'Kho báu' 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì: Bí quyết giúp Trung Quốc đảm bảo lương thực khi 230 triệu người phải cách ly

31/08/2021 08:44 AM | Xã hội

Khoảng 230 triệu người Trung Quốc đã bị cách ly mùa dịch Covid-19 vào đợt cao điểm và việc cung cấp đủ thực phẩm cho người dân trở thành câu hỏi hóc búa hơn bao giờ hết.

Nguồn ảnh: SCMP
Nguồn ảnh: SCMP

Vào đợt cao điểm của đại dịch Covid-19, hơn 230 triệu người Trung Quốc đã phải nằm trong diện cách ly và một trong những điều các nhà hoạch định quan tâm nhất lúc đó là làm sao để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.

Việc thực hiện cách ly chắc chắn sẽ khiến mọi người sợ hãi, đổ dồn đi tích trữ lương thực khiến giá cả tăng cao. Thế nhưng tại những thành phố bị giãn cách của Trung Quốc, giá cả vẫn như thường, có chăng chỉ đi lên một chút.

Vậy Trung Quốc đã làm thế nào để đảm bảo được giá lương thực tại những thành phố lớn khi cách ly?

Đa dạng hóa phân phối

Theo tờ Channel News Asia, một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh lương thực cho người dân thành phố khi cách ly là đa dạng hóa kênh phân phối. Trên thực tế đại dịch đã kích thích thương mại điện tử cùng các chợ online, qua đó trở thành hẳn một ngành kinh doanh mới tại Trung Quốc.

Kho báu 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì: Bí quyết giúp Trung Quốc đảm bảo lương thực khi 230 triệu người phải cách ly - Ảnh 1.

Giao hàng mùa dịch tại Trung Quốc. Nguồn ảnh: Business Insider

Khi hàng triệu người dân mắc kẹt ở nhà, các chợ trực tuyến trở thành nơi giao thương mới. Tại những đô thị lớn, việc chuyển đổi từ kinh doanh offline sang online vô cùng nhanh chóng bởi hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Các ước tính cho thấy số khách hàng dưới 25 tuổi tại Trung Quốc mua sắm online đã tăng hơn 250% trong mùa cao điểm của đại địch. Con số này là gần 400% với các khách hàng trên 55 tuổi.

Xin được nhắc là Trung Quốc có hệ thống thanh toán trực tuyến và mua sắm online thuộc hàng phát triển nhất thế giới. Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại các thành phố lớn từ trước khi dịch diễn ra đã góp phần quan trọng giúp người dân duy trì được cuộc sống lúc giãn cách.

Một số báo cáo cho thấy nhiều nền tảng kinh doanh thực phẩm online tại Trung Quốc đã có mức tăng trưởng doanh số thường niên lên tới 470% trong mùa dịch. Hàng triệu đơn hàng đã được đặt mỗi ngày với đội ngũ vận chuyển đến tận từng khu chung cư.

Chương trình 'rổ rau'

Trên thực tế, sự thành công của hoạt động chợ trực tuyến tại Trung Quốc sẽ không thể có nếu thiếu chương trình an ninh lương thực dài hạn mang tên "Rổ rau" (Vegetable Basket Programme) của chính phủ.

Chương trình này được xây dựng từ năm 1998, theo đó yêu cầu các thành phố lớn phải đảm bảo cung ứng được những lương thực phi ngũ cốc như rau, thịt với mức giá phải chăng và vệ sinh an toàn cho người dân vào lúc cần thiết.

Thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch đầu tiên của Trung Quốc là một trong 35 đô thị lớn được chính quyền trung ương kiểm tra 2 năm/lần về kế hoạch này. Nhờ đó mà an ninh lương thực của người dân vẫn được đảm bảo sau lệnh giãn cách.

Các thành phố sẽ được chấm điểm cao trong những lần xét duyệt trên nhờ vào các cải tiến như cơ sở hạ tầng cho giao hàng trong khu dân cư, tủ lấy đồ có mật mã, phân bổ điểm kinh doanh thực phẩm như siêu thị, chợ dân sinh...

Những cuộc kiểm tra trên đều khá nghiêm ngặt nhằm đảm bảo mạng lưới cung ứng thực phẩm với được đến mọi hộ gia đình. Thậm chí chính các địa phương cũng tự đặt ra các mục tiêu rõ ràng tùy tình hình nhằm thực hiện cam kết với chương trình "Rổ rau".

Kho báu 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì: Bí quyết giúp Trung Quốc đảm bảo lương thực khi 230 triệu người phải cách ly - Ảnh 2.

Ví dụ như Nam Kinh, thành phố có 8 triệu dân này đã đặt mục tiêu tự cung tự cấp rau xanh cho 90% hộ gia đình tại đây trong khoảng 2008-2012.

Để đạt được những mục tiêu này, chính quyền địa phương phải có một kế hoạch chặt chẽ nhằm bảo hộ đất nông nghiệp cũng như duy trì hoạt động trồng lương thực. Nhiều thành phố của Trung Quốc có những vùng đất rộng quanh khu đô thị chính và nhờ các trang trại bao quanh mà họ có thể đạt được mục tiêu này.

Dự trữ lương thực

Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã vận hành nhuần nhuyễn chương trình dự trữ lương thực. Họ mua vào nhiều loại thực phẩm chiến lược như ngũ cốc hay thịt lợn với giá rẻ rồi tung ra thị trường khi thiếu nguồn cung hoặc giá quá cao để bình ổn.

Năm 2018, tổng mức dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc đạt khoảng 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì và 8 triệu tấn đậu nành. Lượng dự trữ này đảm bảo được nửa tháng cung ứng cho các thành phố lớn.

Trong thời điểm cao trào của đại dịch, chính phủ Trung Quốc đã mở kho dự trữ ở nhiều cấp để đối phó tình hình.

Ngoài ra, hệ thống vận tải cũng được chính phủ tập trung nhằm chi viện cho các nơi bị giãn cách. Các quan chức sẽ đàm phán với các nguồn cung ở những vùng khác nhằm dồn lương thực cung ứng cho vùng dịch. Những tệ nạn tích trữ đầu cơ cũng sẽ bị chính phủ mạnh tay trấn áp nhằm ngăn chặn vật giá leo thang.

*Nguồn: Channel News Asia

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM