Khi vắc-xin ngừa Covid-19 chính thức được sản xuất, các nước giàu sẽ được 'hưởng' đầu tiên, phần còn lại của thế giới chỉ đứng nhìn?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan, các quốc gia giàu có đã chi tiền đặt cọc cho hơn 1 tỷ liều vắc-xin. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng phần còn lại của thế giới sẽ chỉ đứng sau trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên toàn cầu.
Những bước đi của Mỹ và Anh nhằm đảm bảo nguồn cung từ Sanofi và đối tác là GlaxoSmithKline Plc, Nhật Bản và Pfizer, hiện đang là những thương vụ mới nhất trong chuỗi thỏa thuận đặt hàng vắc-xin trên thế giới. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) cũng rất tích cực trong việc chi tiền để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và điều chế vắc-xin.
Dù các tổ chức quốc tế và một số quốc gia hứa hẹn về việc sản xuất vắc-xin với mức giá hợp lý và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, nhưng liều lượng sẽ khó có thể đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 7,8 tỷ người trên thế giới. Khả năng về việc các quốc gia giàu có hơn sẽ độc quyền cung cấp vắc-xin (kịch bản đã từng xảy ra trong đại dịch cúm lợn năm 2009) đã gây ra mối lo ngại cho những nước nghèo và những người ủng hộ quyền lợi sức khỏe.
Theo công ty phân tích Airfinity, Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản cho đến nay đã đặt cọc cho khoảng 1,3 tỷ liều vắc-xin Covid-19 được sản xuất trong tương lai. Ngoài ra, những lựa chọn tăng thêm nguồn cung cấp hoặc những thỏa thuận đang trong quá trình xử lý có thể nâng tổng số lên khoảng 1,5 tỷ liều.
Rasmus Bech Hansen – CEO của Airfinity, cho hay: "Ngay cả khi bạn có đánh giá lạc quan về tiến bộ khoa học, thì lượng vắc-xin cho cả thế giới vẫn là không đủ." Ông nói thêm rằng điều cũng rất quan trọng để cân nhắc là hầu hết các loại vắc-xin phải cần đến 2 liều.
Số lượng liều vắc-xin ngừa Covid-19 dự kiến được phát triển.
Một vài công ty, tổ chức đi đầu, ví dụ như Đại học Oxford cùng đối tác AstraZeneca Plc, và sự hợp tác của Pfizer-BioNTech, đã ở giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu vắc-xin. Điều này làm thúc đẩy hy vọng rằng "vũ khí" chống lại Covid-19 sẽ sớm xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà phát triển vẫn phải vượt qua một số rào cản, đó là chứng minh rằng vắc-xin của họ có hiệu quả, đạt được sự chấp thuận và tăng cường sản xuất.
Trong khi đó, Airfinity dự báo, nguồn cung vắc-xin trên toàn thế giới có thể không đạt tới 1 tỷ liều cho đến quý đầu tiên của năm 2022.
Đầu tư vào năng lực sản xuất trên toàn thế giới được coi là một trong những "chìa khóa" để giải quyết vấn đề nan giải này và các công ty dược phẩm đang lên kế hoạch để triển khai việc việc tiêm phòng được thực hiện rộng rãi. Sanofi và Glaxo dự định gia tăng sản xuất với quy mô toàn cầu vào năm 2021 và 2022 theo một sáng kiến tập trung vào việc đẩy nhanh sản xuất và phân phối vắc-xin công bằng.
Hiện tại, WTO đang hợp tác cùng các công ty CEPI, Gavi và Vaccine Alliance để thúc đẩy sự tiếp cận công bằng và rộng rãi đối với vắc-xin. Họ đã đưa ra một kế hoạch 18 tỷ USD để triển khai vắc-xin và đặt cọc 2 tỷ liều vào cuối năm 2021. Sáng kiến này được gọi là Covax, nhằm mục đích tạo cơ hội cho các chính phủ để phòng ngừa rủi ro cho việc những "ứng viên" vắc-xin không có hiệu quả và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gặp khó khăn.
Các quốc gia sẽ cần phải đạt được một loạt các thỏa thuận với các nhà sản xuất vắc-xin để tăng cơ hội nhận được nguồn cung, bởi một số loại sẽ không có hiệu quả. Seth Berkey – CEO của Gavi, cho biết theo đó họ sẽ phải đấu thầu và đối mặt với rủi ro kém hiệu quả. Ông nói: "Điều chúng tôi lo ngại nhất là việc có được một loạt các thỏa thuận. Hy vọng của chúng tôi là có một danh mục vắc-xin mà có thể giúp các quốc gia cùng tiếp cận."
Berkley cho hay, khoảng 78 quốc gia đã bày tỏ quan điểm về việc tham gia Covax. Ngoài ra, hơn 90 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp, trung bình có thể sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua chương trình Gavi dẫn đầu. Dẫu vậy, vẫn còn những lo ngại rằng phần còn lại của thế giới có thể tụt lại phía sau.
Hồi tháng 6, AstraZeneca đã trở thành nhà sản xuất đầu tiên tham gia chương trình của Gavi, cam kết sẽ cung cấp 300 triệu liều vắc-xin. Trong khi đó, Pfizer và BioNTech cũng đưa ra tín hiệu bày tỏ sự quan tâm đến khả năng cung cấp Covax. Brazil cũng đạt được thỏa thuận đảm bảo được sử dụng vắc-xin của Đại học Oxford với AstraZeneca.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đồng ý chi 2,1 tỷ USD cho các đối tác Sanofi và Glaxo. Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ các thử nghiệm lâm sàng và sản xuất, cho phép Mỹ đặt cọc 100 triệu liều nếu thành công. Quốc gia này cũng có lựa chọn khác để nhận thêm 500 triệu liều trong thời gian dài.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, EU đang gần tiến đến một thỏa thuận cho 300 triệu liều đến từ Sanofi và Glaxo, hiện cũng đang thỏa thuận cùng một số công ty khác. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết đưa bất kỳ loại vắc-xin nào do nước này phát triển trở thành sản phẩm cho toàn cầu.