"Khởi nghiệp", “startup”, "lập nghiệp", "kinh doanh nhỏ" khác nhau như thế nào?
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Cố vấn Kinh doanh VBizPromo.com - Dịch vụ tư vấn kinh doanh và xúc tiến thương mại của người Việt tại Úc, có bài viết phân biệt khái niệm "Khởi nghiệp", “startup”, “entrepreneur” trong group Quản trị và Khởi nghiệp. Chúng tôi xin đăng lại bài của anh Anh Tuấn.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Cố vấn Kinh doanh VBizPromo.com - Dịch vụ tư vấn kinh doanh và xúc tiến thương mại của người Việt tại Úc, đã phân tích sự khác nhau giữa các khái niệm "Khởi nghiệp", “startup”, “entrepreneur” trên group Quản trị và Khởi nghiệp. Chúng tôi xin đăng lại bài viêt snafy.
Vài năm gần đây “khởi nghiệp” là chủ đề chính trong cộng đồng kinh doanh nước nhà. Năm 2016 được chọn là “Năm Quốc gia Khởi nghiệp” của Việt Nam. Nhà nhà, người người nói về khởi nghiệp, về startup, về tinh thần doanh nhân. Đó là điều đáng mừng.
Thế nhưng có lẽ việc hiểu chính xác bản chất của các khái niệm “khởi nghiệp”, “startup”, “entrepreneur” vẫn còn cần thêm nhiều tranh biện để làm sáng tỏ.
Bài viết ngắn dưới đây xin chia sẻ suy nghĩ của cá nhân tôi, một người rất yêu thích chủ đề khởi nghiệp, startup và trong vài năm gần đây có điều kiện làm việc trực tiếp với nhiều doanh nhân khởi nghiệp cả ở Úc và Việt Nam trong vai trò của một Cố vấn Kinh doanh, về những khái niệm này.
1. Trước hết, cá nhân tôi cho rằng việc so sánh “khởi nghiệp” và “startup” là một sự so sánh khập khiễng.
“Khởi nghiệp” hiểu nôm na là bắt đầu (khởi) một nghề nghiệp, sự nghiệp (nghiệp). Nếu chịu khó tra Google thì các bạn có thể thấy từ này đã được dùng nhiều chục năm nay, trước cả khi khái niệm “startup” hình thành ở Thung lũng Silicon bên Hoa Kỳ.
Ngày tôi còn nhỏ (tức cách đây vài chục năm) đã được nghe người lớn nói về việc “khởi nghiệp”. Thậm chí cách đây cả 2500 năm Khổng Tử đã nói “tam thập nhi lập” để khuyên người ta bắt đầu khởi nghiệp, lập nghiệp ở tuổi 30.
Trong khi đó với “startup”, ngay cả trong tiếng Anh cũng chưa có một định nghĩa được chấp nhận chính thức như chuẩn mực chung, nhưng các ý kiến còn khác biệt vẫn chia sẻ một điểm chung đó là "Startup là một danh từ chỉ một nhóm người, một tổ chức con người cùng nhau làm một điều không chắc chắn thành công".
Theo Neil Blumenthal, Đồng Giám đốc điều hành của Warby Parky được trích dẫn trên tạp chí Forbes thì : “A startup is a company working to solve a problem where the solution is not obvious and success is not guaranteed.” (tạm dịch: Startup là một công ty hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề mà giải pháp (đối với vấn đề đó) chưa rõ ràng và sự thành công không được đảm bảo).
Còn Eric Ries, tác giả cuốn sách “The Lean Startup: How Constant Innovation Creates Radically Successful Businesses” - một cuốn sách được coi là “cẩm nang gối đầu giường” của mọi công ty startup, thì: A startup is “a human institution designed to create new products and services under conditions of extreme uncertainty” (tạm dịch: startup “là một định chế/tổ chức con người được thiết kế nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn”) .
Các từ khóa ở định nghĩa trên bao gồm “human institution”, “new”, “extreme uncertainty”. Như vậy, “startup” trước hết là một tổ chức con người (có nơi dịch “tổ chức của con người”, theo tôi là thiếu chính xác bởi “human institution” phải được hiểu đó chính là con người) và những con người này tập hợp lại với nhau để sáng tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới mà chưa hề biết chắc liệu có tạo ra được những sản phẩm mới, dịch vụ mới đó hay không.
