Khởi nghiệp bằng 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tàng, Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ “Tôi lúc nào cũng khao khát để học”
“Thời tôi khởi nghiệp có cái khó, có cái thuận. Có vẻ thuận hơn các bạn trẻ khởi nghiệp bây giờ. Lúc đó, khởi nghiệp không có nhiều sự lựa chọn, không có công nghệ mà chỉ theo thực tế xã hội. Khi đó, đơn giản là đời sống thiếu cái gì thì mình làm cái đó”, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (TLG) chia sẻ tại sự kiện “YBA Share - Chuyện chưa bao giờ kể” do hội doanh nhân trẻ Tp.HCM tổ chức.
“Nếu không có quá trình tự trau dồi kiến thức, tôi nghĩ mình chẳng được thể có được ngày hôm nay…”
Khởi nghiệp từ năm 1981, sau gần 40 năm, ông Cô Gia Thọ (sinh năm 1958) đã tạo dựng cho mình một “đế chế” trong ngành sản xuất, kinh doanh văn phòng phẩm. Hiện Thiên Long Group có gần 3.500 nhân viên trong và ngoài nước, sản phẩm “phủ” trên 61 quốc gia.
Được biết đến là người khởi nghiệp với 2 chỉ vàng và một chiếc xe đạp cà tàng, đi bán dạo bút khắp thành phố. Năm 1981, với số vốn ít ỏi Cô Gia Thọ thành lập ra một cơ sở sản xuất hộ gia đình Bút Bi Thiên Long. “Đó là một quá trình dài khó khăn. Và tôi thì lúc nào cũng khao khát để học, để vượt qua giai đoạn khó khăn đó, để có được ngày hôm nay”, ông Cô Gia Thọ chia sẻ.
Hồi đó, vì cơ sở nhỏ nên không có vốn nhiều. Làm kiểu cuốn chiếu. Trong một tuần mua nguyên liệu sản xuất được khoảng 3.000 chiếc, có sản phẩm xong sang ngày hôm sau đi bán vòng vòng ở các quầy sách, báo và thu tiền mặt tại đó. Vì không có vốn nên không bỏ mối sỉ được, vì bỏ mối sỉ sẽ bị nợ. Sau khi bán xong, lấy tiền đó đi mua nguyên liệu tiếp. “Cứ như thế, chịu cực dữ lắm. Vì lúc cơ sở còn nhỏ, mình làm là chính. Làm từ khâu nhập hàng, sản xuất đến bán hàng”, Chủ tịch Thiên Long nhớ lại.
Khởi nghiệp với 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tầng, Cô Gia Thọ đã tạo dựng cho mình một “đế chế” trong ngành sản xuất, kinh doanh văn phòng phẩm “phủ” trên 61 quốc gia. Ảnh: P.N
“Lúc nào trong tôi cũng khao khát được học, được vô tập thể nào đó để học. Khi đã chọn con đường kinh doanh văn phòng phẩm phải học từ cái nhỏ nhất. Nếu cứ có cơ hội được đi học hay tham gia các khóa học liên quan đến ngành sản xuất kinh doanh là tôi lại muốn được tham gia. Ngay cả khi tôi tuyển chọn những người giỏi, người tốt vào công ty, tôi cũng học hỏi từ họ. Tôi cứ nghĩ, đời người phải có cái gì đó để hướng vào, tạo tiền đề để phát triển thì mới tốt lên được”, ông Cô Gia Thọ bộc bạch.
Theo ông Gia Thọ, thời đó khởi nghiệp có cái khó, có cái thuận. Nhưng có vẻ thuận hơn các bạn trẻ bây giờ. Khó vì hồi đó khởi nghiệp không có nhiều lựa chọn các lĩnh vực, chủ yếu là theo thực tế xã hội mà làm. Hồi đó, đời sống thiếu nhu yếu phẩm, mặt hàng bút cũng là một nhu yếu phẩm rất cần thiết. Mình vừa làm, vừa học hỏi rồi từng bước đi lên. Còn bây giờ các bạn trẻ khởi nghiệp cái lợi là có nhiều sự lựa chọn lĩnh vực hơn, có công nghệ hỗ trợ nhưng sự cạnh tranh vì thế cũng khốc liệt hơn.
“Khi khởi nghiệp, nếu không có quá trình tự trau dồi kiến thức, tôi nghĩ mình chẳng được thể có được ngày hôm nay…”, ông Cô Gia Thọ giãi bày.
“Con đường khởi nghiệp của tôi vinh hạnh vì được trải qua từng mô hình phát triển kinh tế của đất nước, từ hộ gia đình, cơ sở cá thể, cơ sở sản xuất rồi lên mô hình hợp tác xã. Sau đó là Thành lập Công TNHH, Công ty CP. Và cũng là Công ty IPO sớm nhất, niêm yết trên sàn… Từ những trải nghiệm như vậy, để thấy được đất nước thay đổi hàng ngày”, ông Cô Gia Thọ cho hay.
