 nhân viên hầu hết ở lứa tuổi 9X vẫn đang miệt mài làm việc, chỉ một số ít người đi ăn trưa. Hoàng Trung, đồng sáng lập và là CEO của Lozi, ngồi chung với mọi người. Rất khó nhận ra anh giữa hàng chục nhân viên ngoại trừ vẻ mặt cực kỳ tập trung làm việc với chiếc tai nghe gắn chặt vào tai.
“Em thường ngồi đến 9 giờ tối mới về. Nhiều bạn khác cũng vậy”, CEO của start-up vừa được rót triệu USD cho biết. Trung cho biết, anh đang kiếm văn phòng khác cho Lozi, đủ rộng để tất cả mọi nhân viên đều có thể ngồi chung, và phải cho làm việc đến 9-10 giờ tối, vì thông thường các tòa nhà cho thuê hiện nay lấy thêm phí khá đắt đỏ nếu công ty muốn ở lại làm việc sau giờ quy định.
Chúng tôi ngồi ăn trưa ở một quán ăn nhỏ phía dưới văn phòng Lozi, thi thoảng chàng trai sinh năm 1992 lại phải dừng ăn để hăng say chia sẻ về Lozi. Anh nói thích được gặp gỡ vào giờ ăn trưa để vừa ăn vừa chia sẻ công việc, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Mặc dù ăn phần ăn tương đương của tôi, nói lại nhiều hơn, nhưng chàng trai sinh ra ở Quảng Ngãi vẫn hoàn thành bữa ăn trước tôi và tiếp tục nói về tầm nhìn và hướng phát triển tiếp sau đó của Lozi, mạng xã hội chuyên về đồ ăn được định giá khoảng 2 triệu USD.
Trung nói Lozi sẽ không chỉ dừng lại là một mạng xã hội chia sẻ về đồ ăn thức uống, mà sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác. Anh cho tôi xem chức năng mới của Lozi, cho phép tìm kiếm các cửa hàng thời trang chung quanh khu vực người dùng đang đứng, tương tự với chức năng tìm cửa hàng ăn uống ban đầu mà Lozi phát triển.
Tương lai, Trung tiết lộ, Lozi sẽ phát triển thêm tính năng chat, để người dùng và chủ cửa hàng có thể giao tiếp với nhau trong việc gọi món, hỏi thông tin về món hàng… Trung nói Wechat là nền tảng đã tạo cảm hứng cho anh, ở đó người dùng chỉ việc dùng một ứng dụng nhưng có thể mua sắm, chat, và thỏa mãn nhiều yêu cầu khác của người dùng. Lozi sẽ phát triển theo hướng gần như Wechat, sẽ gói mọi dịch vụ vào một ứng dụng.
Nói về những nội dung đồ ăn thức uống, và kể cả các nội dung về thời trang mới mở có hình ảnh rất đẹp mắt, Trung cho biết, hầu hết nội dung đó là do người dùng đăng tải. Tất nhiên ban đầu, đối với các nội dung mới, Lozi phải tự sản xuất nội dung mẫu để người dùng làm theo. Cũng như Instagram có hình ảnh đã đẹp đồng đều, nên vô tình sẽ hướng người dùng đến việc phải chụp ảnh đẹp để chia sẻ cho cộng.
CEO Lozi cho biết giá trị cốt lõi mà công ty hướng đến chính là việc trở thành một công ty công nghệ, tạo ra một nền tảng đáng dùng để người sử dụng thích thú sử dụng, chứ sẽ không sản xuất nội dung như các công ty tương tự đang làm.
Tôi hỏi làm sao một chàng trai sinh năm 1992 bỏ đại học giữa chừng có thể điều hành công ty trị giá 2 triệu USD, với những thứ phức tạp như tài chính, kế toán, quản lý nhận sự, phát triển sản phẩm… Trung nói đối với một người khởi nghiệp, cần nhất là… không biết nhiều, vì biết nhiều quá có khi lại phân vân, không dám dấn thân. Đồng thời làm start-up cũng cần đức tính khiêm tốn, để có thể sẵn sàng học hỏi những kiến thức mình chưa biết, và mời về những người có thể bổ khuyết cho điểm yếu của mình.
Trung luôn nhấn mạnh việc không hề dùng từ “tuyển dụng” hay “thuê” nhân viên, mà là mời họ về cộng tác với mình. Anh giao hẳn một danh mục công việc cho mỗi người, do đó họ có quyền và không gian riêng để ra quyết định, vì thế hầu hết nhân viên đều chủ động và hăng say làm việc. Riêng việc phải làm nguyên ngày thứ Bảy cũng là một thỏa thuận bắt buộc khi nhân viên Lozi nhận việc.
Ngoài Trung và 3 người khác là đồng sáng lập đều khá nhỏ tuổi, Trung thuê thêm một người khác lớn hơn mình 6 tuổi để làm giám đốc. Bởi theo anh cần có tiếng nói của những người có kinh nghiệm trong nhiều tình huống giải quyết vấn đề.
Nhận được mức đầu tư triệu USD không phải là điều start-up Việt Nam nào cũng làm được. Trung chia sẻ, để đạt được việc này, cần nhất là phải tạo ra sản phẩm tốt, đồng thời công ty phải chứng tỏ được tầm nhìn thống nhất. Khi đó các nhà đầu tư sẽ tìm đến mình chứ không hẳn mình phải chạy đi tìm vốn tài trợ.