Nói đến đây, xin được tách ra để nói thêm, là nhiều người vẫn nhầm lẫn sản phẩm (product) của “startup” với bản thân “startup”. “Startup” là một tổ chức con người, do đó Nguyễn Hà Đông và cộng sự của anh là một “startup” còn Flappy Bird không phải là một “startup” mà là một sản phẩm của “startup” Nguyễn Hà Đông.
Ngoài ra, về mặt câu chữ, bản thân “khởi nghiệp” là một động từ (“khởi” là ngoại động từ + “nghiệp” là tân từ bổ nghĩa cho ngoại động từ), trong khi đó “startup” (lưu ý: “startup” chứ ko phải “start up”) là một danh từ. So sánh động từ với danh từ cũng như so sánh ki-lô-gam với ki-lô-mét vậy.
Tóm lại, trong khi “khởi nghiệp” là khái niệm chỉ việc bắt đầu tạo dựng công việc, sự nghiệp riêng thì “startup” là một trong những loại hình, cách thức mà người ta có thể lựa chọn để “khởi nghiệp”.
Nói cách khác, chúng ta hoàn toàn có thể nói, ví dụ, "một số bạn trẻ thay vì nộp đơn đầu quân cho các tập đoàn sau khi tốt nghiệp đã quyết định khởi nghiệp bằng cách thành lập startup trong lĩnh vực nông nghiệp".
2. Nếu muốn so sánh, thì có lẽ khái niệm nên đem vào so sánh và cũng là khái niệm người ta vẫn hay nhầm lẫn với “startup” nhất chính là “kinh doanh nhỏ” (tiếng Anh là “small business”).
Mặc dù như đã trích dẫn ở một vài cách định nghĩa trên, “startup” không hề có câu chữ nào bắt buộc phải là công ty về công nghệ, nhưng trong thời đại ngày nay, để giải quyết các vấn đề mới, chưa có giải pháp, thì có lẽ ứng dụng công nghệ là hướng đi đa số các startup phải lựa chọn. Do đó, cứ nói đến “startup” người ta lại liên tưởng ngay đến công nghệ (xin nhấn mạnh là công nghệ nói chung chứ không chỉ công nghệ thông tin). Đây cũng là lý do mà trong thực tế công việc tư vấn, như một quy ước không chính thức, chúng tôi vẫn hay dùng “small business startup” để phân biệt với “startup” vốn được hiểu rộng rãi là những công ty, dự án công nghệ.
Vậy “small business” khác với “startup” như thế nào? Xin tham khảo một câu trả lời tôi cho là rất dễ hiểu đăng trên Quora để viết lại câu chuyện vui dưới đây:
An và Bình là hàng xóm của nhau. Cả hai đều thấy họ cần có thêm bóng mát ở sân sau nhà mình. Nghĩ là làm ngay, Bình ra tiệm mua một cái dù lớn, dù hơi mắc tiền một chút nhưng có xài ngay, đỡ mệt đầu.
An lại chọn hướng khác, cô rủ bạn của mình là Pha đi ra chợ cây và mua về nhà một cây nhỏ. Ai cũng nghĩ An bị khùng, và quả đúng là cô ấy có tí khùng thật, vì sau khi trồng vào sân sau, bóng mát của cây chỉ đủ cho vài con kiến! Đã vậy, trong khi Bình ung dung ngồi cà phê chém gió dưới bóng mát của dù thì ngày nào An cũng phải đằm mình trong nắng gắt để tưới cây, nhỏ cỏ. Thế mà cũng chẳng ăn thua. Được vài tuần cây chết, vì không hợp thổ nhưỡng.
An không bỏ cuộc, cô lại cùng Pha tiếp tục chọn các loại cây khác để trồng. Cuối cùng một trong số cây họ hú họa chọn về đã bám rễ và phát triển rất nhanh. Dù vậy, nó vẫn chưa tạo được bóng mát cũng không cho quả, trái lại còn hút rất nhiều nước, và tiêu tốn vố số công sức thời gian và tiền bạc của An và Pha.
