Khoe mẽ là hành vi của kẻ ngốc: Học 4 bí quyết của người có EQ cao để giao tiếp thông minh, ứng xử khéo léo, cuộc đời bớt chông gai
Người có EQ cao sẽ không tự biến bản thân thành kẻ ngốc khi đôi co với người đã không hiểu mình, mà phải hóa giải vấn đề một cách êm thấm nhất.
Con người sống không thể thiếu đi các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, tạo dựng quan hệ thì dễ nhưng duy trì bền lâu lại là chuyện vô cùng khó.
Giao tiếp là điều kiện cốt lõi để hình thành nên các sợi dây liên kết giữa người với người trong xã hội. Thế nhưng không mấy ai có đủ kỹ năng để giao tiếp thông minh, mà chỉ khiến tình cảm tan vỡ dần, cuối cùng phải đối diện với cảnh “mất bạn, mất tình, mất nhân duyên”.
Muốn trở thành "cao thủ" trong giao tiếp, bạn nên học 4 kỹ năng ứng xử sau đây của người có EQ cao để có cái nhìn chuẩn mực hơn trong cách nói chuyện và phát triển các mối quan hệ:
1. “Tôi chỉ muốn tốt cho bạn thôi, vì vậy hãy thay đổi đi”
Thay đổi hay không là quyền của mỗi người, không ai được phép bắt buộc hay cưỡng ép. Có lòng tốt khuyên răn là chuyện đúng đắn, nhưng một khi ý tốt trở thành sự bắt buộc thì kết quả sẽ phát triển theo hướng cực đoan.
Điều chúng ta có thể làm là cho họ ý kiến, sau đó là quyền lựa chọn của họ. Đương nhiên, vận mệnh là do mỗi người tự quyết định và nắm bắt.
Nhiều người ngoài miệng nói rằng chỉ muốn tốt cho đối phương nên mới khuyên họ thay đổi, nhưng thực chất lại bắt người khác hành xử theo ý mình. Ý tốt giờ đây đã bị biến tướng và không phải xuất phát từ thành tâm đúng nghĩa.
Nếu xem đối phương là người quan trọng thật sự, bạn hãy đưa ra lời khuyên chân thành để họ nhìn nhận khiếm khuyết. Hai con người có mối quan hệ gắn kết sẽ biết thấu hiểu và cảm nhận đối phương thiếu sót những gì.
Đương nhiên, bạn cũng nên xem việc người khác không đồng ý thay đổi là chuyện bình thường. Đến lúc này, khi mọi chuyện đã khiến bạn không thể chịu đựng được nữa thì hãy bắt đầu suy nghĩ đến việc ra đi. Ép đối phương thay đổi chỉ vừa mệt ta vừa mệt người.
2. Không nên cảm thấy tội lỗi khi từ chối người khác
Chúng ta thường có tâm lý sợ mất đi bạn bè nếu từ chối sự nhờ vả của họ. Thật ra, từ chối là chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống. Bảo vệ quyền lợi của bản thân, không để người khác gây thêm phiền phức và gánh nặng là việc hoàn toàn hợp tình hợp lý.
Sống trên đời, bạn phải hiểu được một điều: Chúng ta tôn trọng người khác, không đồng nghĩa với việc ta phải thuận tòng xuôi theo họ.
Trong thế giới của người trưởng thành, im lặng cũng là một cách để từ chối.
Nếu suy ngẫm lại, cho dù dang tay giúp đỡ nhiệt tình và tận tâm đến cách mấy thì cũng chưa chắc nhận lại được điều gì đó chân thành, thậm chí còn bị hằn học ngược lại nếu kết quả không vừa ý họ.
Giúp đỡ là chuyện nên làm, nhưng chỉ giúp khi bản thân cảm thấy thoải mái và tình nguyện. Đừng nên giúp đỡ trong miễn cưỡng và hãy dứt khoát từ chối nếu bản thân không muốn cho đi.
3. Giữ được sự bình tĩnh cho dù bất đồng quan điểm
Sống trên đời này, chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Có những loại người, cho dù chúng ta làm gì hay nói gì cũng đều không thể khiến họ vừa ý, lúc nào cũng chực chờ để ta sơ hở thì phản kích.
Là một người nói chuyện thông minh, bạn phải biết cách khiến đối phương cảm thấy thoải mái nhất. Cho dù họ có đưa ra những quan điểm khác với tư tưởng của bản thân thì cũng nên xử sự khéo léo, để họ bày tỏ trọn vẹn ý kiến rồi mới bổ sung để cải thiện.
Người có EQ cao sẽ không tự biến bản thân thành kẻ ngốc khi đôi co với người đã không hiểu mình, mà phải hóa giải vấn đề một cách êm thấm nhất.
Hãy sử dụng “cái đầu lạnh” để giao tiếp và đối nhân xử thế. Bốc đồng và xốc nổi chỉ khiến bạn tự hủy hoại bản thân và mất đi các mối quan hệ mà thôi.
4. Khoe mẽ cho những nỗ lực của bản thân là trò vô bổ
Bạn cố gắng là chuyện của bạn và là vì bản thân bạn. Việc bạn dành trọn 100% tâm huyết để phấn đấu cho mục tiêu cũng không hề liên quan đến người khác. Hành động khoe khoang nỗ lực một cách lố lăng không hề khiến cho kết quả trở nên tốt hơn, thậm chí còn rước về những sự ghét bỏ và khinh khi.
Nhiều người cho rằng kể lể những chuyện mình đã làm để những người xung quanh biết bản thân có bao nhiêu cố gắng, từ đó ngưỡng mộ và trọng vọng. Tuy nhiên, chẳng mấy ai thèm để ý cả vì chung quy họ không hề hưởng được lợi lộc gì từ nỗ lực của bạn. Những lời khen ngợi chỉ đơn thuần là lời nói vô thưởng vô phạt.
Sự may mắn và kết quả tốt nhất đến từ năng lực, tầm nhìn xa trông rộng, nghị lực, từ luật tự cường và dũng khí của con người.
Muốn làm tốt việc gì đó, trước tiên hãy làm một người khiêm tốn, chuyên tâm vào quá trình chứ không phải lãng phí thời gian vào việc thể hiện bản thân đã đạt được những gì với thiên hạ.
Hãy dùng con tim chân thành và nhịp sống trầm lặng để xử sự và hành sự. Đợi đến khi nhận được kết quả mỹ mãn, bạn chia sẻ thành tích với những người thân thuộc và quan trọng cũng chưa muộn.
(Nguồn: Zhihu)