Nếu tôi không rành cái gì, tôi sẽ tuyển người giỏi vào làm và ngoài đãi ngộ thì phải cho họ sự tín nhiệm
“Mà muốn đạt được sự tín nhiệm, sự tin tưởng từ nhân viên thì phải áp dụng phương pháp: “Lợi người trước, ít người sau”, nghĩa là người lãnh đạo phải có suy nghĩ là cho đi trước, nhận về sau”, Chủ tịch Thiên Long Group chia sẻ.
Theo vị Chủ tịch này, năm 1990, khi mà cơ sở còn sơ khai, bản thân ý thức được cái thiếu nhiều nhất của mình là kỹ thuật. Trong 10 năm đầu khởi nghiệp, rất ít thông tin từ bên ngoài lẫn bên trong về yếu tố kỹ thuật. Mà bản thân lại rất cần cái đó để cải tiến trong sản xuất, đưa doanh nghiệp đi lên.
“Lúc đó khởi nghiệp là từ gia đình đi lên, vì kinh tế mà lập ra công việc đó chứ hoàn toàn chưa tiếp thu được kỹ thuật tiên tiến để đạt được mong muốn trong kinh doanh. Lúc đó, tôi nghĩ chắc chắn phải có con người, phải tập hợp được nhiều con người lại để cùng nhau đạt được điều đó. Mình không rành cái gì thì mình phải tuyển người giỏi vào làm”, Cô Gia Thọ cho biết.
Khi đó, Cô Gia Thọ bắt đầu tuyển các bạn trẻ từ những môi trường tốt ra và những người có kinh nghiệm, làm giỏi. Làm sao tập hợp được nguồn lực theo cách của mình, đạt theo ý mình đề ra, bên cạnh đó phải liên tục cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh. Cho tới hôm nay vẫn như thế. “Vì doanh nghiệp nhỏ nên điều đầu tiên yêu cầu là những nhân lực đó phải rất gắn bó và dốc hết mình”, Chủ tịch Thiên Long chia sẻ.
Mà để họ dốc hết lòng thì phải có phương pháp quản trị con người. Phương pháp dễ nhất mà các doanh nghiệp hay làm là sự đãi ngộ tốt. Nhưng, quan trọng hơn sự đãi ngộ là sự tín nhiệm (uy tín, tin cậy). Tín nhiệm sẽ tạo ra sự gắn bó. Mà để có được sự tín nhiệm thì người lãnh đạo phải suy nghĩ cho đi trước, nhận về sau.
Đồng thời, để nhân viên gắn bó phải có sự tôn trọng họ, phải gắn kết được họ với nhau. Một khi con người đã được tôn trọng, thân thiết thì nguồn lực tạo ra là rất lớn. Mà khi đã có nguồn lực, có đội ngũ tốt thì mới có thể đưa công ty tốt lên được. Trong quản trị con người nhất định phải có đòn bẩy, có hệ thống đưa vào.
Theo Chủ tịch Thiên Long Group, trong quản trị con người, tạo sự tín nhiệm khó hơn chế độ đãi ngộ
Theo ông Cô Gia Thọ, các bạn trẻ khởi nghiệp ở giai đoạn đầu thường thiếu đủ thứ: Tiền vốn không nhiều, không kinh nghiệm quản lý, khó khăn nhân sự, rồi cả những khó khăn khi bị cạnh tranh bởi các công ty hiện có.
“Nếu mình không trả lương bằng công ty người ta thì mình phải có những chế độ như cổ phần cho những người đóng góp cho công ty”, ông Cô Gia Thọ chia sẻ bí quyết.
Theo vị Chủ tịch Thiên Long, phải có cách để phân chia lợi nhuận ngoài lương cố định (vì bản thân các công ty khởi nghiệp lương không tranh được các công ty đã ổn định). Mà lợi nhuận đó phải là là lợi nhuận ròng, trích bao nhiêu % chia cho các cấp…
“Chỉ khi chia lợi nhuận, nhân viên sẽ làm việc của công ty như làm cho họ. Khi giao quyền tự chủ cho họ, họ làm họ có lợi nhuận sẽ khác hẳn là làm vì lương. Đặc biệt, trong một nhóm người làm việc như vậy, chia lợi nhuận sẽ sản sinh ra sự cạnh tranh. Mà sự cạnh tranh sẽ làm thay đổi công việc, công ty sẽ chọn lọc ra những người ở lại rất “tinh hoa”. Và chính điều này khiến doanh nghiệp ngày càng tốt lên”, Chủ tịch Thiên Long Group chia sẻ.