Nhưng rồi mấy năm sau cây của An cũng lớn. Nó tỏa bóng mát không chỉ cho sân sau nhà An mà còn cho mấy nhà lân cận hưởng sái. Cây còn cho quả và nhiều lợi ích khác nữa. Trong khi đó cái dù của Bình mua thì vẫn vậy. Không lớn hơn, không cho quả, thậm chí còn bị xập xệ đi.
An và Pha trồng cây là là ví dụ về một “startup”, còn Bình mua dù là ví dụ về “small business”.
Một “small business” là một tổ chức tự tồn tại được thiết kế với mục đích tạo ra doanh số, thậm chí là lợi nhuận, ngay từ ngày đầu tiên. Nó không đòi hỏi nhiều đầu tư và ít rủi ro hơn so với “startup”, tuy nhiên, nó không có khả năng mở rộng (upside), ít có cơ hội trở thành to lớn. “Startup”, trái lại, chẳng những không đưa đến lợi ích tức thời mà còn tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, và đa phần thất bại trước khi có được một dự án, sản phẩm thành công. Nhưng một khi đã thành công, sản phẩm của “startup” có thể tạo ra nhiều lợi ích một cách dài hạn, có thể nhân rộng, trở thành vĩ đại và có thể tạo “mầm để mọc thêm các cây con”.
3. Cuối cùng, xin nói một chút về “entrepreneur” (chưa tạm dịch vội vì nó phụ thuộc vào hiểu từ này thế nào).
Có người dịch “startup” là “khởi nghiệp” và “entrepreneur” là “lập nghiệp”. “Startup” và “khởi nghiệp” thì như đã trình bày ở trên, còn “entrepreneur” thì nên hiểu thế nào đây?
Theo Từ điển Oxford, “entrepreneur” là “a person who makes money by starting or running businesses, especially when this involves taking financial risks” (tạm dịch: một người kiếm tiền bằng cách bắt đầu công việc kinh doanh hoặc vận hành công việc kinh doanh, đặc biệt là khi việc này bao gồm sự chấp nhận rủi ro về tài chính).
Như vậy rõ ràng “entrepreneur” là một danh từ chỉ một kiểu người yêu thích rủi ro, chọn việc kinh doanh để kiếm tiền. Và theo Eric Ries, “entrepreneurship is management” - quản trị trong các “startup” cần phải được thực hiện bằng tinh thần, kỹ năng của “entrepreneur”, nghĩa là “startup”, vốn là một tổ chức con người chứ ko phải một sản phẩm, đòi hỏi một kiểu quản trị mới để đáp ứng được “các điều kiện cực kỳ không chắc chắn” như nói ở trên. Eric Ries thậm chí còn cho rằng, “entrepreneur” cần được coi là một chức danh công việc (job title) trong các công ty hiện đại - những công ty mà dựa vào “innovation” để phát triển trong tương lai. Nói cách khác, những người tham gia “startup” chính là những “entrepreneur” (nhưng ngược lại, “entrepreneur” không nhất thiết phải làm “startup” mà họ có thể làm “small business” như đã phân tích ở trên.)
Như vậy nói “entrepreneur” là “lập nghiệp” là không chính xác. Chưa kể là, tương tự như “khởi nghiệp”, “lập nghiệp” cũng là một động từ chỉ việc thành lập, tạo dựng (lập) một công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp (nghiệp). Bạn có thể “lập nghiệp” bằng cách cùng cộng sự thành lập một “startup”. Bạn cũng có thể mở một tiệm cà phê nhỏ (small business) và tự hào mình là một “entrepreneur” thực sự. Nhưng liệu có từ tiếng Việt nào khả dĩ để sử dụng tương đương cho “entrepreneur” hay không? Câu trả lời xin dành cho các bạn.
Với những chia sẻ cá nhân như trên, tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, phản biện của mọi người để chúng ta cùng nhau có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về “khởi nghiệp” từ đó tăng thêm phần tự tin (tôi cho rằng, không ít các bạn không có kiến thức hay kỹ năng công nghệ ít nhiều bị chùn bước hoặc cảm thấy hoang mang khi thấy những người thành đạt khẳng định “khởi nghiệp” phải là về công nghệ), và quyết tâm để khởi nghiệp thành công, vì một “Việt Nam – Quốc gia khởi nghiệp”.