Khó ăn nói với gia đình, họ hàng vì không có thưởng Tết

23/12/2022 10:42 AM | Sống

Dù không trông ngóng gì nhưng freelancer vẫn có những nỗi niềm xoay quanh chuyện thưởng Tết.

Một trong những đề tài được nhiều người quan tâm nhất mỗi dịp cuối năm chính là thưởng Tết. Nhưng cũng có không ít người chấp nhận đứng ngoài cuộc trong câu chuyện này. Đó là các freelancer - người làm công việc tự do.

Xác định tự làm chủ mình nên không mong thưởng

Minh Quang (23 tuổi, Hà Nội) nghỉ việc từ giữa năm 2022 và đã làm freelance lĩnh vực marketing khoảng nửa năm nay. Chia sẻ về cảm giác khi mọi người rục rịch hóng thưởng Tết hay quà cáp từ công ty, cậu bạn tâm sự: 

“Từ khi còn đi làm ở công ty, mình đã chạnh lòng khi thấy anh chị em, bạn bè khoe thưởng ở những đơn vị công tác có chế độ đãi ngộ tốt. Nhưng công việc và quyền lợi của mỗi người mỗi khác nên đó là chuyện bình thường. Bây giờ khi làm freelancer thì suy nghĩ chạnh lòng chỉ thoáng qua thôi, thậm chí không có vì mình chấp nhận với lựa chọn của mình”. 

Nói rõ hơn về sự chấp nhận này, Quang cho biết đã làm việc tự do thì chắc chắn là không có thưởng Tết. Đổi lại, cậu bạn sẽ có những khoản “thưởng” khác: “Số người làm tự do có thưởng Tết chắc chỉ khoảng 1 - 2%, không tính những bạn tự thưởng cho chính mình. Theo tình hình cá nhân thì thu nhập hàng tháng của mình đã có phần nhỉnh hơn so với công việc đi làm bình thường, lạc quan mà nói thì đó có thể là ‘thưởng’ rồi”.

Khó ăn nói với gia đình, họ hàng vì không có thưởng Tết - Ảnh 1.

Ai làm công việc tự do cũng xác định từ đầu về chuyện thưởng Tết (Ảnh: Pinterest)

Hoàng Hoa (26 tuổi, Hà Nội) cũng đã có một thời gian dài làm việc tự do trong mảng marketing. Từ quan điểm của mình, cô cho biết freelancer giúp chủ động được thời gian và không gian làm việc nhưng ngược lại sẽ có nhiều vấn đề bất cập và 1 trong số đó là thưởng Tết:

“Thời gian làm việc thất thường, ngủ ngày cày đêm là chuyện bình thường nên mọi người xung quanh đều nghĩ mình thất nghiệp. Khách hàng muốn sửa, muốn huỷ thì cứ dí mình thôi, không cần thông qua phòng ban hay gì cả. Không có lương cố định, không có bảo hiểm, không có thưởng Tết, các chính sách làm thêm giờ,... dù nếu tính toán kỹ càng thì lương và hoa hồng hàng tháng cũng tạm ổn”. 

Nhưng Hoàng Hoa còn tiết lộ thêm, cuối năm cũng là mùa ăn nên làm ra của freelancer marketing, nếu cố gắng sẽ có một khoản kha khá bù đắp cho Tết: “Cuối năm ngoái mình cũng khá ổn vì đợt này mùa lễ hội, nhiều sự kiện liên tiếp như Black Friday, Noel, năm mới,... Thường thì tuỳ theo tỷ lệ và ngân sách mà mình sẽ nhận cọc trước khoảng 50% hợp đồng, có nhãn trả đến 70% luôn. Vì vậy mà không được thưởng Tết nhưng cuối năm sẽ kiếm tốt nhất và bận nhất. Thậm chí không có thời gian để chạnh lòng chuyện thưởng Tết luôn”.

Ngoài ra Hoàng Hoa cho biết thêm nếu freelancer làm cộng tác viên hoặc nhận việc thuê ngoài cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền thông, marketing,... thì có thể có thưởng Tết, quà Tết. Tuy nhiên có số này không đáng kể, chỉ khoảng một vài triệu đồng. 

Khó ăn nói với gia đình, họ hàng vì không có thưởng Tết - Ảnh 2.

Không có thưởng Tết nhưng nhiều người làm freelance vẫn có thu nhập ổn cuối năm (Ảnh: Pinterest)

Nỗi niềm cuối năm, thưởng Tết của freelancer

Dù đã xác định rõ ràng như vậy nhưng các freelancer vẫn gặp nhiều vấn đề liên quan đến chuyện thưởng Tết và công việc cuối năm. 

Với Minh Quang, đó là gia đình, họ hàng. “Mình không biết nói sao với gia đình. Dù bố mẹ luôn tôn trọng quyết định của mình, chấp nhận việc mình ‘không đi làm văn phòng mà chỉ toàn ôm máy tính’ thì mỗi dịp Tết đến xuân về mà cũng ít nhiều khó nói. Bố mẹ không biết mình đã và đang làm gì nhưng mình cũng không trách hay khó chịu gì. Vì việc thiếu định hình trong công việc như làm văn phòng, có vị trí, có tên công ty làm các bậc phụ huynh khó thông cảm cho con cái làm freelance” - cậu bạn tâm sự. 

Không dừng lại ở đó, Minh Quang còn phải đối diện với họ hàng vào dịp Tết: “Bố mẹ có thể thương con, cố gắng động viên hay tạm thời bỏ qua việc con cái không đi làm văn phòng nhưng họ hàng thì khó hơn. Họ không có đủ sự hiểu biết và liên quan tới cuộc sống của mình để có thể thông cảm. Đôi khi, freelancer còn bị đàm tiếu về sự nghiệp từ họ hàng, hàng xóm. Mình chưa trực tiếp gặp chuyện này nhưng được nghe bạn bè kể lại. Vậy nên có lạc quan thì cũng khó tránh được ý kiến của người khác”

Để có một khoản chi tiêu trong Tết, Quang vừa tiết kiệm mỗi tháng vừa cố gắng “cày” thêm cuối năm. “Năm nay mình dự định chi tiêu khoảng 15 - 20 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Thứ nhất là vì mình đang không có nguồn thu cố định như lúc đi làm ở công ty. Thứ hai là mình chưa biết tình hình kinh tế năm tới thế nào nên cần có sự tính toán phù hợp trong chi tiêu” - Minh Quang tính toán. 

Trong số tiền đã dự định, cậu bạn sẽ dùng 1/2 để biếu bố mẹ, phụ chuyện nhà cửa dịp Tết và 1/2 để mừng tuổi, lì xì người thân và bạn bè. Quang cũng không có kế hoạch sắm thêm quần áo mới cho dịp này. 

Trong khi đó nỗi niềm cuối năm của Hoàng Hoa là bị nợ tiền kéo dài hoặc bùng tiền. Cô mới làm đám cưới cách đây không lâu và tốn kha khá chi phí nhưng khách cứ vòng vèo kêu công ty chưa quyết toán nên không thanh toán. 

“Sắp Tết tới nơi rồi mà mình có phải lấy tiền mừng cưới ra để trả bù cho bên cung cấp vì khách chưa quyết toán. Nếu không thì mình phải đền gấp đôi hợp đồng. Nghề gì mà bạc quá trời lại còn mệt nữa!” - cô nàng giãi bày. 

Chính vì những vấn đề này mà Hoàng Hoa đang cân nhắc về chuyện quay lại làm đi làm công ty sau dịp Tết Nguyên đán. 


Theo Huyền Trang

Cùng chuyên mục
XEM